Chơi ở đâu khi đi đến Tuyên Quang

Mai Anh|14/11/2022 15:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Tuyên Quang được mệnh danh vùng đất có nhiều cảnh quan thiên nhiên với nhiều ngọn núi cao, của thảm rừng nguyên sinh trải rộng. Đây cũng là một trong nhiều lý do du khách chọn nơi đây là điểm dừng chân của mình.

Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Đông Bắc của Việt Nam. Nơi đây gắn với nhiều di tích lịch sử hào hùng của dân tộc. Bên cạnh đó, Tuyên Quang còn có những thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ và không kém phần thơ mộng.

Tuyên Quang là vùng đất có nhiều cảnh quan thiên nhiên nổi bật với nhiều ngọn núi cao, của thảm rừng nguyên sinh trải rộng và 2 con sông lớn uốn lượn là sông Lô và sông Gâm, với hồ Nà Hang, thác Mơ, suối khoáng Mỹ Lâm... Và ngoài ra, du lịch Tuyên Quang còn là nơi đầy thú vị với hơn 300 điểm di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng, trong đó, nổi tiếng nhất là khu di tích Tân Trào và truyền thuyết giân dan về “miền nhan sắc, chè Thái gái Tuyên”.

Những địa điểm du lịch ở Tuyên Quang

Khu di tích Tân Trào

tan-chao.jpg
Đình Tân Trào – Khu di tích ở Tuyên Quang.

Khu di tích Tân Trào nằm ở phía Đông Nam tỉnh Tuyên Quang là thủ đô lâm thời của chiến khu Việt Bắc, nơi gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Đối với những người đam mê lịch sử thì đây là một trong những điểm đến hứa hẹn nhiều điều thú vị cho các bạn.

Quần thể khu di tích có rất nhiều địa điểm lịch sử để du tìm hiểu và khám phá: đình Tân Trào, Hồng Thái; hang Bòng, lán Nà Lừa, khu hầm an toàn, Kim Quan.

Hang Bòng

hang-bong.jpg
Hang Bòng.

Lại thêm một di tích lịch sử vô cùng nổi tiếng ở vùng đất Tuyên Quang - Hang Bòng. Hang Bòng là nơi ở và làm việc của Bác Hồ, Trung Ương Đảng và Chính phủ ở Việt Bắc thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 1916-1954. Hang Bòng nằm trên lưng chừng núi Bòng dưới chân núi là dòng sông Đáy uốn khúc và không xa là Hồng Thái, Tân Trào. Vào những năm 1950-1951 Bác Hồ ở hang này.

Sát cửa hang Bòng vào thời gian đó còn một lán nhỏ bằng tre lá. Trong hang Bòng, Ngày 22-2-1950 Bác Hồ đã ký sắc lệnh Tổng động viên nhân tài vật lực cho kháng chiến; ngày 25-7-1950 Bác trả lời phỏng vấn của các nhà báo về Mỹ can thiệp vào Đông Dương. Cũng từ hang Bòng, với bộ quần áo chàm lấm tấm mốc, với đôi dép cao su mòn gót Bác đã vượt suối băng đèo đi công tác, đi chỉ đạo chiến dịch biên giới 1950, đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ hai vào tháng 2-1951. Bên cạnh đó, đây cũng chính là nơi ghi dấu bao chặng đường lịch sử của dân tộc, cần được giữ gìn và phát huy.

Khu du lịch Na Hang

na-hang.jpg
Khu du lịch sinh thái Na Hang.

Khu du lịch Na Hang nằm cách thành phố Tuyên Quang khoảng 105km, đây là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn nhất ở Tuyên Quang. Ở đây có nhiều khung cảnh hùng vĩ cuốn hút du khách, tuy nhiên hồ Na Hang và thác Mơ vẫn là điểm đến được ưa chuộng hơn cả.

Hồ Na Hang là một trong những địa điểm để lại nhiều dư vị trong lòng du khách nhất trong chuyến hành trình khám phá Tuyên Quang. Những ai từng đến đây đều bị cuốn hút bởi khung cảnh hữu tình thơ mộng pha chút bí hiểm.

