Từ cuối tháng 2/2019 đến nay, nắng nóng gay gắt kéo dài liên tục, khiến mực nước ở các tuyến kênh khô cạn, dẫn đến nguy cơ thiếu nước phục vụ sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
Chi cục Thủy lợi tỉnh Bạc Liêu cho biết, tính đến thời điểm này tình trạng xâm nhập mặn ở tỉnh Bạc Liêu chưa quá lo ngại, tuy nhiên theo dự báo khoảng từ giữa tháng 3 đến tháng 4 – 5, tình trạng xâm nhập mặn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh này.
Theo ông Lai Thanh Ẩn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn Phòng BCH Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu, đến đầu tháng 3, nước mặn chưa xâm nhập do nước ngọt thấp hơn một tí (ở cao trình khoảng -0,2m đến -0,3m) nhưng vẫn đủ để đẩy mặn ra. Tuy nhiên, nếu xâm nhập mặn diễn biến phức tạp thì tới đây sẽ ảnh hưởng đến vụ lúa ĐX vì diện tích lúa chưa thu hoạch đến cuối tháng 4, đầu tháng 5 là khoảng 32.000 ha/tổng số trên 48.300 ha lúa.
Bạc Liêu triển khai điều tiết nước phục vụ sinh hoạt của người dân, khắc phục hậu quả do nắng nóng cục bộ gây ra
Ngoài ra, ông Ẩn cũng cho biết, hiện nay nước mặn nuôi tôm đã vào khi mở các cống ở vùng lợ trên địa bàn TX Giá Rai, huyện Phước Long và một phần của huyện Hồng Dân, tuy nhiên tại Hồng Dân vẫn rất khó khăn do nước mặn chưa đến được, diện tích thiếu nước mặn để nuôi tôm dao động từ 8.000 đến 10.000 ha.
Lý do năm nào cũng vậy, phía bắc của huyện Hồng Dân gồm các xã Lộc Ninh, xã Vĩnh Lộc và thị trấn Ngan Dừa… thường thiếu nước mặn vào đầu tháng 3 do yếu tố khách quan là vùng này xa, lại có nhiều cống ngăn mặn, nếu mở cống mặn sẽ ảnh hưởng đến một số vùng lúa kể cả một phần tỉnh Sóc Trăng là TX Ngã Năm.
“Theo dự báo, Bạc Liêu sẽ có nguy cơ mặn xâm nhập và khả năng thiếu nước ngọt vào đầu tháng 4. Nếu tình hình này xảy ra, ngành chức năng sẽ phải đề nghị TX Ngã Năm mở một số cống bổ sung nước ngọt”, ông Ẩn cho biết thêm.
Còn ông Trịnh Hoài Thanh, PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết, đơn vị đã yêu cầu các địa phương thường xuyên theo dõi, phát hiện những sự cố hư hỏng tại các cống, đập để sửa chữa kịp thời, nhằm chủ động trong công tác điều tiết nước phục vụ SX, đặc biệt là đảm bảo đủ nước cho thu hoạch vụ lúa ĐX.
Sở NN-PTNT Bạc Liêu cũng đã chỉ đạo các địa phương theo dõi diễn biến nguồn nước, chất lượng nước trên hệ thống thủy lợi vùng phía Bắc QL1A, các cống dọc QL1A và trên trục kênh Quản Lộ- Phụng Hiệp. Xây dựng kế hoạch phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn do tác động ElNino trong mùa khô năm 2018-2019.
Ngoài ra, Sở NN-PTNT tỉnh phối hợp UBND các huyện, TX, TP thực hiện nạo vét các tuyến kênh thủy lợi, thủy nông nội đồng theo kế hoạch năm 2019. Rà soát, thống kê danh mục các trạm bơm điện đang hoạt động và các ô thủy lợi khép kín trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
Cũng theo ông Thanh, Sở NN-PTNT tỉnh đã đề xuất chương trình liên kết vùng ĐBSCL, phối hợp với UBND huyện Hòa Bình xác định vị trí đặt trạm bơm điện phục vụ ô thủy lợi khép kín số 01, ở ấp 17, xã Vĩnh Bình. Tham gia thẩm tra, thẩm định các công trình chuyên ngành thủy lợi trên địa bàn toàn tỉnh.
Từ đầu tháng 2 đến nay, tại Bạc Liêu thời tiết nắng nóng, nhiệt độ trung bình trên 30oC, độ ẩm trung bình 54% làm cho cây rừng khô héo, mực nước các tuyến kênh khô cạn, dẫn đến nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao, dự báo cháy rừng lên đến cấp IV…
Theo Vườn chim Bạc Liêu, TP Bạc Liêu, trước tình hình trên, Ban Quản lý Vườn chim kết hợp với Đội kiểm lâm cơ động thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết và đo cấp dự báo cháy rừng; lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng luân phiên trực 24/24; lấy nước theo triều cường dự trữ vào các kênh mương nhằm tăng độ ẩm rừng và dự trữ nước PCCC rừng khi có sự cố xảy ra.
Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về PCCC rừng đối với các hộ dân ở vùng đệm. Hiện nay, vườn chim Bạc Liêu có diện tích khoảng 385ha, trong đó 19ha rừng nguyên sinh, và là nơi cư trú của khoảng 40 loài chim, gần 110 loài thực vật và 150 loài động vật.
Ngọc Anh (T/h)