66 quốc gia cam kết giảm lượng khí thải carbon bằng 0 vào năm 2050

Minh An (T/h)|24/09/2019 09:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Ngày 23/9, Liên hợp quốc thông báo 66 quốc gia, 10 khu vực, 102 thành phố, 93 doanh nghiệp và 12 nhà đầu tư cam kết giảm lượng khí thải carbon bằng 0 vào năm 2050.

Trong một tuyên bố, Văn phòng Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antoniuo Guterres cho biết 66 chính phủ, cùng với 10 khu vực, 102 thành phố, 93 doanh nghiệp và 12 nhà đầu tư đã cam kết giảm lượng khí thải CO2 về bằng 0 vào năm 2050.

Khoảng 60 nhà lãnh đạo các nước trên thế giới đã có mặt ở New York (Mỹ) để tham dự Hội nghị thượng đỉnh khí hậu Liên hợp quốc nhằm làm hồi sinh Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, trong bối cảnh loài người đang ngày càng xả một lượng khí gây hiệu ứng nhà kính vào khí quyển cao hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử.

Ảnh minh họa

Liên hợp quốc ước tính thế giới cần nỗ lực gấp 5 lần để hạn chế nhiệt độ Trái Đất ấm lên ở mức dưới 2 độ C hoặc ở mức lý tưởng nhất là 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Báo cáo được công bố trước khi Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc với sự tham gia của hơn 60 nhà lãnh đạo thế giới. Tại Hội nghị, Tổng thư ký Antonio Guterres đã hối thúc các nước tăng mục tiêu giảm khí thải nhà kính.

Cùng với đó, thời gian qua, liên tiếp xảy ra các vụ cháy nghiêm trọng tại nhiều nơi trong rừng Amazon, gây ảnh hưởng tới khu vực được coi là “lá phổi xanh của hành tinh,” cung cấp khoảng 20% lượng oxy cho Trái Đất. Theo Viện nghiên cứu không gian quốc gia Brazil, tính từ đầu năm 2019 đến nay, số vụ cháy tại rừng Amazon đã tăng 72% so với cùng kỳ năm ngoái.

Rừng Amazon có diện tích gần 7,6 triệu km2, trải dài qua Brazil, Peru, Colombia, Venezuela, Bolivia, Ecuador, Suriname và vùng lãnh thổ Guyana thuộc Pháp. Đây là rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới và có vai trò sống còn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu nhờ năng lực hấp thu lượng lớn khí thải CO2.

Vậy nên, Ngân hàng phát triển liên Mỹ và tổ chức phi chính phủ Bảo tồn quốc tế cam kết giải ngân 500 triệu USD nhằm hỗ trợ công tác bảo tồn các khu rừng nhiệt đới, trong đó có rừng Amazon.

Trước đó, Liên hợp quốc đã công bố báo cáo cảnh báo thế giới đang bị “rớt đằng sau” trong cuộc chạy đua cứu vãn Trái Đất thoát khỏi các thảm họa môi trường do nền nhiệt tiếp tục ấm lên, với giai đoạn từ năm 2015-2019 dự báo là giai đoạn nắng nóng chưa từng có.

Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), nhiệt độ trung bình trên toàn cầu giai đoạn 2015-2019 có xu hướng cao kỷ lục so với bất kỳ giai đoạn 5 năm nào trước đây với mức nhiệt độ cao hơn 1,1 độ Co so với nền nhiệt giai đoạn 1850-1900 thời kỳ tiền công nghiệp và cao hơn 0,2 độ C so với giai đoạn 2011-2015.

Trong Thỏa thuận Paris 2015, các nước đã đưa ra các mục tiêu quốc gia nhằm giảm lượng khí thải nhằm hạn chế sự gia tăng nhiệt độ trong thời gian dài dưới 2 độ C hoặc lý tưởng hơn 1,5 độ C so với mức trước công nghiệp. Đây là những điểm chuẩn để hạn chế những tác động gây ra sự nóng lên đối với các hệ thống khí hậu toàn cầu. Nhưng ngay cả khi tất cả các quốc gia đáp ứng các mục tiêu mà họ tự đặt ra, thế giới vẫn sẽ ấm lên từ 2,9 độ C đến 3,4 độ C, báo cáo cho biết. Các mức tham vọng hiện tại sẽ cần phải tăng gấp 3 để đạt được mục tiêu 2 độ C và tăng gấp 5 lần để đạt được mục tiêu 1,5 độ C – về mặt kỹ thuật có thể thấy.

Minh An (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
66 quốc gia cam kết giảm lượng khí thải carbon bằng 0 vào năm 2050