Thác Khuổi Nhi với tên gọi độc đáo không khỏi khiến du khách tò mò. Đây là một trong những dòng thác kỳ vĩ được yêu thích nhất Việt Nam. Dòng thác cao vút đột ngột đổ dồn xuống làm bọt nước trắng xóa bay đầy trời tạo nên khung cảnh kỳ ảo đẹp đến nao lòng. Đến đây bạn không chỉ được tắm mình trong làn nước trong lành, mát lạnh mà còn có cơ hội được tận hưởng dịch vụ massage độc nhất đến từ những đàn cá nhỏ.

Ngoài ra, du khách còn có thể đến thăm một số địa điểm khác trong quần thể khu du lịch Na Hang như: động song long, thác Mơ, khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ – Bản Bung.

Núi Pắc Tạ

nui-pac-ta.jpg
Núi Pắc Tạ.

Núi Pắc Tạ (trong tiếng Tày có nghĩa là "vú của trời") hay còn gọi là Núi Voi, là ngọn núi cao nhất huyện Nà Hang, tỉnh Tuyên Quang, có dáng hình chú voi đứng bên nậm rượu. Sừng sững, uy nghiêm, thoắt ẩn, thoắt hiện trong mây vờn bên hồ thủy điện Tuyên Quang, núi Pắc Tạ là nguồn cảm hứng cho các văn nghệ sỹ, du khách sáng tác thơ ca, hội họa và nhiếp ảnh.

Núi Pắc Tạ còn có tên là núi “Xa Tạ” gắn liền với truyền thuyết từ xa xưa để lại. Xưa kia, tại một khu rừng rậm có rất nhiều loài thú dữ, trong đó voi là loài vật có sức khỏe nhưng lại khó thuần, dân bản tìm đủ mọi cách để thuần dưỡng voi dùng làm sức kéo chuyên chở hàng hóa. Năm đó, có giặc ngoại xâm vào xâm chiếm, bà con địa phương tập trung tất cả binh lực dồn cho cuộc chiến đấu giữ nước, trong đó có đàn voi đã được thuần dưỡng. Thế nhưng, trong đàn voi có một con voi đực to khỏe nhất đàn, không ai thuần dưỡng được. Bao nhiêu tướng lĩnh giỏi phải chịu bó tay trước con voi hung dữ. Trong bản có một người quản voi dũng cảm xin đảm nhận công việc này.

Ngày đầu tiên, ông cho già trẻ, trai gái trong bản dùng đất đá chặn tất cả những dòng suối, khe lạch xung quanh vùng rừng voi sinh sống. Ba ngày sau voi đực khát nước, lúc này ông mới đổ rượu vào hõm đá cho voi uống thay nước. Năm ngày, rồi mười ngày, voi uống rượu thay nước, lâu dần thành quen với rượu và người quản tượng. Ông đã thuần dưỡng được chú voi đực hung dữ, có thể đặt bành lên lưng điều khiển voi làm theo mệnh lệnh. Từ đó người dân trong bản gọi là “voi rượu”.

Đến ngày xuất trận “voi rượu” hùng dũng xông ra trận tiền phá tan đội hình quân giặc. Chiến thắng trở về, “voi rượu” được nhà vua phong làm “Voi Quận công” và mở yến tiệc linh đình chiêu đãi tướng sỹ. “Voi rượu” hút hết nậm rượu này đến nậm rượu khác. Say quá “voi rượu” tắt thở. Nhưng kỳ lạ thay, voi chết mà vẫn đứng sừng sững uy nghiêm, dáng vẻ hùng dũng như lúc xung trận. Đêm ấy trời mưa tầm tã, gió rít ào ào như bày tỏ niềm tiếc thương của dân bản đối với “voi rượu”. Sáng hôm sau người ta thấy cả voi và nậm rượu đã hóa đá, khối đá ấy mỗi ngày một lớn dần lên thành ngọn núi Pắc Tạ ngày nay.

Thác Bản Ba

thac-ban-ba.jpg
Thác Bản Ba.

