Ăn na thế nào có ích cho sức khỏe mà tránh được thứ “cực độc”

Mai Hạ|26/08/2024 15:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Quả na chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi nhưng bên cạnh những lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe, loại quả này chứa một thứ “cực độc”. Vì thế phải biết cách ăn để hưởng trọn nguồn dinh dưỡng dồi dào từ quả na mà phải được thứ cực độc này.

Na còn có tên gọi khác là mãng cầu ta, mãng cầu dai/giai, sa lê, phan lệ chi… có vị ngọt, hơi chua, tính ẩm. Là một loại quả giàu canxi, magiê, sắt, niacin và kali, giàu chất chống oxy hóa...

Những lợi ích của quả na

Na là nguồn cung cấp chất sắt dồi dào - một khoáng chất thiết yếu cho quá trình sản xuất hemoglobin - thành phần chính của hồng cầu có chức năng vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Thiếu sắt là một trong những nguyên nhân phổ biến gây thiếu máu.

Na rất giàu vitamin A – một chất chống oxy hóa quan trọng giúp bảo vệ giác mạc, duy trì độ ẩm cho mắt, ngăn ngừa khô mắt và giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng do tuổi tác. Loại quả này còn chứa các carotenoid như lutein và zeaxanthin, được biết đến với khả năng bảo vệ mắt khỏi ánh sáng xanh có hại từ màn hình điện tử và ánh nắng mặt trời, giúp giảm nguy cơ đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng.

Na chứa một lượng lớn magie và kali, hai khoáng chất quan trọng trong việc điều hòa huyết áp. Magie giúp thư giãn mạch máu và ngăn ngừa co thắt, trong khi kali giúp cân bằng lượng natri trong cơ thể, từ đó giảm huyết áp. Vitamin B6 có trong na giúp giảm homocysteine, một loại axit amin có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Vitamin B6 trong na giúp giảm buồn nôn và nôn, các triệu chứng thường gặp trong thời kỳ ốm nghén. Vitamin A và C trong na rất quan trọng cho sự phát triển của mắt, da, tóc và hệ miễn dịch của thai nhi.

Na cũng có thể làm giảm nguy cơ sảy thai, giảm thiểu cơn đau chuyển dạ khi sinh nở và tăng sản xuất sữa mẹ sau khi sinh. Kali và magie trong na giúp điều hòa huyết áp, giảm nguy cơ tiền sản giật và các biến chứng tim mạch khác trong thai kỳ. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai vẫn nên tham khải ý kiến của bác sĩ trước khi ăn na, đặc biệt nếu có tiền sử bệnh tiểu đường hoặc dị ứng với na.

Vitamin C có trong na giúp trung hòa các gốc tự do gây viêm nhiễm trong cơ thể. Nghiên cứu cho thấy, người có lượng vitamin C thấp trong máu có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cao hơn. Na cũng chưa magie là một khoáng chất quan trọng trong việc duy trì sức khỏe xương khớp, giúp giảm viêm, tăng cường mật độ xương và giảm đau khớp.

26-na.jpg
Quả na có nhiều tác dụng tuyệt vời nhưng phải biết ăn đúng cách để tránh được độc tố

Tác dụng chữa bệnh từ quả na

Quả na không chỉ là loại trái cây thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng, mà các bộ phận của cây na đều có tác dụng chữa rất nhiều bệnh. Dưới đây là một số bài thuốc chữa bệnh tuyệt vời từ cây na mời bà con tham khảo.

Chữa sốt rét: Lấy 50g rễ na sắc uống với 30g rễ và lá cây ngâu rừng, 30g rễ xoan rừng.

Hoặc: Quả na điếc 40g, giun đất 80g, phèn phi 20g. Quả na điếc đập vỡ vụn, tẩm rượu sao vàng. Giun đất rửa sạch, tẩy bằng rượu, phơi khô, sao vàng. Hai thứ trộn với phèn phi, tán bột mịn, luyện với nước tỏi hoàn viên bằng hạt đỗ xanh. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 10 viên.

Chữa kiết lỵ: Quả na ương (chín nửa chừng) thái nhỏ, bỏ hạt, sắc uống.

