(Moitruong.net.vn) – Gần đây, tại Bạc Liêu mô hình nuôi tôm siêu thâm canh phát triển nhanh và hiệu quả kinh tế cao. Thế nhưng khâu quản lý nước thải, chất thải đang là bài toán “nan giải”, nếu không có giải quyết hợp lý, nguy cơ ô nhiễm môi trường vùng nuôi trồng thủy sản là rất cao.
Nguy cơ ô nhiễm môi trường do nuôi tôm siêu thâm canh. Ảnh: minh họa/Internet
Toàn tỉnh hiện có 1 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu; 6 công ty, doanh nghiệp và 155 hộ dân nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 1.384ha (gồm 852 ao).
Năng suất tôm nuôi đạt từ 20 – 30 tấn/ha/năm. Cá biệt, một số doanh nghiệp đạt từ 100 – 180 tấn/ha/năm như Công ty Việt Úc (chi nhánh xã Hiệp Thành, TP Bạc Liêu).
Năm 2017, công ty này xây dựng 10 nhà kín (diện tích 10ha) và nuôi tôm theo mô hình ương giống 2 giai đoạn, năng suất tôm nuôi ước đạt từ 80 – 110 tấn/ha/năm.
Có thể nói, nghề nuôi tôm hiện nay đã phát triển vượt bậc, người nuôi tôm mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất; hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường sử dụng men vi sinh nên việc quản lý môi trường ao nuôi tốt hơn.
Tuy nhiên, cần thực hiện tốt hơn việc thiết kế hệ thống xử lý nước thải và tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường để tránh nguy cơ ô nhiễm nguồn nước.
Trước thực trạng trên, tỉnh Bạc Liêu triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: chọn vị trí nuôi phải nằm trong vùng quy hoạch, đảm bảo hạ tầng kỹ thuật đáp ứng đủ yêu cầu; đảm bảo vốn đầu tư.
Ao nuôi phải lót bạt và bố trí trong nhà lưới hoặc nhà màng giúp kiểm soát vùng nuôi và bệnh dịch, giảm thiểu tối đa tác động của môi trường xung quanh.
Người nuôi chọn con giống sản xuất theo công nghệ vi sinh, công nghệ nuôi vi tảo an toàn sinh học, nước được xử lý bằng công nghệ cao.
Đồng thời, phải được kiểm dịch và xét nghiệm âm tính với các loại bệnh và ương giống khoảng một tháng trước khi thả vào ao nuôi, giúp giảm công chăm sóc, chi phí và bệnh xảy ra.
Ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh được người dân áp dụng nuôi gần đây nhưng phát triển nhanh theo cấp số nhân ở tỉnh này.
Đây là mô hình nuôi cho hiệu quả cao, lãi khá. Diện tích nuôi mới phát triển ồ ạt, trong khi đó, cơ sở hạ tầng, quy hoạch vùng nuôi, khoa học kỹ thuật… chưa theo kịp, nguy cơ ô nhiễm môi trường, phá vỡ vùng nuôi tôm truyền thống của tỉnh cao.
Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có 7 công ty, doanh nghiệp và khoảng 200 hộ dân áp nuôi mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, với diện tích gần 100.000 m2, tỷ lệ nuôi thành công gần 100%.
Hiện vấn đề nước thải và chất thải chưa được giải quyết; trong khi đó, nuôi siêu thâm canh sử dụng nguồn nước và lượng thức ăn lớn. Phần lớn hộ nuôi xử lý theo kiểu thủ công hoặc thải trực tiếp ra môi trường.
Nếu tình trạng tiếp diễn và không kiểm soát được lượng nước thải, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường bên ngoài sẽ gây ô nhiễm, lây lan trên diện rộng, nguy hiểm cho nghề nuôi tôm của tỉnh.
Ngọc Lan (T/H)