Nằm cách trung tâm thị trấn Vĩnh Lộc (huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) khoảng 40 km đường nhựa, thác Bản Ba được người dân địa phương ví như cô gái đẹp chưa biết dùng son phấn. Thác Bản Ba có ba tầng thác. Tầng thác thứ nhất có tên gọi là Tát Củm, là tầng thác có dáng vẻ hùng vĩ và thơ mộng nhất. Chân thác là “vực rồng” (tiếng Tày gọi là “vằng tạng” hay “vằng luồng”), nơi có vách đá giống như hình rồng cuốn, có mạch nước ngầm phun ra giống hình tượng rồng phun nước hòa với ánh sáng mặt trời tạo ra 7 sắc cầu vồng lung linh kỳ ảo. Tầng thác thứ 2 có tên gọi là Thác Cao, là tầng thác được chia làm hai nhánh đổ xuống trông như hai dải lụa trắng tung bay trong không gian giữa núi rừng. Dưới chân thác có một vực nước trong xanh có tên là “vực quyên”, du khách có thể đắm mình dưới vùng nước trong xanh và mát mẻ. Trên bờ của tầng thác này có những phiến đá trông như hình rồng uốn mình nằm phục trên bờ tạo nên vẻ hoang sơ, kỳ vĩ mà hấp dẫn đến lạ thường. Tầng thác thứ 3 chảy dọc theo những phiến đá vôi xuống vực sâu có tên gọi là Vực Linh (vực linh thiêng). Tại đây du khách có thể đắm mình xuống dòng nước trong xanh và mát dịu, lắng nghe âm thanh của dòng thác đổ và tiếng hót của các loài chim rừng... Năm 2007, huyện Chiêm Hóa đã đón nhận bằng xếp hạng di tích Quốc gia thắng cảnh Bản Ba và đã khai trương điểm du lịch sinh thái thác Bản Ba.

Hiện nay, điểm du lịch sinh thái thác Bản Ba đã được đầu tư xây dựng với các hạng mục mang bản sắc đồng bào dân tộc vùng cao. Đến với Bản Ba, du khách sẽ được thăm các thắng cảnh tuyệt đẹp của dòng thác bạc. Đồng thời du khách được thưởng thức nhiều món đặc sản của đất Tuyên Quang với thịt chua, mắm cá ruộng, xôi ngũ sắc, cơm lam chấm muối vừng, sắn nướng... Tham gia các hoạt động đốt lửa trại, giao lưu với đồng bào dân tộc ở địa phương và tham gia nhiều trò chơi truyền thống như tung còn, đẩy gậy, kéo co...

Phong cảnh hoang sơ với hệ sinh thái là những cánh rừng cổ thụ vài trăm năm tuổi, thảm thực vật phong phú, dòng thác đổ xuống tạo nên khung cảnh đẹp như tranh vẽ. Dưới chân thác nước là những cánh đồng tốt tươi quanh năm. Tất cả đã tạo cho thác Bản Ba một vẻ đẹp nguyên sơ và đầy thơ mộng. Với sự nỗ lực của chính quyền địa phương và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch ở Chiêm Hóa, thác Bản Ba trong tương lai không xa sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách.

Lán Nà Lừa

lan-na-lua.jpg
Lán Nà Lừa.

Như chúng ta đã biết, những ngày trước khi diễn ra Cách mạng Tháng Tám, căn cứ làm việc của Bác Hồ và các chiến sĩ khác chủ yếu là ở Tuyên Quang. Đặc biệt là lán Nà Lừa - một địa danh nổi tiếng và khá quen thuộc với đối với người dân nơi đây, vì nó chính là nơi làm việc trực tiếp của Bác. Lán Nà Lừa là nơi Bác Hồ ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 8 năm 1945 để chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa.

Lán được dựng bằng tre theo kiểu nhà sàn. Ẩn mình dưới những tán cây rậm rạp, cột làm bằng thân cây chôn xuống đất, rui mè bằng tre nứa, mái lợp lá gồi. Lán có hai gian nhỏ, gian bên trong là nơi Bác nghỉ ngơi, gian bên ngoài là nơi Bác làm việc và tiếp khách. Tại căn lán nhỏ đơn sơ này, nhiều văn kiện, chỉ thị, chủ trương, kế hoạch liên quan đến cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã được Bác Hồ soạn thảo.

