Australia: Nỗ lực cứu rạn san hô Great Barrier

Tú Anh (T/h)|20/09/2019 09:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Nguyên nhân chính dẫn đến chất lượng nước rất kém trong vùng biển có rạn san hô, như các chất cặn và thuốc trừ sâu từ các trang trại ven biển thải ra.

Ngày 19/9, Nghị viện bang Queensland (Australia) đã phê chuẩn các luật mới nghiêm ngặt hơn nhằm hạn chế chất thải nông nghiệp vào các vùng nước xung quanh rạn san hô Great Barrier, trong nỗ lực nhằm cứu rạn san hô lớn nhất thế giới và bảo vệ quy chế di sản thiên nhiên thế giới của danh lam thắng cảnh này.

Các chất cặn và thuốc trừ sâu từ các trang trại ven biển đe dọa rạn san hô Great Barrier 

Các rạn san hô ngầm là một trong những hệ sinh thái biển quan trọng và hữu ích nhất của ngành du lịch và giúp duy trì nghề cá. Rạn san hô Great Barrier là hệ sinh thái sống lớn nhất thế giới, trải dài 2.600 km dọc bờ biển phía Đông Bắc Australia, mang về doanh thu du lịch khổng lồ mỗi năm cho nước này.

Rạn san hô Great Barrier được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1981. Tuy nhiên, do sự tác động của môi trường, gần 1/4 diện tích san hô của rạn san hô này tại các khu vực phía Bắc xa xôi ở Cairns, Queensland đã bị tổn thương và biến mất.

Các luật mới nhằm hạn chế các nguyên nhân chính dẫn đến chất lượng nước rất kém trong vùng biển có rạn san hô, như các chất cặn và thuốc trừ sâu từ các trang trại ven biển thải ra. Luật mới cũng tăng số lượng các ngành sản xuất và khu vực bị hạn chế đưa chất thải ra biển.

Bộ trưởng Môi trường bang Queensland Leanne Enoch cho biết rạn san hô đang đối mặt nguy cơ lớn là bị đặt vào danh sách di sản thế giới “bị đe dọa” nếu các đạo luật trên không được thực thi trước cuộc họp về vấn đề này của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), dự kiến vào năm 2020.

Rạn san hô này đang bị xuống cấp nghiêm trọng trong những năm gần đây do đối mặt với nhiều mối đe dọa như khi nước quá biển quá nóng do biến đổi khí hậu, san hô phải đẩy tảo sống ra khỏi cơ thể mình, khiến san hô bị vôi hóa, chuyển sang màu trắng và chết đi. Cùng với đó là tình trạng ô nhiễm nước và sao biển ăn san hô.

Quỹ Thiên nhiên hoang dã thế giới (WWF) hoan nghênh các quy định mới, cho rằng việc này là cần thiết để đảm bảo rằng nông dân và người sử dụng đất công nghiệp từ bỏ các thói quen vốn gây hại cho rạn san hô độc đáo này.

Tú Anh (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Australia: Nỗ lực cứu rạn san hô Great Barrier