“Biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính dẫn đến sự thay đổi trong các hệ sinh thái trên cạn ở Bắc Cực và khiến cho những tác động có ảnh hưởng lớn, nhiều chiều, khó đoán định sẽ ngày càng gia tăng”, báo cáo trên cho biết.
Nền nhiệt tại Bắc Cực đang gia tăng với tốc độ cao gấp đôi so với phần còn lại của thế giới. Tình trạng này dẫn đến các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khiến cho các loài ở phía nam di chuyển về phía bắc và làm lây lan các mầm bệnh giữa những loài sinh sống trong khu vực.
Biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính dẫn đến sự thay đổi trong các hệ sinh thái trên cạn ở Bắc Cực
Trong vòng chưa đầy nửa thế kỷ, từ năm 1971 – 2019, nhiệt độ trung bình hằng năm của Bắc Cực đã tăng 3,1 độ C, so với 1 độ C của toàn hành tinh nói chung.
Con số này là minh chứng cho thấy sự gia tăng nhiệt độ nhiều hơn đáng kể so với những gì các nhà khoa học dự đoán. Trong một báo cáo năm 2019, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) của Liên Hợp Quốc kết luận, nhiệt độ không khí bề mặt Bắc Cực có thể đã tăng “hơn gấp đôi mức trung bình toàn cầu”.
Tình trạng băng tan cũng mang lại hậu quả nặng nề đối với bốn triệu người sống trong khu vực, đặc biệt là dân bản địa. Theo bà Sarah Trainor – Giám đốc Trung tâm Đánh giá và Chính sách Khí hậu Alaska, các thợ săn ở Tây Bắc Greenland báo cáo rằng, khoảng thời gian di chuyển bằng xe trượt tuyết đã giảm từ 5 xuống 3 tháng.
Ngoài ra, các thợ săn, ngư dân bản địa ở Canada và Nga đã báo cáo về việc hải cẩu gầy hơn, sức khỏe của động vật hoang dã giảm. Trong khi đó, tỷ lệ giun ở cá và động vật có vú tại biển ngày càng nhiều.
Sự tan chảy của hàng trăm tỷ tấn băng mỗi năm ở Greenland dẫn đến mực nước biển dâng cao. Tình trạng này thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của những người sống cách xa hàng nghìn km.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện hơn 50% trong số đó 88 loài chim biển được khảo sát đã suy giảm số lượng và có đến 20% loài bị suy giảm nghiêm trọng. “Trên lãnh nguyên Bắc Cực, chim biển là nhóm chim đa dạng nhất”, ông Paul Allen Smith, nhà sinh vật học và là một chuyên gia về chim đóng góp cho báo cáo cho biết.
Với các đàn tuần lộc di cư từ Nga đến Alaska, bà Christine Cuyler, một chuyên gia, nhà tư vấn của Viện Tài nguyên Thiên nhiên Greenland cho biết: “Số lượng cá thể tuần lộc luôn biến động, thay đổi bất thường và có chu kỳ phong phú”.
“Nhưng trong một số trường hợp, biên độ dao động đang có chiều hướng gia tăng. Giờ đây, chúng ta đang chứng kiến những biến động về số lượng loài này sụt giảm vượt mốc lịch sự từng ghi nhận trong quá khứ”, bà Cuyler chỉ ra. Phần lớn các cá thể tuần lộc rừng và các loài di cư đến lãnh nguyên Bắc Cực đã giảm trong những năm gần đây. Tính riêng đàn tuần lộc Bathurst, trải dài từ Lãnh thổ Tây Bắc của Canada đến Nunavut, đã giảm 98% kể từ năm 1986 – 2018.
Hà An