Mới đây, Ban Tổ chức Giải thưởng “Phong cảnh thành phố châu Á” đã công bố danh sách các dự án, công trình xuất sắc đạt giải năm 2022. Trong đó công trình Quảng trường Nguyễn Tất Thành - Tinh hoa của núi rừng xếp thứ 5 và được đánh giá cao vì nỗ lực tạo ra một trung tâm như một sự giao thoa của nền văn hóa cũ và mới.
Danh sách các dự án, công trình đạt giải gồm: Xingfu Ridge (Homestay sinh thái tại làng cổ Hưng Phúc, Meishan, Trung Quốc); Quy hoạch cải thiện cảnh quan môi trường cho bờ sông Dương Tử ở quận mới Jiangbei của Nam Kinh, Trung Quốc); Làng Danzhai Wanda (Meishan, Trung Quốc); Hồi sinh kênh Thung lũng Jordan (Hồng Kông, Trung Quốc); Quảng trường Nguyễn Tất Thành - Tinh hoa núi rừng (Tuyên Quang, Việt Nam); Cảnh quan công cộng để đổi mới đô thị kênh Phadung Krung Kasem (Bangkok, Thái Lan); Đô thị mới trong thị trấn 100 năm tuổi (Kitakyushu, Nhật Bản); Quy hoạch thị trấn để bảo tồn cảnh quan thị trấn lịch sử của Hizenhama-shuku (Kashima, Nhật Bản); Cách thức mới để đi bộ trong thành phố cổ, bản đồ con đường lịch sử hiện đại của Yeongdo (Busan, Hàn Quốc); Xây dựng thêm đường và trồng rừng vào thành phố Sắt (Pohang, Hàn Quốc); Phát triển đô thị cân bằng thông qua khôi phục cảnh quan văn hóa và lịch sử “Chính sách bảo tồn và phát huy Hanok của Seoul (Seoul, Hàn Quốc).
Các công trình, dự án đạt giải được đánh giá theo 5 tiêu chí gồm: thân thiện với môi trường, an toàn bền vững, tôn trọng văn hóa và lịch sử địa phương, chất lượng nghệ thuật cao và đóng góp vào sự phát triển của khu vực và là hình mẫu cho các thành phố khác.
Giải thưởng “Phong cảnh thành phố châu Á” là giải thưởng quốc tế được thành lập năm 2010 bởi sự phối hợp của 4 tổ chức: Văn phòng Tổ chức định cư con người Liên Hợp Quốc vùng châu Á - Thái Bình Dương, Ủy ban định cư châu Á, Tổ chức thiết kế phong cảnh châu Á và Trung tâm nghiên cứu đô thị thành phố Fukuoka (Nhật Bản), với mục tiêu công nhận một môi trường sống thoải mái, hạnh phúc cho người dân châu Á.
Giải thưởng được thiết kế để tôn vinh các thành phố, khu vực, dự án... đã đóng vai trò quan trọng như hình mẫu trong việc xây dựng cảnh quan với môi trường hữu hình, nơi cuộc sống hàng ngày của con người phát triển xung quanh và bao gồm các yếu tố tự nhiên, hữu hình, khái niệm khác nhau như núi, sông, cây xanh, không gian đô thị, các tòa nhà, văn hóa địa phương và các hoạt động của những người sống trong và xung quanh họ.
Quảng trường Nguyễn Tất Thành toạ lạc giữa lòng TP Tuyên Quang với tổng diện tích hơn 8,5 ha được xây dựng trên nền sân vận động và nhà thi đấu cũ của tỉnh Tuyên Quang. Công trình khởi công đầu năm 2012 và hoàn thành vào đúng dịp kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/2015).
Quảng trường Nguyễn Tất Thành với trung tâm là tượng đài “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang”, phía sau là phù điêu biểu tượng cây đa Tân Trào, di tích lịch sử của cách mạng Việt Nam... và khắc họa một số hình ảnh hoạt động, sinh hoạt văn hóa, kinh tế… của tỉnh Tuyên Quang. Công trình Quảng trường Nguyễn Tất Thành là công trình ấn tượng không chỉ tạo dấu ấn về cảnh quan, kiến trúc đô thị mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa, chính trị, lịch sử của người dân Tuyên Quang nói riêng và người dân cả nước nói chung khi đến Tuyên Quang.
Hàng năm, Quảng trường Nguyễn Tất Thành thu hút hàng trăm nghìn lượt người đến tham quan, dâng hương, báo công và tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí; đặc biệt thu hút lượng khách vào những dịp Lễ, Tết hay sự kiện chính trị, văn hóa – xã hội lớn của tỉnh, đất nước. Đặc biệt, vào tháng 8 âm lịch hàng năm, Quảng trường Nguyễn Tất Thành vinh dự được chọn là nơi tổ chức Đêm hội Trung thu – một trong những nội dung chương trình của Lễ hội Thành Tuyên. Lễ hội này đã được kỷ lục Guiness xác lập: “Đêm hội có nhiều mô hình đèn Trung thu độc đáo và lớn nhất Việt Nam”, “Mâm cỗ Trung thu lớn nhất Việt Nam”, “Cặp đèn lồng lớn nhất Việt Nam”. Đây là đêm hội độc đáo, là nét đẹp văn hóa riêng có của quê hương Tuyên Quang.