(Moitruong.net.vn) – Nhờ lợi thế được thiên nhiên ưu đãi, đồng thời với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội được hoạch định đúng đắn, phù hợp xu hướng phát triển chung của thế giới, mà Bạc Liêu đã thu hút được rất nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực xây dựng năng lượng sạch.
Hướng đến nguồn năng lượng sạch
Thời gian qua, ứng phó với biến đổi khí hậu đã trở thành vấn đề toàn cầu của tất cả các quốc gia trên thế giới. Xây dựng các mô hình, giải pháp thích ứng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu đóng vai trò quan trọng trong chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu của nước ta. Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu diễn ra trong hai ngày 26/9 và 27/9 tại TP.Cần Thơ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Trịnh Đình Dũng nhằm tổng kết cơ sở để Chính phủ ban hành nghị quyết về phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL đã cho thấy sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước về vấn đề này.
Cũng như các tỉnh, thành khác thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, Bạc Liêu cũng là địa phương đang chịu tác động mạnh mẽ từ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Ý thức được đó là vấn đề toàn cầu, trong chiến lược phát triển kinh tế, Bạc Liêu hướng đến xây dựng nguồn năng lượng sạch, làm tiền đề phát triển bền vững.
Bạc Liêu được xem như địa phương tiên phong xây dựng, phát triển nguồn năng lượng sạch tại ĐBSCl với nhà máy điện gió Bạc Liêu khánh thành tháng 01/2016 có tổng công suất 99,2 MW, điện năng sản xuất được 320 triệu kWh/ năm, hiện đang tiếp tục vận hành, hòa hệ thống lưới điện quốc gia.
Tháng 9/2016, Bạc Liêu đã đề xuất xin rút dự án nhiệt điện Cái Cùng trên địa bàn tỉnh (hai huyện Đông Hải và Hòa Bình) khỏi quy hoạch điện VII nhằm hướng đến tìm kiếm nguồn năng lượng sạch thay thế. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh đề xuất này cũng như ủng hộ cách làm của Bạc Liêu là hướng đến phát triển năng lượng đi đôi với bảo vệ môi trường.
Thu hút đầu tư mạnh mẽ
Nhờ vào sự ưu đãi của thiên nhiên, Bạc Liêu có nền tảng thuận lợi để phát triển nguồn năng lượng sạch. Về năng lượng điện gió, Bạc Liêu có 54 km đường bờ biển, cùng với kết cấu tự nhiên của địa hình tạo cho làm cho địa hình Bạc Liêu trông như có một phần eo đóng vai trò như túi khí đón gió. Kết quả đo sức gió tại bờ biển Bạc Liêu trong 02 năm 2015 và 2016 do một đơn vị nước ngoài thực hiện đo đạc thỏa mãn điều kiện xây dựng nhà máy điện gió của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đồng thời, nhờ chiến lược phát triển kinh tế – xã hội được hoạch định đúng đắn, phù hợp xu hướng phát triển chung của thế giới, mà Bạc Liêu đã thu hút được rất nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực xây dựng năng lượng sạch. Đến nay, Tỉnh đã tiếp nhận 10 hồ sơ đăng ký tìm hiểu, khảo sát, phát triển dự án để đầu tư. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã trình UBND tỉnh hồ sơ của 5 nhà đầu tư đủ năng lực được chấp thuận. Mặc dù quy mô dự án chưa được đăng ký cụ thể nhưng khảo sát sơ bộ cho thấy, quy mô cao hơn so với quy hoạch. Có 3/7 nhà đầu tư đăng ký quy mô dự án với lượng điện năng sản xuất lần lượt là 46 MW, 100 MW, 300 MW. Tổng số vốn đầu tư của các dự án lên đến 18.218 tỷ đồng. Số vốn đăng ký này cao gấp 10 lần so với cùng kỳ năm 2016.
Mới đây, trong tháng 9/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã ký kết hợp tác phát triển dự án Nhà máy điện mặt trời và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Đông Hải với tập đoàn SY (Hàn Quốc). Với quy mô 400 ha, tổng vốn đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng, dự án Nhà máy điện mặt trời ở Bạc Liêu được xem là dự án năng lượng mặt trời có quy mô lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại.
Trong cuộc họp giao ban báo chí định kỳ ngày 29/9/2017, chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung đã một lần nữa khẳng định chiến lược phát triển của tỉnh nhà: Bạc Liêu tập trung mạnh mẽ kêu gọi đầu tư, địa phương luôn tạo môi trường thuận lợi để nhà đầu tư phát triển dự án. Hi vọng mô hình này mở ra triển vọng hướng phát triển mới cho Bạc Liêu, sẽ đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của cả nước.
Phương Quyên