Bạc Liêu: Phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp

Nhật Vy|03/06/2021 11:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Bên cạnh du lịch tâm linh, du lịch làng nghề, du lịch sinh thái, nông nghiệp được Bạc Liêu tập trung, đầu tư khai thác phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Bạc Liêu có tiềm năng, lợi thế rất lớn để đầu tư, khai thác và phát triển các loại hình du lịch. Hiện nay, tỉnh có 9 điểm du lịch tiêu biểu được Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long công nhận. Bên cạnh việc phát triển các du lịch đặc thù, khác biệt nhằm nâng cao thương hiệu, tạo sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cao như: sản phẩm du lịch văn hóa gắn với giá trị đặc sắc của Bản Dạ cổ hoài lang và nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ; sản phẩm du lịch gắn liền với thương hiệu công tử Bạc Liêu; sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh; sản phẩm du lịch xanh tham quan điện gió kết hợp với trải nghiệm hệ sinh thái rừng ven biển…, ngành du lịch Bạc Liêu đang chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch quan trọng khác để tạo sự phong phú đa dạng, thu hút khách du lịch đến tỉnh nhà, đặc biệt là hướng tới xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp truyền thống và nông nghiệp công nghệ cao, các trang trại sinh thái nông nghiệp (làm muối, trồng màu, nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản…).

Du lịch nông nghiệp phát triển tại Bạc Liêu

Trên cơ sở phát huy tiềm năng thế mạnh nông nghiệp của các địa phương, tỉnh Bạc Liêu cũng tìm nguồn lực để khai thác những đặc trưng về văn hóa, cảnh quan khu vực nông thôn để hình thành các sản phẩm du lịch nông nghiệp hấp dẫn để du khách có thể tham quan, trải nghiệm, bước đầu hình thành nên các không gian có thể phát triển thành các mô hình sản phẩm du lịch như:

Du lịch tham quan Vườn nhãn Bạc Liêu (Giồng nhãn Bạc Liêu): Nằm cách trung tâm thành phố Bạc Liêu khoảng 06 km, trải dài gần 07 km theo tuyến đường ven biển từ phường Nhà Mát đến xã Vĩnh Trạch Đông với diện tích trên 50 ha. Điểm nổi bật ở nơi đây là những vườn nhãn với nhiều gốc nhãn cổ thụ, có cây lên đến hàng trăm năm tuổi. Thêm vào đó là một khung cảnh đồng quê đặc trưng cho nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long tạo thành một không gian sinh thái nông nghiệp hấp dẫn có thể tổ chức các hoạt động du lịch đa dạng như nghỉ cuối tuần, văn hóa, sinh thái, ẩm thực… Hiện nay, khu vực Vườn nhãn Bạc Liêu đã triển khai thực hiện đề án bảo tồn nhãn cổ gắn với phát triển du lịch ở khu du lịch giồng nhãn với tổng số 1.110 gốc nhãn thuộc sở hữu của 48 hộ dân trên địa bàn xã Hiệp Thành và xã Vĩnh Trạch Đông (thành phố Bạc Liêu). Thời gian tới, sẽ triển khai thực hiện giai đoạn 2 của đề án với mục tiêu là hình thành 03 cụm với tổng số 339 cây nhãn cổ để đẩy mạnh công tác bảo tồn, nghiên cứu khoa học và phát triển du lịch, đặc biệt là phát triển du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng với trọng tâm là vừa tham quan trải nghiệm vườn nhãn cổ, vừa thưởng thức nhãn, thưởng thức các loại hình văn hóa, ẩm thực của các dân tộc sinh sống trên địa bàn.

Việc lựa chọn giống có năng suất và chất lượng cao, phù hợp với điều kiện của từng tiểu vùng sinh thái, giống có khả năng chống chịu được sâu bệnh tốt. Đồng thời, tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật từng loại cây trồng chuyển đổi cho các hộ dân ứng dụng nhằm tăng hiệu quả sản xuất.

Bên cạnh lồng ghép các chương trình, dự án để thực hiện các mô hình trình diễn hiệu quả nhằm giúp các hộ dân học hỏi áp dụng. Kết nối và mời gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, cung ứng giống tốt và bao tiêu sản phẩm ổn định cho nông dân sản xuất.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì hiện nay ngành nông nghiệp huyện còn những tồn tại như: Việc tổ chức sản xuất chưa theo kế hoạch và định hướng của địa phương. Phổ biến là hình thức thuê đất của nông dân trồng lúa để trồng cây cam sành, khai thác nhanh và ngắn hạn gây bất ổn trong tiêu thụ.

