Ví trí và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới. Nguồn: NCHMF.
Sáng 6/10, Ban chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT) tổ chức cuộc họp ứng phó với vùng áp thấp trên biển Đông có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và tình hình mưa lũ tại khu vực miền Trung.
Thông tin về tình hình của áp thấp, ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) Quốc gia, cho biết: Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 1 giờ ngày 7/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 13,5 độ Vĩ Bắc; 112,2 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa khoảng 330km về phía Đông với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Do ảnh hưởng của vùng áp thấp kết hợp với gió mùa Tây Nam nên ở khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Định đến Kiên Giang và Vịnh Thái Lan có gió Tây Nam mạnh cấp 6 – 7, giật cấp 8. Sóng biển cao 2 – 4m. Biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thông tin về tình hình vùng áp thấp. Ảnh: NH.
Từ ngày 6 – 11/10, ở các tỉnh Trung Bộ có khả năng mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 300 – 500mm/đợt, riêng các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 500 – 700mm/đợt; các tỉnh Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 200 – 350mm/đợt; các tỉnh Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 150 – 250mm/đợt.
“Hình thế mưa lớn điển hình ở Trung Bộ là do trên dải hội tụ nhiệt đới tồn tại các vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và kết hợp với hoạt động của không khí lạnh nên từ đêm nay nên mưa lớn trong 10 ngày tới có thể từ 500 – 1.000 mm, có nơi cục bộ lên tới 1.500 mm” – ông Khiêm nói.
Ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, đánh giá đây là đợt thiên tai rất nguy hiểm, phạm vi ảnh hưởng rộng nên cần sẵn sàng phương án ứng phó.
Ông Hoài đề nghị Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia tăng cường dự báo, ngoài dự báo dài hạn cần có dự báo phạm vi hẹp và ngắn hạn, nhất là khu vực có nguy cơ mưa lũ lớn.
Ông Hoài đề nghị các tỉnh ven biển cần có phương án đảm bảo an toàn cho người dân và các lồng bè nuôi trồng thủy sản, đồng thời quan tâm đến các phương án đảm bảo an toàn cho khách du lịch.
Trên đất liền, các địa phương triển khai kiểm tra hệ thống đê biển, đê cửa sông, đê đang thi công, nhất là khu vực xung yếu để có giải pháp đảm bảo an toàn.
Ông Hoài nhấn mạnh, khu dân cư, khu vực vùng trũng, thấp sẽ chịu ảnh hưởng kép từ tương tác gió của ATNĐ và ngập lụt do mưa lũ nên cần sẵn sàng các phương án sơ tán dân trong tình hình lũ lụt kéo dài ở khu vực này.
Trên tuyến biển các địa phương chủ động thông báo tình hình thời tiết trên biển để tàu thuyền tránh trú. Khu vực nuôi trồng thủy hải sản có giải pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản nuôi trồng khu vực ven biển.
Hoàng Nhân