Chữa ho, viêm họng: quả na điếc 50g, rễ xạ can 30g, nhân hạt gấc 20g, cam thảo dây 25g, lá bạc hà 50g, lá chanh 25g, lá táo 25g, sinh địa 50g. Tất cả phơi khô, riêng quả na điếc đốt tồn tính, giã nhỏ, tán bột, trộn với 150g đường kính đã nấu thành siro để làm viên, mỗi viên 0,5g. Người lớn 6-8 viên. Chia 2 lần. Trẻ em tùy theo tuổi 3-6 viên. Dùng 3-5 ngày.

Chữa áp-xe vú, quai bị: quả na điếc 10-20g, phơi khô, tán bột rồi hòa với dấm bôi nhiều lần trong ngày.

Chữa nhọt ở vú: Quả na điếc phơi thật khô, tán thành bột, rồi hòa với giấm, bôi nhiêu lần trong ngày.

Chữa bong gân: Lấy lá na 20g, quả đu đủ xanh 10g, vôi tôi 5g, muối ăn 5g, tất cả giã nát, hơ nóng, đắp vào vùng tổn thương. Ngày làm một lần.

Rễ na: Dùng rễ na 30-50g thái nhỏ, rửa sạch, sao qua, sắc uống có tác dụng tẩy giun đũa.

Chữa đau răng: Lấy hạt na giã nhỏ ngâm rượu, rồi lấy rượu đã ngâm hạt na ngậm vào chỗ răng sưng đau, sau ngậm chừng 10 - 15 phút thì nhổ nước này đi. Ngày cần ngậm vài ba lần.

Trừ chấy, rận: Giã nhỏ hạt lấy nước gội đầu hay ngâm quần áo. Để trừ chấy, giã nhỏ hạt na trộn với rượu hoặc giấm mà vò vào đầu, xát vào chân tóc, bịt khăn lại, giữ 15 phút rồi gội đầu. Tránh không cho va vào mắt vì có độc.

Thứ “cực độc” cần tránh

Khi thưởng thức na, cần lưu ý rằng hạt na có chứa độc tố. Nếu lỡ nuốt phải hạt na thì cũng không cần quá lo lắng. Vỏ hạt na dày và cứng, giúp ngăn chặn độc tố bên trong phát tán. Thông thường, hạt na sẽ được đào thải ra ngoài theo đường tiêu hóa nên không gây hại cho sức khỏe.

Tuy nhiên, nếu hạt na bị dập nát, các độc tố bên trong sẽ dễ dàng giải phóng, có thể dẫn đến ngộ độc, thậm chí tử vong tùy vào số lượng nuốt phải. Các chất độc chính trong hạt na thuộc nhóm acetogenin, bao gồm squamosten A, anoslin, neo-desacetyluvaricin, neo-anonin-B, neo-reliculatacin A, các squamocin, các squamostatin.

Do có độc tính nên từ xưa hạt na đã được dân gian sử dụng để diệt côn trùng, chấy, rận thông qua các biện pháp như nấu nước gội đầu hoặc giã nát hạt na đắp lên đầu. Trong trường hợp này, độc tố trong hạt na rất nguy hiểm.

Nếu dính vào mắt, nó có thể gây bỏng mắt, bỏng biểu mô giác mạc. Nếu không được sơ cứu và điều trị kịp thời, tình trạng này có thể tiến triển thành viêm loét giác mạc, thậm chí dẫn đến mù lòa vĩnh viễn. Ngoài ra, nếu độc tố này tiếp xúc với da, đặc biệt là các vết thương hở, nó có thể gây lở loét, viêm nhiễm nghiêm trọng và tổn thương da nặng nề.

Bài liên quan
  • Những lợi ích tuyệt vời của quả ổi với sức khỏe
    Ổi là loại trái cây dân dã nhưng ít ai biết rằng thứ quả này có nhiều công dụng với sức khỏe như giúp chức năng miễn dịch tốt hơn, tăng cường khả năng sinh sản và giảm sự phát triển của tế bào ung thư…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Ăn na thế nào có ích cho sức khỏe mà tránh được thứ “cực độc”