9 tháng, diện tích rừng bị cháy, chặt phá tăng 83%

Hoàng Linh|30/09/2023 17:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Cục Kiểm Lâm (Bộ NNPTNT) cho biết, diện tích rừng bị thiệt hại trong 9 tháng đầu năm là 1.641 ha, tăng 83% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do bị cháy, chặt, phá, tác động của El Nino, nắng nóng kéo dài.

Ngày 29/9, Bộ NN&PTNT họp báo thường kỳ. Thông tin của Bộ NN&PTNT cho biết, 9 tháng đầu năm, diện tích trồng rừng giảm, trong khi đó, diện tích rừng bị thiệt hại tăng.

Cụ thể, diện tích rừng bị thiệt hại trong 9 tháng đầu năm là 1.641,79 ha, tăng 83% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, diện tích rừng bị cháy là 671,8 ha (gấp 27,4 lần) và diện tích rừng bị chặt, phá là 922,21 ha (tăng 7%).

rung-bi-chay(1).png
Diện tích rừng bị thiệt hại trong 9 tháng đầu năm là 1.641 ha, tăng 83% so với cùng kỳ năm trước

Tại họp báo, ông Nguyễn Hữu Thiện, Cục trưởng Cục Kiểm lâm cho biết, 9 tháng đầu năm nay, diện tích rừng bị thiệt hại tăng mạnh chủ yếu là do bị cháy với trên 30 vụ, vì bị ảnh hưởng của hiện tượng El-Nino gây nắng nóng, khô hạn. Đồng thời, trong quá trình xử lý lớp thực bì, ruộng vườn nương rẫy, người dân không cẩn thận để xảy ra cháy rừng.

“Cùng với thời tiết khô hạn, gió phơn khô nóng, nên chỉ cần một tàn thuốc cũng gây cháy rừng. Vì vậy năm nay diện tích rừng bị thiệt hại tăng gần 700ha, hơn 80% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là do bị cháy rừng, còn tăng do phá rừng khoảng 7%. Qua thống kê, diện tích rừng bị cháy hầu hết là rừng trồng, chủ yếu là rừng thông” - ông Thiện nói.

Cục trưởng Cục Kiểm lâm cho biết đã thường xuyên phối hợp với các cơ quan truyền thông cảnh báo, nhắc nhở người dân về tình trạng cháy rừng trong điều kiện thời tiết khô hạn, nắng nóng. Chỉ đạo, thông báo, đề xuất chính quyền địa phương hạn chế người dân đốt lửa để xử lý thực bì.

Bà Nguyễn Thị Thuý Ái, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thiên tai cộng đồng cho biết, tỷ lệ che phủ rừng giảm, đặc biệt là rừng nguyên sinh giảm sẽ gây ra những ảnh hưởng về thiên tai. Tuy nhiên, để xác định nguyên nhân các đợt thiên tai vừa qua có phải do rừng hay không thì vẫn chưa có nghiên cứu nào chỉ rõ.

“Việc giảm tỷ lệ che phủ rừng chắc chắn có tác động tới biến đổi khí hậu, các sự cố thiên tai. Tuy nhiên từ góc độ phòng chống thiên tai thì chúng tôi chưa thấy một sự liên kết rõ ràng giữa diện tích rừng giảm này với các sự cố thiên tai vừa rồi. Đơn cử như với diện tích rừng bị giảm vừa qua chưa chắc đã trùng với những địa điểm xảy ra những sự cố thiên tai vừa rồi” - bà Ái nói.

Về các chỉ tiêu phát triển rừng giảm so với cùng kỳ, theo đại diện Cục Lâm nghiệp, Việt Nam có tỷ lệ che phủ rừng cao so với thế giới. Trong chiến lược phát triển lâm nghiệp quốc gia đã được Thủ tướng phê duyệt, chúng ta giữ ổn định mục tiêu che phủ rừng ở khoảng 42-43%, nên diện tích rừng sẽ không tăng được mạnh và càng về sau thì việc duy trì chủ yếu là trồng lại, chứ không có trồng mới trên đất trống.

“Các năm trước đây, việc trồng rừng đã đạt ở ngưỡng cao, nên nếu chúng ta so sánh năm nay với khoảng 5-7 năm trước thì sẽ luôn luôn thấy giảm đi, thấp hơn, nhưng tôi khẳng định chúng ta đã đạt được các chỉ tiêu mà Quốc hội, Chính phủ giao” - đại diện Cục Lâm nghiệp cho biết.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
9 tháng, diện tích rừng bị cháy, chặt phá tăng 83%
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.