(Moitruong.net.vn) – Suốt 5 năm qua, 150 hộ dân thôn Vống Gốc Vải và 160 hộ dân thôn Mộc, xã Minh Quang, huyện Ba Vì, Tp. Hà Nội phải sống chung với tình trạng ô nhiễm môi trường từ khói, bụi phát thải từ các lò gạch không phép vẫn vô tư hoạt động gây ra. Người dân đã nhiều lần kiến nghị đến chính quyền địa phương nhưng sự việc đến nay vẫn chưa được giải quyết, khiến người dân vô cùng bức xúc.
Lò gạch hoạt động trái phép gây ô nhiễm môi trường nhưng không bị chính quyền và cơ quan chức năng của huyện Ba Vì “sờ gáy”
Bà Ngô Thị Mai (85 tuổi) – người dân thôn Vống Gốc Vải bức xúc: Chúng tôi sống ở đây bị “tra tấn” bởi 3 lò gạch ngày đêm xả khói bụi, khí thải gây ô nhiễm vô cùng, cây cối có ra quả được đâu. Những ngày sương mù, độ ẩm cao không khí không thoát lên được, mùi khói than của các lò gạch nồng nặc, khét lẹt như mùi đốt cao su xộc vào mũi khiến mọi người cảm thấy tức ngực, khó thở không chịu nổi cô chú ạ. Cũng có nhiều phóng viên về chụp ảnh lò gạch, phỏng vấn người dân rồi qua xã nhưng rồi chằng thấy báo chí đâu cả. Lần nào đi họp người dân cũng có ý kiến về việc gây ô nhiễm môi trường của các lò gạch tới xã mà không được giải quyết. Chồng tôi cũng vừa mất vì thường xuyên hít phải khí thải độc hại của các lò gạch này đấy.
Điều kiện làm việc hết sức thô sơ, người lao động tham gia sản xuất không được trang bị bảo hộ lao động nên nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp rất cao
Để “mục sở thị” quá trình hoạt động gây ô nhiễm môi trường của các lò gạch, phóng viên Moitruong.net.vn đã về nơi đây để ghi nhận thực tế. Theo quan sát của phóng viên, khoảng cách từ các lò gạch đến nhà người dân rất gần chỉ từ 100 – 150m, nền lò gạch không được đổ bê tông khiến mỗi lần xe vận chuyển đi lại kéo theo bụi phát tán ra khu dân cư, cây cối xung quanh phủ kín bởi lớp bụi đất vàng khè. Tiến sâu vào phía trong lò, tại đây các công nhân đang hối hả ra, vào gạch, những lớp đất phía trên được công nhân xúc đổ xuống lò gây bụi mù mịt, mà không có bất kì biện pháp giảm thiểu bụi, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người lao động, cũng như người dân đang sinh sống quanh 3 lò gạch đang ngày đêm “ hủy hoại” môi trường.
Chất thải nguy hại được các lò gạch này vứt lăn lóc khắp nơi, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và cháy nổ rất cao
Tại đây, chất thải nguy hại: dầu thải, giẻ lau dính dầu, đất dính dầu… được 3 lò gạch vứt lăn lóc ngoài môi trường mà không có biện pháp thu gom, phân loại chất thải khác loại với nhau, Những đống đất được chất cao cả chục mét không có mái che làm mỗi khi có gió to là bụi thổi trực tiếp vào nhà dân, khiến cho cuộc sống người dân nơi đây vô cùng vất vả.
