Bắc Ninh: Chuyển đổi số gắn kết với tăng trưởng xanh

Minh Lâm|10/10/2023 10:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Theo ông Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh, việc thực hiện chuyển đổi số là quá trình lâu dài, duy trì thường xuyên và phải gắn kết với tăng trưởng xanh, vì vậy, đòi hỏi sự quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chung tay tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và người dân nhằm góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết 52-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chương trình chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

bac-ninh-3.jpg
Các đại biểu bấm nút khai trương chức năng ký số từ xa và phát hành biên lai điện tử trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh Bắc Ninh

Ngày 9/10, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị phát động ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Ninh, đến hết quý III/2023, tỉnh Bắc Ninh đã đạt 16/36 chỉ tiêu Kế hoạch của Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh năm 2023 đề ra. Trong 20 chỉ tiêu chưa đạt, có 07 chỉ tiêu đang thực hiện, 13 chỉ tiêu chưa có hướng dẫn về phương pháp tính, cách thức thống kê, tổng hợp số liệu.

Tỷ lệ trung bình về xử lý hồ sơ công việc và ký số văn bản điện tử của các cơ quan, đơn vị, địa phương cấp tỉnh đạt 95,69%, cấp huyện đạt 96,38%, cấp xã đạt 97,88%; tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến toàn tỉnh đạt 38,87%. Trong 9 tháng đầu năm, hệ thống Phản ánh kiến nghị trên thiết bị di động nhận được hơn 2.100 phản ánh, tỷ lệ xử lý đạt gần 92%.

Theo kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số cấp tỉnh năm 2022 (DTI), Bắc Ninh xếp thứ 7 cả nước với giá trị đạt 0,6736, giảm 3 bậc nhưng tăng 0,146 giá trị so với năm 2021; xếp thứ 10 Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông cấp tỉnh (ICT Index) và xếp thứ 14/63 về bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Tỉnh Bắc Ninh đã hoàn thành triển khai Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh trên cơ sở hợp nhất Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử và đưa vào hoạt động chính thức từ tháng 5/2023.

bac-ninh-1.png
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn khẳng định thực hiện chuyển đổi số là quá trình lâu dài, gắn kết với tăng trưởng xanh; đòi hỏi sự quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và người dân; gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong nâng cao thứ hạng các chỉ số thấp điểm mình phụ trách; phát huy vài trò, hiệu quả của Tổ công nghệ số cộng đồng. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các tiện ích, dịch vụ số an toàn, hiệu quả như ứng dụng chữ ký số công cộng, biên lai điện tử, thanh toán trực tuyến. Tăng cường ứng dụng, sử dụng hiệu quả các ứng dụng, nền tảng dùng chung của tỉnh; nâng cao tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính tiếp nhận và giải quyết trực tuyến, thanh toán trực tuyến; giải quyết thỏa đáng, kịp thời các phản ánh, kiến nghị của nhân dân trên ứng dụng phản ánh kiến nghị.

Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác triển khai chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, trước tiên cần chuyển đổi nhận thức, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Cùng với đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân là yếu tố bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.

Đặc biệt, trong quá trình triển khai, người dân và doanh nghiệp là trung tâm, được thụ hưởng dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và chính họ sẽ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển. Ưu tiên phát triển nền tảng số, hạ tầng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả.

bac-ninh-2.jpg
Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Sở Thông tin và Truyền thông với Câu lạc bộ chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam, các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng.

Cụ thể, đối với hoạt động chính quyền số, triển khai nền tảng trợ lý ảo phục vụ người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước; ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích, xử lý tổng hợp dữ liệu. Hoạt động kinh tế số cần có cơ chế chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ thành lập doanh nghiệp công nghệ số, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ triển khai ứng dụng các nền tảng số trong hoạt động sản xuất và kinh doanh. Hoạt động xã hội số tập trung triển khai cấp miễn phí chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân cho người dân để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến; đào tạo kỹ năng số cơ bản người dân trong độ tuổi lao động trên nền tảng MOOCs của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Bên cạnh đó, ưu tiên chuyển đổi số những lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan trực tiếp tới người dân gồm: y tế, giáo dục, tài chính-ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, tài nguyên và môi trường, sản xuất công nghiệp…

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng và hằng ngày. Nếu được triển khai hiệu quả, chuyển đổi số góp phần phát huy sức mạnh toàn dân, nguồn lực bên trong và bên ngoài, thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Bắc Ninh đến năm 2030 là thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thực hiện nghi thức bấm nút khai trương triển khai biên lai điện tử, người dân ký số từ xa trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh; ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Sở Thông tin và Truyền thông với Câu lạc bộ chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam, các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng và công bố Bộ chỉ số Chuyển đổi số các sở, ngành, địa phương tỉnh Bắc Ninh.

Bài liên quan
  • Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia năm 2023 vào ngày 10/10
    Ngày Chuyển đổi số Quốc gia được tổ chức hằng năm nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bắc Ninh: Chuyển đổi số gắn kết với tăng trưởng xanh