Tại các xã phía Nam huyện Sơn Dương bao gồm các xã Trường Sinh, Hồng Lạc, Hào Phú, Tam Đa, Phú Lương tình trạng thiếu nước diễn ra khá phổ biến vào mùa khô. Đồng chí Đỗ Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Trường Sinh khẳng định, xã có trên 1.100 hộ, qua rà soát có đến trên 600 hộ dân gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt, tập trung nhiều nhất ở các thôn Hưng Thịnh, Đồng Tâm, Phú Thọ 1, Phan Lương.
Ngay tại xã Thái Long, phường An Tường (TP Tuyên Quang) vào mùa khô, tình trạng các hộ dân sinh sống dọc theo bờ sông Lô luôn phải sống trong cảnh thiếu nước để phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Ông Hoàng Văn Chanh, thôn Hòa Bình cho biết, từ tháng 12 đến tháng 4 sang năm rất khó khăn về nguồn nước, mực nước giếng đào tụt, có ngày chỉ bơm được 5 - 10 lít nước không đủ để sinh hoạt chưa nói đến sản xuất. Đồng chí Nguyễn Quang Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thái Long cũng khẳng định, trên địa bàn xã Thái Long chưa có công trình cấp nước tập trung, người dân vẫn sử dụng nguồn nước giếng đào, tuy nhiên nhiều năm nay do nhiều nguyên nhân giếng của bà con rất ít nước.
Theo Đài Khí tượng và Thủy văn tỉnh Tuyên Quang, xu hướng biến đổi nhiệt độ, không khí những năm gần đây có chiều hướng diễn biến phức tạp, mùa đông đang ấm dần, tình trạng nắng nóng có chiều hướng gia tăng; lượng và diện mưa có sự biến động lớn về không gian, thời gian xuất hiện và cường độ, hiện tượng mưa dầm trong vài thập kỷ gần đây ít khi xuất hiện hơn, mùa mưa thường xuất hiện muộn và kết thúc sớm.
Biến đổi khí hậu đã tác động xấu đến nguồn nước, mực nước các sông, suối. Sông Lô - con sông lớn nhất chảy qua địa phận tỉnh ta tuy nhiên nhiều năm gần đây vào mùa khô liên tục ghi nhận mực nước dao động ở mức 15,91 m, đây là mực nước tương đối thấp. Trong khi nhu cầu sử dụng nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân có xu hướng gia tăng. Điều này cho thấy Tuyên Quang đã và đang phải đối mặt với những diễn biến bất thường của thời tiết, đứng trước những thách thức lớn về tài nguyên nước.
Ngành Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Tuyên Quang đã tập trung tuyên truyền cơ chế, chính sách, đầu tư xây dựng các công trình cấp nước tập trung trên cơ sở đó tổ chức khai thác, sử dụng nước bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, bền vững.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang, từ năm 2016 đến nay, với nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới, tỉnh được phê duyệt đầu tư 30 công trình cấp nước sinh hoạt cho cộng đồng dân cư, với tổng vốn thực hiện hơn 187 tỷ đồng; xây dựng mới, cải tạo 195 công trình cấp nước và công trình vệ sinh cho các trường học với tổng vốn hơn 30,3 tỷ đồng. Tính đến nay, toàn tỉnh có 382 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. Các công trình đảm bảo cung cấp nước cho hơn 13.400 hộ dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các trường học.
Ông Phạm Văn Toàn, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn cho biết, để các công trình cấp nước tiếp tục phát huy hiệu quả, thời gian tới đơn vị sẽ tiếp tục sửa chữa, nâng cấp, mở rộng các công trình cấp nước sinh hoạt; thường xuyên đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, sử dụng và khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn. Đồng thời, tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc sử dụng và bảo vệ các công trình cấp nước tập trung.
Cùng với việc đầu tư xây dựng các công trình cấp nước tập trung, tỉnh khuyến khích trồng, bảo vệ và phát triển rừng. Đây được coi là giải pháp mang tính dài hơi để bảo vệ nguồn tài nguyên nước và phòng, chống biến đổi khí hậu.