Áp thấp nhiệt đới nhiều khả năng mạnh lên thành bão, áp sát bờ biển Hà Tĩnh, Quảng Bình

BCĐ TW PCTT|09/10/2017 14:25
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Chiều nay (9/10) Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức họp trực tuyến với các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình về công tác phòng chống áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp &PTNT, Phó trưởng ban Thường trực ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai Hoàng Văn Thắng chỉ đạo cuộc họp 

Theo Trung tâm dự báo KTTV Trung ương, Áp thấp nhiệt đới đã báo đang cách bờ biển Quảng Bình khoảng 350km, có khả năng mạnh lên thành bão. Dự kiến 1 giờ đến 7 giờ sáng mai (10/10), áp thấp nhiệt đới sẽ đổ bộ vào Bắc Trung Bộ và gây mưa lớn trên diện rộng.

Từ chiều tối và đêm nay (9/10), lũ trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi sẽ lên nhanh. Trong đợt lũ này (từ ngày 9 đến ngày 11/10), mực nước trên các sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có khả năng lên mức báo động (BĐ) 2 – BĐ3; các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế lên mức BĐ1, trên BĐ1; các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi còn dưới mức BĐ1. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ ở vùng trũng thấp tại các tỉnh ở vùng núi phía Bắc như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi.

Về hồ chứa, ông Trần Quang Hoài – Chánh văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, các hồ chứa nhỏ ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, hầu hết các hồ đạt trên 80% dung tích thiết kế; các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế các hồ đạt trung bình 60 – 80% dung tích thiết kế. Các tỉnh có nhiều hồ đầy nước gồm: Thanh Hóa 420/584 hồ; Nghệ An 337/588 hồ; Hà Tĩnh 280/316 hồ.

Theo báo cáo của Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến ngày 9/10, Biên phòng tuyến biển đã phối hợp với Ban chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 70.077 tàu/230.513 lao động biết vị trí, diễn biến, hướng di chuyển của ATNĐ để chủ động di chuyển hoặc thoát khỏi vùng nguy hiểm. Tuy nhiên có 4 tàu với 24 lao động hiện nay chưa liên lạc được. Trong đó, Thanh Hóa có 1 tàu (10 lao động), Quảng Ngãi 3 tàu (14 lao động).

Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng – phó trưởng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai – yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan trong đối phó với áp thấp nhiệt đới gần bờ.

“Thứ nhất, khu vực ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới đã chịu những đợt mưa dài. Các hồ chứa hiện đã tương đối đầy nước, vì vậy các tỉnh, thành phải rất chú ý, có các giải pháp đảm bảo an toàn hồ chứa, ứng phó với lũ, lũ quét.

Thứ hai, cần khẩn trương liên lạc, kêu gọi tàu thuyền vào bờ, hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Các lực lượng phải sẵn sàng các phương án cứu hộ cứu nạn khi cần”

Theo Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, trong ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần bờ, đáng lo nhất là thời gian ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới vào ban đêm, vì vậy, cần chủ động chằng chống nhà cửa, di dân và đặc biệt lưu ý khu vực nuôi trồng thủy sản. “Cơ quan dự báo, thông tin truyền thông cần bám sát, kịp thời cập nhật thông tin, chủ động thông báo cho người dân, chính quyền chủ động trong ứng phó”.

BCĐ TW PCTT

Bài liên quan
  • Bão số 9 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới
    Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ bão số 9), vùng biển phía tây của khu vực bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Áp thấp nhiệt đới nhiều khả năng mạnh lên thành bão, áp sát bờ biển Hà Tĩnh, Quảng Bình
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.