Một số diện tích nông dân trồng với nguồn giống có chất lượng cây chưa đạt yêu cầu, chưa thực hiện đúng kỹ thuật lập vườn, kỹ thuật canh tác, khai thác cây ăn quả, thiếu kiến thức và phương tiện, trang thiết bị dẫn đến chất lượng không cao, chưa đồng bộ về vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, liên kết giữa sản xuất và thu mua để tiêu thụ sản phẩm còn lỏng lẻo, nên người sản xuất chưa nắm bắt kịp thời tín hiệu thị trường nên giá cả bấp bênh.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng chủ yếu phục vụ cho sản xuất lúa nên việc chuyển đổi sang cây ăn quả chưa đáp ứng yêu cầu, hiệu quả thấp. Trong khi việc chuyển đổi cây trồng từ đất lúa sang trồng cây ăn quả đòi hỏi phải có vốn đầu tư lớn. Các địa phương cũng chưa hoàn thiện kế hoạch chuyển đổi gắn với thời vụ, vùng chuyển đổi, cây trồng, khoa học kỹ thuật, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh Bạc Liêu tiếp tục có những định hướng hình thành các không gian để phát triển sản phẩm du lịch khu vực nông nghiệp như: Khai thác các giá trị văn hóa, các phong tục tập quán, các lễ hội truyền thống của độc đáo của 03 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer để thu hút khách. Đặc biệt là, việc phối hợp với các ngành có liên quan duy trì và hỗ trợ các làng nghề truyền thống, các cơ sở sản xuất hàng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang tính đặc trưng của quê hương Bạc Liêu như: Làng nghề đan đát ấp Mỹ I (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long); làng nghề mộc, nghề dệt chiếu, nghề đan đát (huyện Hồng Dân), nghề làm muối tại xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải…. góp phần giải quyết công ăn việc làm, thúc đẩy phát triển tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn và dịch vụ du lịch, đây là các dịch vụ độc đáo thu hút khách du lịch tham quan, trải nghiệm. (tổ chức các dịch vụ tham quan, trình diễn nghề thủ công, bán hàng lưu niệm, tìm hiểu về nghề truyền thống và văn hóa truyền thống của quê hương Bạc Liêu).

Ngành chức năng sẽ làm việc với một số địa phương triển khai xây dựng kế hoạch phát triển du lịch nhà vườn trên địa bàn các huyện Hồng Dân, Phước Long, Vĩnh Lợi, Hòa Bình và thị xã Giá Rai theo các tuyến lộ hoàn chỉnh để khai thác các tập quán canh tác nông nghiệp của người dân để phục vụ phát triển du lịch, đồng thời phát huy được lợi thế các sản phẩm nông nghiệp của người dân gắn liền với phát triển du lịch khu vực nông thôn.

Tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch nông nghiệp, nông thôn bao gồm: Tuyến du lịch sinh thái ven biển Gành Hào (huyện Đông Hải); kêu gọi đầu tư xây dựng điểm du lịch sinh thái vườn chim Lập Điền (huyện Đông Hải); vườn chim xã Phong Thạnh Tây, điểm dịch vụ du lịch Tắc Sậy (thị xã Giá Rai); Tuyến du lịch sinh thái đường sông Bạc Liêu – Vàm Lẻo; tuyến đường sông Hộ Phòng – Gành Hào; các tuyến đường sông huyện Hồng Dân;…

Đẩy mạnh hoạt động du lịch nông nghiệp gắn liền với các hoạt động sản xuất nông nghiệp đặc trưng của địa phương và chế biến thành sản phẩm phục vụ du lịch độc đáo; giữ gìn, phát huy thương hiệu, nâng cao hiệu quả hoạt động của các điểm du lịch, nâng cao vai trò của các địa phương, mỗi người dân và các doanh nghiệp để gắn phát triển du lịch với Chương trình OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) nhằm mang lại giá trị kinh tế bền vững cho người dân.

Tăng cường tuyên truyền, quảng bá cho các chương trình du lịch nông nghiệp được xây dựng trên cơ sở khai thác và phát triển bền vững tài nguyên, kết hợp phát triển du lịch với phát triển nông thôn.

Nhật Vy

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bạc Liêu: Phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp