Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang và Kiên Giang đã thống nhất sẽ vận hành xả đập tràn cao su Trà Sư vào 8 giờ sáng ngày 4/10/2019, nhằm mục đích kiểm soát lũ năm 2019 nhằm chủ động lấy phù sa, vệ sinh đồng ruộng, cung cấp nước ngọt và phục vụ dân sinh vùng Tứ giác Long Xuyên và vùng hạ lưu.
Các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng khi xả đập bao gồm: TP Châu Đốc, các huyện Tịnh Biên, Châu Phú, Tri Tôn, Châu Thành và Thoại Sơn của tỉnh An Giang; các huyện Hòn Đất, Tân Hiệp, Châu Thành và TP Rạch Giá tỉnh Kiên Giang mức độ ảnh hưởng thấp hơn.
Hiện nay, tỉnh Kiên Giang chưa thu hoạch xong vụ lúa hè thu. Tuy nhiên, lũ ĐBSCL năm nay ở mức thấp và đã có xu thế xuống. Vì vậy, việc xả đập Trà Sư là phù hợp với quy trình vận hành đã được duyệt.
Đập Trà Sư.
Hiện mực nước ngày 2/10 ở thượng lưu đập Tha La là 3,51m, hạ lưu là 2,34m; tại đập Trà Sư là trên 3,50m, hạ lưu đập trên 2,40m, vẫn đang ở mức thấp. Dự báo, sau khi xả lũ 1 – 3 ngày, mực nước hạ lưu đập Trà Sư dự báo sẽ tăng từ 0 – 40cm, tại ngã 3 kênh Trà Sư với kênh Đào tăng 10 – 20cm; tại ngã 3 kênh Trà Sư với kênh Cần Thảo tăng 5 – 10cm; mực nước nội đồng Tứ giác Long Xuyên tại Xuân Tô (Tịnh Biên) và Tri Tôn tiếp tục lên, đến ngày 3/10 có khả năng vượt báo động I từ 0,10-0,20m.
Hai đập Tha La và Trà Sư được xây dựng, đưa vào quản lý, vận hành từ tháng 5/2000. Nhiệm vụ chính là điều tiết lũ từ thượng nguồn Campuchia ra biển Tây, ngăn lũ đổ về phía Nam Quốc lộ 91 bảo vệ diện tích lúa Hè Thu, bảo an toàn sản xuất vụ Thu Đông (vụ ba).
Việc xả lũ ở hai đập Tha La và Trà Sư nhằm vận hành linh hoạt, đảm bảo tính an toàn cũng như kiểm soát lũ của hai đập Tha La và Trà Sư đối với vùng Tứ Giác Long Xuyên được tốt hơn…
An Hạ (t/h)