Khi đến đây, chúng ta mới có thể cảm nhận được cuộc sống gian khổ của Bác trong những ngày chống Pháp, từ đó thấu hiểu hơn những công lao của Bác đối với đất nước Việt Nam.

Đền Hạ- điểm du lịch tâm linh Tuyên Quang

den-ha.jpg
Đền Hạ.

Đền Hạ còn có tên gọi là đền Hiệp Thuận nằm ở số 53 phố Lý Nam Đế, phường Tân Quang, Tuyên Quang. Đây chính là khởi nguồn hình thành lên đền Dùm, đền Ỷ La.

Chùa An Vinh hay còn được gọi là An Vinh Thiền Tự tọa lạc tại tổ 7, xã Hưng Thành, Tuyên Quang. Theo như Tạo tác hưng công bi ký thì chùa được xây dựng từ triều vua Lê Dụ Tông (tức năm 1720). Hiện nay chùa còn lưu giữ rất nhiều hiện vật lịch sử: chuông đồng thời Thiệu Trị, khánh đồng thời vua Nguyễn Quang Toản và một số hoành phi, câu đối chứa đựng giá trị văn hóa, giá trị nghệ thuật

Chùa Hương Nghiêm hay còn được gọi là chùa Hang, nằm dưới chân núi xóm Phúc Thọ, xã An Khang, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang. Chùa nằm trong hang đá tự nhiên gồm nhiều nhũ thạch rủ xuống với các hình thù độc đáo, đặc biệt, nhũ đá cổ với hình cây cổ thụ đã tạo nên vẻ đẹp kỳ thú, cuốn hút nhiều khu khách.

Ngoài ra, khi đến du lịch Tuyên Quang các bạn còn có thể ghé thăm một số đền, chùa khác như: đền Thượng, đền Ỷ La, đền Cảnh Xanh, đền Cấm, đền Mỏ Than, đền Kiếp Bạc, chùa BẢo Ninh Sùng Phúc, chùa Phúc Lâm.

Tuyên Quang mùa nào đẹp

Tuyên Quang là một vùng đất có khí hậu chủ yếu được chia làm 2 mùa là mùa đông lạnh, khô hạn từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau và mùa hè nóng ẩm mưa nhiều và mưa thường tập trung vào tháng 5 đến tháng 8.

tq.jpg
Mỗi mùa Tuyên Quang lại có một vẻ đẹp riêng.

Trong đó, mùa đông ở Tuyên Quang thường lạnh nhất là vào tháng 11 và 12 âm lịch, thời tiết lúc này thường có sương muối và cái rét cắt da cắt thịt.. Tuy nhiên, bất cấp khí hậu thời tiết khắc nghiệt thì các danh thắng ở Tuyên Quang vẫn khoác lên mình vẻ đẹp theo từng mùa nên bạn vẫn có thể đến tham quan vào bất cứ lúc nào.

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm du lịch Tuyên Quang thì mùa xuân vẫn là thời gian đẹp nhất và phù hợp nhất để tham quan, khám phá vì thời điểm này cây cối đâm chồi, khoe sắc và những dòng thác cũng êm đềm, hiền hòa, không khí trong lành, thoáng đãng. Ngoài ra, du khách cũng có thể đến Tuyên Quang vào dịp Trung thu để hòa mình vào không khí tưng bừng náo nhiệt của lễ hội Thành Tuyên lung linh sắc màu hay tham gia vào vô số những lễ hội đặc sắc, đậm văn hóa truyền thống khác nhau của cộng đồng các dân tộc tỉnh Tuyên Quang.

Bài liên quan
  • Chơi ở đâu khi đi đến Thái Nguyên?
    Thái Nguyên là tỉnh nằm tiếp giáp với Hà Nội, nơi đây được thiên nhiên ưu ái với địa hình đồi núi thấp, khi hậu ôn hòa mát mẻ, không khí trong lành. Chính vì vậy, nơi đây thu hút rất đông du khách tìm về vào dịp cuối tuần và nghỉ lễ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chơi ở đâu khi đi đến Tuyên Quang