Bài 2: Ô nhiễm và những hệ lụy buồn

Trần Linh|11/12/2017 22:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn Hà Nội: Đừng hủy diệt “những lá phổi xanh”!

(Moitruong.net.vn) – Hệ thống hồ, ao Hà Nội có bề dày lịch sử văn hoá, có rất nhiều lợi ích trực tiếp, tích cực đối với chất lượng cuộc sống đô thị của người Hà Nội. Rất nhiều người phải giật mình vì những con số biểu thị sự biến mất của ao, hồ Hà Nội. Chưa dừng ở đó, các chỉ số ô nhiễm có xu hướng tăng cao theo thời gian cũng đang mang lại những lo ngại nặng nề…

>>>Hà Nội: Đừng hủy diệt những “lá phổi xanh” – Bài 1: Những con số đáng báo động

>>>Hãi hùng với những “dải lụa đen” trong lòng Thủ đô

Hồ Linh Quang (thuộc phường Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội) nhiều năm nay ngập tràn rác thải, bốc mùi hôi thối (Nguồn Internet)

Chỉ số buồn liên tục tăng

Trong vài thập kỷ qua, do quá trình đô thị hoá nhanh chóng và tăng trưởng dân số đã tạo ra những tác động tiêu cực không nhỏ lên hồ Hà Nội.

Khảo sát hiện trạng và đánh giá của giới khoa học cho thấy, hồ Hoàn Kiếm – biểu tượng gắn liền với lịch sử đất nước, với Thủ đô Hà Nội – đang mất khả năng tự làm sạch, nước bị ô nhiễm, cá và động vật trong hồ không được bảo vệ. Chất lượng nước suy giảm, độ PH cao ở mức 9,05 – 9,46; màu xanh đặc trưng của hồ Hoàn Kiếm là màu xanh lục nhiều chỗ đã biến thành màu đỏ. Hàm lượng dinh dưỡng dư thừa, hiện tượng tảo nở hoa dẫn đến mất oxy nghiêm trọng.

Ngoài ra, lớp bùn lắng đọng ngày một dày (0,47 đến 1,06m), chứa nhiều kim loại nặng và khí độc, ảnh hưởng đến sinh vật sống trong hồ… Kết quả nghiên cứu của Viện Công nghệ môi trường cho thấy mật độ sinh vật đáy hồ Hoàn Kiếm thấp và có xu hướng giảm.

Hiện tượng cá chết bất thường, nổi trắng mặt hồ Hoàng Cầu, hồ Văn Chương và đặc biệt phải kể đến hàng ngàn tấn cá chết tại Hồ Tây trong năm 2016 là minh chứng rõ ràng nhất về sự ô nhiễm đáng báo động tại các hồ trên địa bàn Hà Nội. Mới đây nhất là thực trạng rác thải, bao cao su nổi dày đặc, phủ kín nhiều diện tích mặt nước tại hồ Linh Đàm, Hồ Tây…

Dân số Hà Nội đang có xu hướng tăng nhanh. Những tòa chung cư mọc lên ngày càng nhiều, tỉ lệ nghịch với diện tích mặt ao, hồ nhưng lại tỷ lệ thuận với mức tăng lượng nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp và nước thải từ các bệnh viện – mà phần lớn là chưa qua xử lý. Đáng nói là các nguồn nước thải này hầu hết là đổ ra sông và hồ, gây ô nhiễm cho hồ ngày càng nặng, vượt quá khả năng tự làm sạch của hồ.

Ý thức bảo vệ “những lá phổi xanh” của dân cư vốn đã thấp, lại thêm hành vi lấn chiếm hồ để xây dựng khiến diện tích mặt hồ bị thu hẹp. Không những thế, hành vi xả rác thải xuống ao, hồ làm giảm độ sâu của ao, hồ dẫn đến thể tích chứa nước của hồ ngày càng giảm, khả năng điều tiết kém đi và nồng độ các chất gây ô nhiễm ngày càng tăng cao.

Bên cạnh đó, tác hại của biến đổi khí hậu đang làm cho nhiệt độ tăng. Điều này dẫn đến các đặc tính vật lý và hoá học của nước bị thay đổi. GS.TS Mai Đình Yên – Phó Chủ tịch Hội Sinh thái học Việt Nam nhận định, nhiệt độ tăng sẽ dẫn đến nồng độ CO2 tăng lên, sự quang hợp của thực vật (tảo và cây thủy sinh) diễn ra mạnh hơn, hiện tượng nở hoa là điều sẽ xảy ra thường xuyên, sau đó chúng sẽ bị chết và lắng đọng xuống đáy, làm cho ô nhiễm tăng thêm, lấy hết khí oxy trong nước, làm hạn chế sự hô hấp của các loài động vật dưới nước.

Ngoài ra, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm cho nước trong các hồ thay đổi cả về số lượng và chất lượng nước, làm ảnh hưởng tới môi trường sống của các hệ sinh thái, góp phần làm tăng nguy cơ mất cân bằng hệ sinh thái tự nhiên của các ao, hồ.

