(Moitruong.net.vn) – Theo các nhà khoa học từ Đại học Newcastle, Anh tiết lộ, có tới 99,99% số rác thải nhựa đang ẩn giấu sâu dưới đáy đại dương và khó có thể dọn sạch. Có lẽ giới khoa học và các nhà hoạch địch chính sách sẽ không khỏi bàng hoàng khi nghe thông tin này.
>>> Tunisia và Ấn Độ: Lũ quét gây thiệt hại nặng nề
>>> Nước thải bốc mùi hôi thối ồ ạt tràn ra biển Nha Trang
Ảnh minh họa
Trên thế giới đang tồn tại hẳn một hòn đảo rác khổng lồ ở giữa Thái Bình Dương. Hòn đảo “rác” này hiện có diện tích lớn hơn cả ba nước Đức, Pháp và Tây Ban Nha cộng lại. Số mảnh rác nhựa tích lũy của hòn đảo này lên tới 1,8 ngàn tỷ và đã gây ra cái chết cho hơn 100 ngàn động vật biển mỗi năm. Phần lớn số rác tại đây chủ yếu trôi nổi từ sông ra đại dương. Tuy nhiên số rác trôi nổi đó thực sự chưa phải là tất cả số rác đang tồn tại trên đại dương.
Do dòng chảy đại dương nên rác thải nhựa thường dồn về các đảo lớn. Hầu hết lượng rác thải nhựa trên biển xuất phát từ các con sông lớn ở những khu vực kém phát triển trên thế giới. Sau đó chúng trôi nổi và hợp thành một mảng rác khổng lồ.
Mặc dù vậy, chỉ có khoảng 246 ngàn tấn trong tổng 393 triệu tấn nhựa đang trôi nổi trên bề mặt biển. Điều đó có nghĩa là 99,99% số rác thải nhựa còn lại đang chìm dưới đáy biển. Thông qua mô hình máy tính, các nhà khoa học phát hiện có một lượng rác lớn nằm dưới các rãnh sâu trên Vịnh Guinea, ngoài khơi bờ biển Nigeria. Khi chìm xuống đáy biển, trầm tích sẽ che phủ số rác này và con người khó có thể tìm thấy. Dù bị che phủ nhưng rác thải nhựa vẫn sẽ gây ô nhiễm cho hệ sinh thái biển, gây hại cho nhiều loài sinh vật sống ở tầng đáy vì tưởng lầm là thức ăn. Thậm chí, nhiều loại rác còn giống như một cái bẫy nhốt giữ các loài sinh vật khiến chúng bị chết vì không thể kiếm ăn.
Giới khoa học ước tính, có khoảng 5 – 36 triệu tấn nhựa chìm xuống đáy biển mỗi năm. Nhà khoa học Alethea Mountford cho biết: “Có rất nhiều sinh vật sống ở đáy biển, vùi sâu trong lớp trầm tích. Chúng có thể ăn phải nhựa và các hóa chất giải phóng ra từ nhựa có thể gây hại cho khả năng sinh sản, nguồn thức ăn của chúng”.
Hẳn nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi, nhựa nhẹ như vậy thì tại sao lại có thể chìm được xuống đáy biển? Đó là vì sau một thời gian dài nhựa trôi nổi trên mặt nước, tảo bắt đầu phát triển bao quanh chúng và vô tình khiến mảnh nhựa trở nên nặng hơn và chìm xuống đáy biển.
Nguyễn Ngân (t/h)