Một tiểu thương ở chợ Mộc, xã Minh Quang chia sẻ: Hằng ngày các xe tải lớn chở đất, sỉ than, không có mái che chạy qua chợ làm rơi vãi vật liệu, gây tắc nghẽn giao thông, ảnh hưởng rất lớn đến công việc kinh doanh của họ.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Tiểu Long – Chủ tịch UBND xã Minh Quang cho biết: “Trước đây xã có 29 lò gạch thủ công, sau khi thực hiện chỉ đạo của thành phố về việc xóa bỏ lò gạch thủ công, người dân đã tự giác tháo dỡ. Để đảm bảo không mất cung cầu trong sản xuất vật liệu xây dựng, năm 2013 UBND huyện Ba Vì đã cấp phép cho xây dựng 4 cặp lò theo công nghệ Đức Chung và được tồn tại đến hết năm 2016. Tuy nhiên do hoạt động không hiệu quả nên các ông chủ đã tự ý chuyển đổi sang lò vòng mà không được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép”.
Ông Trần Quang Hảo – Phó Chủ tịch UBND xã Minh Quang mong muốn Huyện và Tp. Hà Nội sớm vào cuộc đình chỉ hoạt động của các lò gạch trái phép trên địa bàn
Theo ông Trần Quang Hảo – Phó Chủ tịch UBND xã Minh Quang cho biết: “Hiện nay trên địa bàn xã có 3 chủ lò do ông Nguyễn Bá Quốc, Cấn Xuân Hùng, Chu Bá Thịnh làm chủ với tổng diện tích 7ha, trong đó lò của ông Quốc quy mô lớn nhất hoạt động liên tục, vì 3 lò vòng xây dựng không phép nên chưa được cấp bất kì thủ tục gì về môi trường. việc 3 lò gạch hoạt động gần người dân như vậy ô nhiễm là điều không tránh khỏi, hằng năm cũng có nhiều đoàn kiểm tra như Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng cảnh sát môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ba Vì, Sở Xây dựng về kiểm tra và đoàn cũng đã xử phạt và đình chỉ hoạt động 3 lò gạch nhưng không hiểu sao đến nay họ vẫn hoạt động?! các nhà báo đưa tin nhiều về các sai phạm của các lò gạch này để thành phố và huyện sớm cho dừng hoạt động để chúng tôi và người dân đỡ đau đầu”.
Khi được hỏi, từ khi 3 lò gạch đi vào hoạt động đến nay, UBND xã đã bao giờ tiến hành kiểm tra và xử phạt về môi trường và đất đai, xây dựng chưa?
Ông Hảo – Phó chủ tịch cho biết: hằng năm xã có xây dựng kế hoạch kiểm tra 3 lò gạch này và phát hiện ra nhiều sai phạm, qua đó xã có quyết định xử phạt với hình thức cảnh cáo thôi!? vì các chủ lò gạch này toàn là người dân ở trong xã thường xuyên gặp nhau để tránh mất “tình làng, nghĩa xóm” UBND xã chỉ kiến nghị đề xuất lên huyện Ba Vì xử phạt?!
Với cung cách làm việc lẫn lộn giữa việc công với việc tư và có rất nhiều mâu thuẫn khiến dư luận địa phương đang rất bức xúc. Vậy trách nhiệm của Lãnh đạo cấp Ủy và chính quyền xã Minh Quang ở đây là gì? Có hay không việc buông lỏng quản lý trong công tác quản lý nhà nước? chính vì “cả nể’ nên mới để 3 lò gạch trên hoạt động gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, khi mà tại các cuộc họp thôn, tiếp xúc cử tri bà con thường xuyên kiến nghị lên cấp trên nhưng không được giải quyết?
Khí thải của các lò gạch thải ra làm cây cối, hoa màu chết khô
Việc để các lò gạch hoạt động trái phép, gây ô nhiễm môi trường nhiều năm qua mà không hề vấp phải biện pháp xử lý quyết liệt nào của các cơ quan chức năng. Phải chăng có sự bao che, tiếp tay của chính quyền địa phương?
Trong bài tiếp theo Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin những sai phạm nghiêm trọng về xây dựng, sử dụng đất đai sai mục đích của 3 lò gạch cũng như làm rõ trách nhiệm của Lãnh đạo xã Minh Quang và UBND huyện Ba Vì về vấn đề này tới bạn đọc.
Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin!
Anh Thư – Thùy Dương