GS.TS Mai Đình Yên cho rằng, nước thải của các hộ gia đình và hàng quán đổ thẳng ra hồ không qua xử lý đã làm cho lượng phốt pho và nitơ trong các ao hồ tăng mạnh, làm tăng hiện tượng phú dưỡng của các loài thực vật nổi và tảo khiến chúng phát triển rất nhanh. Vòng đời của tảo thường rất ngắn, khi chúng chết đi sẽ tích tụ lại dưới đáy ao hồ ngày một nhiều, làm giảm thể tích hồ. Quá trình phân hủy tảo dưới đáy hồ cần một lượng lớn oxy trong nước, do đó sẽ làm giảm lượng oxy hòa tan trong nước hồ, gây ảnh hưởng đến môi trường sống các loài động vật thủy sinh. Ngoài ra, xác tảo chết dưới đáy hồ còn tạo ra khí có mùi hôi thối, làm ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người dân sống quanh hồ.

Hồ Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội nước đen đặc, bốc mùi (Nguồn internet)

Nguyên nhân chính là từ con người

Thực trạng ao, hồ ở Hà Nội đang bị xâm lấn, ô nhiễm đang ở mức báo động tăng dần, cần có giải pháp xử lý triệt để với sự chung sức của cả cộng đồng, gìn giữ những “lá phổi xanh” cho thành phố.

Chia sẻ với báo giới, Kỹ sư nông nghiệp Phùng Minh Quang – người có nhiều năm gắn bó với sông hồ Hà Nội nhận định, ao hồ Hà Nội bị ô nhiễm hơn rất nhiều so với thời gian 30 – 40 năm trước. “Hầu hết các hồ hiện nay chưa cải tạo được chất lượng nước, tức là chưa chia tách, xử lý được nước thải vào hồ. Khi mưa xuống, rác thải theo dòng chảy vào ao, hồ gây ô nhiễm”.

Một nguyên nhân nữa khiến ao, hồ Hà Nội ngày càng ô nhiễm phải kể đến là việc kinh doanh ven hồ, đặc biệt là kinh doanh bằng nhà hàng nổi trên mặt hồ. Được hỏi về vấn đề này, rất đông người dân sinh sống quanh Hồ Tây, hồ Trúc Bạch đều có chung khẳng định, nhà hàng nổi phát triển trở thành nguồn thải rất lớn vì suốt ngày đêm tụ về rất đông người ăn uống, xả thải bừa bãi xuống lòng hồ.

Hành vi xả thải vô ý thức, lại không bị kiểm soát và ngăn chặn nên nhiều loại rác thải đủ loại gồm túi ny lon, chai lọ, rác sinh hoạt… các gia đình xung quanh hồ được tích tụ thành đống dưới hồ. Thực trạng này vừa gây bẩn hồ, vừa dần biến hồ thành ao tù, nước đọng, là nguồn phát sinh nhiều dịch bệnh như sốt xuất huyết, tiêu chảy…

“Sông, hồ tại Hà Nội không sạch như người ta tưởng” là kết luận của Trung tâm nghiên cứu và cộng đồng môi trường sau đợt tổng kiểm tra sông, hồ tại Hà Nội. Theo đó, nguyên nhân chính có tác nhân từ ý thức con người, khi 90% nước, rác thải qua cống thoát đổ thẳng xuống sông, hồ, khiến sự ô nhiễm nguồn nước không chỉ dừng ở mức báo động.

Từ những năm 2000, hàng ngàn héc ta đất ruộng phía Tây thành phố đã biến thành các khu đô thị mới. Tỷ lệ nghịch với diện tích xây dựng phình lên là diện tích mặt nước ngày càng teo tóp. Thậm chí hệ thống  kênh mương tiêu thoát  cũng bị xâm lấn, thu hẹp. Và Hà Nội ngập sau mỗi cơn mưa!

PGS.TS Trương Mạnh Tiến – Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam, kiêm Chủ tịch CLB Hồ Hà Nội – nhận định: “Các ao, hồ làm chức năng điều hòa lượng nước mỗi khi mưa lớn. Nay nhiều ao hồ bị lấp, nên gần đây, tình trạng ngập lụt mỗi khi mưa lớn đã liên tiếp xảy ra.

Trận ngập kinh hoàng hồi năm 2008 đã minh chứng rõ ràng sự ngập úng luôn đe dọa Hà Nội do hệ thống tiêu thoát nước không đáp ứng nổi.

Ao, hồ ở Hà Nội nói chung và ở đô thị nói riêng ngoài mang chức năng “lá phổi” điều hòa, còn là không gian xả lũ, chứa lượng nước lớn khi thời tiết mưa lớn cực đoan. Đặc biệt với mật độ dân cư lớn, mật độ dân số/km cao, thì càng cần nhiều hồ để điều tiết tình trạng úng ngập cục bộ. Do đó, càng nhiều hồ chứa, càng đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống thiên tai.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của đô thị hóa, việc đảm bảo diện tích ao hồ của Thủ đô không bị sụt giảm rất quan trọng. Đây không chỉ là câu chuyện của chính quyền mà còn là trách nhiệm của chính những cộng đồng dân cư sinh sống quanh các ao, hồ. Họ cần phải thấy được rõ quyền lợi và cả lợi ích của mình từ việc bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Trần Linh


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bài 2: Ô nhiễm và những hệ lụy buồn