Quảng Ninh: Đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây mới thêm hồ chứa nước

An Nhiên|20/06/2023 19:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Theo Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tỉnh sẽ dành hơn 2.000 tỷ đồng để xây mới các hồ chứa nước, nhằm đảm bảo việc cung cấp nước.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh, hiện tỉnh có 176 hồ, đập hoạt động cung cấp nước tưới tiêu và phục vụ sinh hoạt cho người dân. Dung tích hữu ích của các hồ chứa trên 315 triệu m3. Trong đầu tháng 6, dung tích ở các hồ chứa đạt hơn 170 triệu m3 (khoảng 54% trữ lượng nước), nhiều hồ thủy lợi trên địa bàn có mực nước thấp hơn so với các năm trước.

ho-dap.jpg
Ảnh minh họa

Tuy vậy, theo tính toán của các đơn vị quản lý, khai thác hồ đập trên địa bàn, nguồn nước này đảm bảo đủ để cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. Như tại địa bàn thị xã Đông Triều, 18 hồ do Công ty TNHH MTV Thủy lợi Đông Triều quản lý đang có dung tích chỉ đạt hơn 34% tổng dung tích thiết kế, chỉ đảm bảo cung cấp cho trong tháng 6 và đầu tháng 7 này.

Khu vực miền Đông của Quảng Ninh cơ bản đảm bảo được lượng nước sử dụng trong khoảng 3 tháng. Khu vực miền Tây, 13 hồ do Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập quản lý cũng có mực nước thấp hơn so với cùng kỳ nhưng phần lớn đều cao hơn so với đường hạn chế cấp nước. Trong đó, riêng hồ Yên Lập - hồ chứa nước lớn nhất tỉnh Quảng Ninh, cung cấp nước cho các đô thị Hạ Long, Quảng Yên, Uông Bí đang có dung tích hữu ích hơn 37 triệu m3. Trong trường hợp thời gian tới lưu vực hồ không có mưa hoặc mưa nhỏ, nguồn nước này chỉ vẫn đủ cung cấp cho các nhu cầu đến hết tháng 7/2023.

Trước dự báo nắng nóng, khô hạn kéo dài, cường độ có thể gay gắt hơn so với năm 2022 do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, tỉnh Quảng Ninh cũng mới ban hành văn bản triển khai các biện pháp ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán thiếu nước, xâm nhập mặn.

Trong đó, yêu cầu các sở ban ngành, địa phương liên quan kiểm kê, đánh giá thực trạng nguồn nước tại các hồ chứa, hệ thống thủy lợi, báo cáo định kỳ để có phương án phòng chống cụ thể; huy động kinh phí đảm bảo an ninh nguồn nước khi nắng hạn kéo dài; các công ty thủy lợi thực hiện phương án tích nước, điều tiết nước phù hợp. Đặc biệt, Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh phải có phương án sẵn sàng lắp đặt và vận hành trạm bơm dã chiến, vận chuyển nước sinh hoạt cho các khu dân cư, trường học, bệnh viện, cơ sở y tế, kiên quyết không để xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Do thời tiết có những diễn biến cực đoan, hạn hán kéo dài, nên mực nước trong các hồ chứa ở Quảng Ninh thường xuyên ở tình trạng dưới mực nước chết, gây thiếu nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho các địa phương. Điển hình như năm 2020, các hồ chứa ở Quảng Ninh rơi vào tình trạng khô hạn, gây thiếu nước nghiêm trọng cho các địa phương.

Trước vấn đề trên, tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt "Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030" đưa ra nhiều giải pháp trọng tâm khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo từng giai đoạn cụ thể. Tính đến thời điểm này, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước phê duyệt Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước.

Theo đó, từ nay đến năm 2025, tỉnh Quảng Ninh sẽ đầu tư hơn 2.000 tỷ và dự kiến giai đoạn 2026-2030 sẽ tiếp tục đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng cho các dự án thủy lợi.

Cụ thể, giai đoạn từ nay đến năm 2025, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng hồ Khe Tâm; hồ Tài Chi và hồ Quảng Thành; xây dựng hồ chứa nước C22 (dung tích 0,3 triệu m3) ở khu vực huyện đảo Cô Tô; hoàn thiện việc xây dựng hồ Đồng Dọng ở khu vực Vân Đồn.

Riêng khu vực Tây thành phố Hạ Long - thành phố Uông Bí - thị xã Quảng Yên dự kiến đầu tư nâng công suất Nhà máy nước Hoành Bồ thêm 10.000 m3/ngày đêm, xây dựng tuyến ống hòa mạng với mạng lưới cấp nước của Nhà máy nước Đồng Ho.

Khu vực phía đông thành phố Hạ Long và thành phố Cẩm Phả đề xuất triển khai xây dựng nhà máy sản xuất nước sạch từ nguồn nước thải mỏ khu vực Cẩm Phả. Để bảo đảm an toàn và phát huy hiệu quả các công trình hiện có giai đoạn này, tỉnh sẽ sửa chữa, nâng cấp 37 hồ chứa, 36 đập dâng, 5 trạm bơm.

Việc tỉnh sớm phê duyệt Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 là tiền đề quan trọng để hiện thực hóa các nội dung trọng tâm như đánh giá hiện trạng nguồn nước, hiện trạng quản lý các công trình hồ chứa nước; tính toán cân bằng nguồn nước đối với từng phân khu, phân vùng, để xác định nhu cầu sử dụng nước trong từng giai đoạn; tình trạng thừa, thiếu nước sau khi xây dựng bổ sung các công trình.

Thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tận dụng các khai trường mỏ sau khai thác để cải tạo thành hồ chứa; cập nhật thêm đề án bảo vệ môi trường để có những giải pháp bảo vệ nguồn nước hiệu quả; sơ đồ hóa, bản đồ hóa nhu cầu sử dụng nước tại các vùng, khu vực đang thiếu nước... Từ đó, đưa ra các nhóm nhiệm vụ gắn với các kịch bản phát triển, khai thác nguồn nước.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ninh: Đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây mới thêm hồ chứa nước