Australia: Báo động tình trạng ô nhiễm lưu huỳnh

Hoài Thương (T/h)|22/08/2019 05:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) công bố báo cáo cho thấy Australia là nước phát thải khí lưu huỳnh (SO2) lớn thứ 12 thế giới.

Báo cáo trích dẫn dữ liệu mới nhất từ Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết, mặc dù 5 quốc gia có mức độ phát thải khí SO2 lớn nhất thế giới là Ấn Độ, Nga, Trung Quốc, Mexico và Iran, nhưng nếu so về độ phát thải tại mỗi khu vực thuộc tốp 100 điểm nóng ô nhiễm SO2, tổ hợp khai thác các nhà máy luyện chì và đồng tại núi Isa thuộc bang Queensland hiện sở hữu nguồn khí độc hại lớn nhất.

Hai trong số các thung lũng du lịch nổi tiếng khác là La Trobe Valley ở bang Victoria và Hunter Valley ở bang New South Wales, cũng có tên trong danh sách, do sở hữu các nhà máy nhiệt điện hoạt động trong khu vực.

Australia là nước phát thải khí lưu huỳnh (SO2) lớn thứ 12 thế giới

Báo cáo của Greenpeace chỉ ra rằng các điểm nóng tại bang Victoria đã ảnh hướng tới 470.000 người sống trong khu vực, trong khi tại bang New South Wales con số này là 1,7 triệu người.

Ông Jonathan Moylan, nhà vận động của tổ chức Greenpeace Australia Pacific, cho rằng việc xác định các điểm nóng SO2 là rất quan trọng vì ô nhiễm không khí là một trong những nguyên nhân gây ra 4.000 ca tử vong mỗi năm.

SO2 là một loại khí thải độc hại hình thành phần lớn từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch và khai thác đồng. SO2 sau khi được giải phóng sẽ tạo thành các hạt độc hại, tác động tới sức khỏe con người, gây ra các bệnh lý mất trí nhớ, tim và phổi.

Theo ông Moylan, các nhà máy điện của Australia là một trong những nơi ô nhiễm nhất trên thế giới vì các nhà máy này được phép phát thải ô nhiễm không khí nhiều gấp 8 lần so với các nhà máy điện ở Trung Quốc.

Ông Moylan khẳng định các dữ liệu báo cáo một lần nữa nhấn mạnh việc Chính phủ Australia và các cơ quan chức năng cần xem xét và áp dụng các tiêu chuẩn đánh giá mới được hỗ trợ bởi các tổ chức y tế, cũng như cân nhắc giải pháp thay thế các nhà máy nhiệt điện.

Báo cáo gần đây nhất của Australia về môi trường được phát hành vào năm 2016. Đây là một đánh giá toàn diện về môi trường, nhưng không đề cập cụ thể tới khí SO2, trừ dòng nhận xét mức độ ô nhiễm của khí này tại Australia không đổi kể từ năm 2011.

Hoài Thương (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Australia: Báo động tình trạng ô nhiễm lưu huỳnh
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.