Những dữ liệu mới nhất của Chính phủ Ấn Ðộ chỉ ra, mực nước tại các hồ chứa chính của quốc gia Nam Á này đã chạm mức thấp nhất trong 5 năm qua.
Tại 150 hồ chứa được Chính phủ Ấn Ðộ giám sát, cũng là nơi cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu và là nguồn thủy điện chính của đất nước tỷ dân, mức nước chỉ đạt gần 40% công suất chứa. Tại bang miền nam Karnataka, mực nước ở hồ chứa chính đã giảm xuống mức báo động, chỉ còn 16% công suất, trong khi nhiều thành phố lớn như Chennai hay Bengaluru rơi vào tình trạng cạn kiệt nước.
Nguồn cung cấp nước đã bị cắt giảm đáng kể tại thành phố Bengaluru, mệnh danh là “Thung lũng Silicon” của Ấn Ðộ, nơi đặt trụ sở của các “ông lớn” công nghệ đa quốc gia như Google, Microsoft, IBM. Tình hình được cảnh báo có thể nghiêm trọng đến mức khủng hoảng ở các thành phố miền trung và miền nam của Ấn Ðộ, nơi phải đối mặt với những đợt nắng nóng cực độ vào những tháng sắp tới. Nguồn nước của Ấn Ðộ thường chỉ được bổ sung vào giai đoạn mùa mưa, vào khoảng tháng 6.
Ðầu tháng 3, chính quyền bang Karnataka đã ban hành lệnh cấm sử dụng nước sạch cho một số mục đích như rửa xe, làm vườn và các hoạt động xây dựng trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nước uống đang gia tăng tại thủ phủ của bang này - thành phố Bengaluru. Theo lệnh cấm nêu trên, Cơ quan Cấp thoát nước bang Karnataka sẽ phạt khoảng 60 USD đối với các trường hợp vi phạm. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt bùng phát tại Bengaluru từ trước khi mùa hè đến, trong bối cảnh hơn 3.000 giếng khoan trên toàn thành phố đã cạn kiệt.
Các chuyên gia cho rằng, sự thiếu hụt nghiêm trọng là do mưa gió mùa tây nam yếu ớt, không thể bổ sung cho lượng nước ngầm cạn kiệt và các hồ chứa lưu vực sông Cauvery. Lượng mưa thấp đã buộc người dân phải hạn chế sử dụng nước và phải trả gần gấp đôi mức giá thông thường để đáp ứng nhu cầu hằng ngày. Người dân cũng được khuyến cáo sử dụng nước tiết kiệm, bao gồm khuyến khích tắm cách ngày, sử dụng đồ dùng một lần hay hạn chế giặt quần áo.
Tình trạng thiếu nước trầm trọng đang làm chậm quá trình sản xuất tại các nhà máy may mặc, khiến hóa đơn tiền nước tăng gấp đôi và buộc các nhà quản lý tại một số công ty toàn cầu ở “Thung lũng Silicon” của Ấn Ðộ phải đáp ứng nhu cầu bất thường của nhân viên, như tạm hoãn buổi họp để nhân viên có thời gian đi xếp hàng lấy nước.
Một số nhà hàng thậm chí còn cân nhắc sử dụng bát, đĩa dùng một lần để tiết kiệm nước rửa bát, trong khi một số khác chọn đưa ra lời khuyến nghị tiết kiệm trong phòng vệ sinh và đào tạo nhân viên về cách sử dụng ít nước hơn. Ðáng lo ngại, ở các bang công nghiệp như Maharashtra, Andhra Pradesh và các bang nông nghiệp Uttar Pradesh và Punjab, mực nước ghi nhận đã xuống dưới mức trung bình của 10 năm qua. Liên minh An ninh nước của Ấn Ðộ cảnh báo nguy cơ căng thẳng dẫn đến tranh giành nguồn nước sẽ xảy ra nếu Chính phủ không hành động ngay bây giờ.
Một quan chức cấp cao của Bộ Ðiện lực liên bang Ấn Ðộ cho biết, Bộ đang theo dõi mực nước hồ chứa song chưa lường trước được tình huống có thể dẫn đến việc phải đóng cửa các nhà máy thủy điện. Trong 10 tháng kể từ đầu tài khóa hiện nay (bắt đầu từ tháng 4/2023), sản lượng thủy điện của Ấn Ðộ đã giảm 17%, trong khi nhu cầu tiêu thụ điện tăng mạnh. Trong khi đó, các chuyên gia cảnh báo cuộc khủng hoảng nước hiện nay sẽ trở nên tồi tệ hơn khi Ấn Ðộ bước vào đầu mùa hè.