Theo các ngành chức năng tỉnh Tuyên Quang, các hồ chứa đang điều tiết nước tưới cho các diện tích rau màu vụ đông và nguồn nước đến bổ sung cho các hồ chứa trong thời gian qua ít do lượng mưa trong những tháng cuối năm không nhiều.
Toàn huyện Sơn Dương có 422 công trình thủy lợi, trong đó hồ chứa là 198 công trình, đập dâng 124 công trình, 20 trạm bơm điện, 4 trạm bơm thủy luân… và 645 kênh mương nội đồng được kiên cố hóa/778 km. Các công trình cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho hơn 4.800ha lúa vụ xuân. Ảnh hưởng của thiên tai trong năm 2022, một số công trình hồ đập bị xuống cấp. Số công trình thủy lợi hư hỏng, xuống cấp cần đầu tư xây dựng, nâng cấp, tu sửa là 86 công trình.
Ông Hoàng Văn Niên, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Sơn Dương cho biết, đa số các công trình thủy lợi, hồ đập trên địa bàn huyện Sơn Dương được xây dựng từ lâu, nhiều công trình hiện nay đã bị hư hỏng, xuống cấp không đảm bảo an toàn khi có mưa lũ xảy ra; toàn huyện hiện còn 63 công trình tạm cần được đầu tư kiên cố.
Một khó khăn nữa mà ngành thủy lợi của địa phương gặp phải là đội ngũ cán bộ thực hiện công tác quản lý, khai thác các công trình thủy lợi, hồ đập tại các Ban quản lý công trình thủy lợi cơ sở còn thiếu và chưa đảm bảo về nănglực về chuyên môn, nghiệp vụ; kinh phí tiền lương, tiền công hỗ trợ cho cán bộ còn thấp, chưa thu hút được nhân lực có trình độ cao tham gia vào công tác quản lý,khai thác các công trình thủy lợi trên địa bàn.
Công trình hồ chứa Tân Dân, xã Thiện Kế, huyện Sơn Dương rộng 10,5 ha, cung cấp nước tưới cho 114,5 ha lúa xuân của xã Hợp Hòa và xã Thiện Kế. Ngay khi kết thúc vụ mùa, công trình đã tiến hành tích nước chuẩn bị cho sản xuất các vụ tới.
Ông Hà Văn Bình, Trưởng Ban Quản lý khai thác công trình thủy lợi xã Thiện Kế, huyện Sơn Dương cho biết, do phải điều tiết nước tưới cho gần 45 ha rau màu vụ đông của 2 xã nên đến nay mực nước trong hồ đạt 90% dung tích, cùng với đó lượng nước về hồ ít do những tháng cuối năm ít mưa nên nguy cơ thiếu hụt nguồn nước ở giai đoạn dưỡng lúa xuân có thể xảy ra.
Tại xã Tân Thanh, vụ đông xuân năm nay xã thực hiện gieo cấy 140 ha lúa và khoảng 50 ha ngô và cây rau màu. Hiện nay trên địa bàn xã có 26 hồ đập, 14 đập dâng, 8 phai tạm và 24km kênh mương nội đồng, đảm bảo tưới tiêu cho 100% diện tích gieo cấy lúa xuân.
Do ảnh hưởng của thiên thai, tại đập dâng Cây Ổi, đập xây lâu ngày bị xuống cấp, do mưa lũ 25/8/2017 làm hư hỏng, cuốn trôi toàn bộ đập bằng đá xây, khối lượng dài 6m, cao 1m, rộng đỉnh 0,8m, rộng đáy 2m. Khi xảy ra mưa lũ thường xuyên bị đất đá vùi lấp thân phai dẫn đến chuyển hướng dòng chảy nước suối vào tuyến mương dẫn nước. Còn tại đập xây Phai Lang, đoạn mương từ ruộng nhà ông Nguyễn Văn Nhuê đến ruộng nhà Bà Nguyễn Thị Mùi bị gãy hỏng 50m mương và một đoạn mương khác trên cùng tuyến bị rò đáy 30m; Phai Lang bị vùi lấp không còn khả năng tích trữ nước, cần kinh phí khắc phục sửa chữa khoảng 50 triệu đồng.
Theo ông Phùng Ngọc Vinh, Chủ tịch UBND xã Tân Thanh, huyện Sơn Dương cho biết, hiện nay, Ban quản lý các công trình thủy lợi địa phương và bà con nhân dân tiến hành tu sửa hệ thống công trình thủy lợi, nạo vét kênh mương đảm bảo đủ nước tiêu tiêu cho sản xuất vụ xuân; kiểm tra việc an toàn hồ đập và duy tu bảo dưỡng hệ thống phai tạm. Các hộ cũng chuẩn bị làm đất, chuẩn bị phân bón, giống vật tư để thực hiện cho việc gieo cấy lúa trà sớm.
Theo kế hoạch, vụ xuân này, huyện Sơn Dương phấn đấu gieo cấy 4.797 ha lúa. Với định hướng tạo ra sản phẩm chất lượng, có giá trị hàng hóa cao, huyện chỉ đạo các địa phương tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu giống, tăng diện tích lúa thuần, lúa chất lượng cao, lúa đặc sản. Đảm bảo nguồn nước phục vụ tưới tiêu, UBND huyện chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt việc đảm bảo an toàn hồ đập; thực hiện các đợt ra quân vệ sinh hệ thống kênh mương, phát quang khơi thông dòng chảy đảm bảo tốt nhất việc phục vụ tưới tiêu cho bà con sản xuất.