An Giang dự kiến đầu tư hồ trữ nước ngọt lớn nhất ĐBSCL

Minh Lâm|21/07/2023 07:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

An Giang được đầu tư bằng nguồn vốn ODA để làm hồ trữ nước ngọt lớn nhất ĐBSCL với tổng vốn trên 3.100 tỉ đồng tại vùng Bảy Núi.

Thông tin từ UBND tỉnh An Giang, tỉnh đã có các văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề xuất 4 dự án sử dụng vốn ODA với tổng mức đầu tư hơn 7.700 tỷ đồng.

Lớn nhất là dự án hệ thống trữ nước ngọt gắn với hạ tầng phục vụ liên kết sản xuất vùng Tứ giác Long Xuyên, thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu - Chương trình DPO.

Tổng dung tích trữ nước 94,53 triệu m³, trong đó dung tích trên kênh (gồm kênh Trà Sư và các kênh trục) 25,85 triệu m³; dung tích hồ 68,68 triệu m³.

nuoc-ngot.jpg
Ảnh minh họa.

Quy mô đầu tư xây dựng dự án gồm nạo vét kênh Trà Sư với chiều dài L = 39,7 km; xây dựng cống trên kênh Trà Sư và 12 cống hở qua đê; nâng cấp đê với chiều dài L = 42,6 km; tạo mặt bằng để xây dựng khu dân cư, khu công nghiệp với diện tích 55 ha; xây dựng 2 hồ trữ nước (hồ chứa 1 với diện tích lòng hồ 315 ha, hồ chứa 2 với diện tích 1.300 ha thuộc khu rừng tràm Lâm trường tỉnh đội) và kết hợp trữ nước ngọt trong rừng tràm Trà Sư với diện tích 850 ha.

Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 3.185 tỷ đồng, từ vốn ngân sách trung ương thuộc khoản vay Chương trình DPO là 1.653 tỷ đồng (trong đó, vốn ngân sách trung ương hỗ trợ cấp phát 90% là 1.488 tỷ đồng; địa phương vay lại 10% là 165 tỷ đồng); vốn đối ứng ngân sách địa phương là 1.532 tỷ đồng.

Dự kiến vốn vay của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM), thời gian thực hiện trong giai đoạn 2024-2030.

Riêng đối với dự án Hệ thống trữ nước ngọt gắn với hạ tầng thủy lợi phục vụ liên kết sản xuất vùng Tứ giác Long Xuyên, Bộ TN&MT có ý kiến dự án đáp ứng tất cả các tiêu chí và được kết luận cơ bản phù hợp tiêu chí thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo UBND tỉnh An Giang, việc xây dựng "hồ trữ ngọt" tự nhiên cho vùng Tứ giác Long Xuyên là rất cần thiết nhằm điều tiết lũ, cung cấp nước cho vùng cũng như khu vực ĐBSCL. Sau khi hoàn thành, hệ thống trữ nước ngọt gắn với hạ tầng phục vụ liên kết sản xuất vùng Tứ giác Long Xuyên có thể phục vụ tưới cho khoảng 30.000 ha đất nông nghiệp trong vùng Tứ giác Long Xuyên.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
An Giang dự kiến đầu tư hồ trữ nước ngọt lớn nhất ĐBSCL