Biến đổi khí hậu làm gia tăng nguy cơ cháy rừng trên khắp châu Âu
Châu Âu đang chứng kiến một mùa cháy rừng khốc liệt trong năm 2025, với nhiều đám cháy lớn thiêu rụi các khu rừng ở khắp vùng Địa Trung Hải, từ Catalonia (Tây Ban Nha) đến các đảo Hy Lạp như Evia và Crete. Tình trạng khô hạn cực độ đã biến thảm thực vật thành nhiên liệu dễ bén lửa, khiến hàng nghìn người phải sơ tán.
Dữ liệu từ Hệ thống Thông tin Cháy rừng châu Âu (EFFIS) cho thấy, tính đến đầu tháng 7, hơn 227.000 ha đất đã bị lửa thiêu trụi gấp đôi mức trung bình trong hai thập kỷ qua. Dù chưa chạm ngưỡng các năm kỷ lục như 2003 hay 2017, giới chuyên gia cảnh báo tình hình có thể tiếp tục xấu đi trong những tháng tới.

Nguyên nhân chủ yếu nằm ở thời tiết cực đoan. Mùa hè tại khu vực Địa Trung Hải ngày càng trở nên nóng bức và khô hạn, kéo dài mùa cháy rừng đến nhiều tháng. Khi lửa bùng phát, gió mạnh và lớp thực vật khô cằn nhanh chóng đẩy ngọn lửa lan rộng ngoài tầm kiểm soát.
Các nhà khoa học khẳng định biến đổi khí hậu là yếu tố thúc đẩy các đợt nắng nóng kéo dài, làm tăng nguy cơ hỏa hoạn. Trái đất hiện đã nóng lên khoảng 1,3°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, trong đó châu Âu là khu vực có tốc độ tăng nhiệt nhanh gấp đôi mức trung bình toàn cầu kể từ những năm 1980.
Không chỉ các quốc gia Địa Trung Hải, nhiều khu vực khác ở châu Âu cũng đang đối mặt với cảnh báo nguy cơ cháy cao. Dự báo thời tiết tháng 8 cho thấy nhiệt độ sẽ tiếp tục vượt mức trung bình, trong khi lượng mưa ở nhiều vùng đặc biệt là Nam và Đông Âu được dự báo ở mức thấp.
Để ứng phó, chính phủ các nước đã vào cuộc. Hy Lạp triển khai tới 18.000 lính cứu hỏa - con số kỷ lục cùng các chiến dịch tuần tra, phản ứng sớm. Tuy nhiên, những yếu tố xã hội như tình trạng suy giảm dân số ở nông thôn khiến công tác bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn.
Liên Hợp Quốc cảnh báo, số vụ cháy rừng cực đoan trên toàn cầu có thể tăng tới 14% vào cuối thập kỷ này. Các chuyên gia kêu gọi tăng đầu tư vào công tác phòng ngừa, bao gồm việc đốt rừng có kiểm soát nhằm loại bỏ vật liệu dễ cháy, đồng thời khôi phục các hệ sinh thái như đầm lầy và vùng than bùn những “bức tường chắn lửa” tự nhiên giúp giữ nước và ngăn cháy lan rộng.