Ăn quá nhiều muối gây hại cho cơ thể như thế nào?

Minh Hạnh|04/04/2021 02:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Muối là một gia vị không thể thiếu trong chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, ăn nhiều muối lại là yếu tố nguy cơ chính dẫn đến mắc các bệnh như: Tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim…

Ăn mặn có không ít tác hại đến cơ thể, nguy cơ dẫn đến nhiều bệnh mạn tính.

Lượng muối khuyến cáo là 0,5 gram mỗi ngày, nhưng hầu hết mọi người đang tiêu thụ nhiều hơn gấp đôi số đó. Tiêu thụ nhiều muối hơn mức cần thiết dẫn đến những hậu quả không tốt cho cơ thể.

Những vấn đề sẽ xảy ra với cơ thể nếu ăn thừa muối

Sỏi thận

Chế độ ăn nhiều natri làm tăng lượng canxi bài tiết qua nước tiểu, có thể kích hoạt sỏi thận. Canxi tích tụ trong nước tiểu trở nên cô đặc và tạo thành tinh thể. Những tinh thể đó phát triển lớn dần lên hình thành sỏi thận.

Huyết áp cao

Quá nhiều muối trong chế độ ăn uống có thể dẫn đến huyết áp cao, có thể làm suy yếu và làm hỏng các động mạch, tim và các cơ quan khác của bạn. Theo thời gian nó có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành, đột quỵ và suy tim. Huyết áp cao là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho phụ nữ.

Viêm loét dạ dày

Theo thời gian, tiêu thụ muối quá mức có thể gây hại cho niêm mạc dạ dày, gây ra sự thay đổi bất thường trong các mô khỏe mạnh. Tiêu thụ muối quá mức thậm chí có thể dẫn đến tăng nguy cơ ung thư dạ dày.

Bệnh tim

Ăn mặn sẽ uống nước nhiều làm tăng khối lượng máu tuần hoàn thì tim phải làm việc nhiều hơn, lâu ngày tim thất trái to lên rồi dẫn đến bị suy tim. Nếu bạn phát hiện và giảm ăn muối thì tim thất trái sẽ trở lại bình thường.

Theo một nghiên cứu mới của Nhật Bản, ăn nhiều muối có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở bệnh nhân tiểu đường. Việc tiêu thụ quá nhiều muối trong chế độ ăn uống có thể làm tăng huyết áp, đây là yếu tố chính làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.

Muối làm mất canxi

Ăn quá nhiều muối sẽ làm tăng lượng canxi bị thải hồi qua phân. Vì thế mà những người ăn mặn rất dễ bị loãng xương và nguy cơ gãy xương cao hơn những người có chế độ ăn nhạt.

Bệnh suyễn

Những bệnh nhân bị suyễn nếu ăn nhiều muối thì cơn suyễn sẽ nặng nề và thường xuyên hơn, có thể dẫn đến đột tử nếu vẫn duy trì thói quen đó.

Ăn muối ra sao cho hợp lý?

Để thực hiện mục tiêu giảm mức tiêu thụ muối trong khẩu phần ăn, tháng 3/2018, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 2033/QĐ-BYT về kế hoạch quốc gia truyền thông vận động thực hiện giảm muối trong khẩu phần ăn đề phòng, chống tăng huyết áp, đột quỵ và các bệnh không lây nhiễm khác.

Mục tiêu của kế hoạch là nâng cao hiểu biết, thay đổi hành vi của người dân để giảm lượng muối trong khẩu phần ăn hằng ngày với chỉ tiêu trên 90% người trưởng thành biết tác hại do ăn nhiều muối, nhận biết được các loại thực phẩm có nhiều muối và biết các biện pháp để giảm ăn muối; trên 60% người trưởng thành thực hiện ít nhất 1 biện pháp để giảm muối trong khẩu phần ăn hằng ngày; giảm mức tiêu thụ muối trung bình của người trưởng thành xuống còn dưới 7 gam/người/ngày; trên 90% học sinh phổ thông có hiểu biết về tác hại của việc ăn nhiều muối và nhận biết được các loại thực phẩm chứa nhiều muối; trên 90% số người được phát hiện mắc tăng huyết áp, bệnh tim mạch và các bệnh liên quan khác được tư vấn, hướng dẫn thực hiện chế độ ăn giảm muối.

Trong nội dung Chương trình Sức khoẻ Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 9/2018, có đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, giảm mức tiêu thụ muối của một người/ngày xuống dưới 8g và đến năm 2030 là dưới 7g.

Để dễ dàng thực hiện giảm muối trong khẩu phần ăn, Chương trình Sức khoẻ Việt Nam cũng đề cập việc cần có quy định bắt buộc về dán nhãn thực phẩm đối với thực phẩm chế biến sẵn trong đó công bố hàm lượng muối là một trong những chỉ tiêu rất quan trọng.

Bộ Y tế khuyến cáo mỗi người dân không ăn quá 5g muối/ngày, giảm một nửa lượng muối cho vào khi chế biến thức ăn cho gia đình, hạn chế sử dụng các gia vị mặn trên bàn ăn. Nếu có sử dụng nên pha loãng các gia vị mặn và chấm nhẹ tay.

Khi sử dụng các thực phẩm chế biến, đóng gói sẵn, cần đọc nhãn dinh dưỡng ghi trên bao gói sản phẩm để biết được hàm lượng muối có trong sản phẩm đó.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo người dân cân nhắc và hạn chế sử dụng các sản phẩm có nhiều muối như: Rau củ muối, mỳ ăn liền, thịt xông khói, thịt nguội, xúc xích,… Cùng đó, nên tăng cường ăn các món luộc thay cho các món kho, rim hay rang.

Đối với trẻ em, cha mẹ nên rèn cho con thói quen giảm ăn muối ngay từ nhỏ. Còn với người có thói quen ăn nhiều muối, nên thực hiện các khuyến cáo giảm muối trong các bữa ăn hàng ngày để dần có chế độ ăn lành mạnh. Mỗi hành động nhỏ như giảm ăn muối, tạo thói quen sẽ giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm nguy hiểm.

Minh Hạnh

Bài liên quan
  • Cách bảo quản thực phẩm an toàn mùa nắng nóng
    Moitruong.net.vn – Những ngày trời nắng nóng, nhiệt độ cao, thực phẩm rất dễ bị ôi thiu. Để đảm bảo được lượng dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Dưới đây là những gợi ý giúp bạn giữ thực phẩm tươi ngon.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ăn quá nhiều muối gây hại cho cơ thể như thế nào?