Bài 2: Tỉnh Long An chỉ đạo kiểm tra và phát hiện công ty Formosa Taffeta Việt Nam nhiều tồn tại về môi trường

Hải Phong – Minh Khuê|10/09/2019 08:55
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Ngay sau khi tòa soạn Môi trường và Cuộc sống –  Moitruong.net.vn thông tin về việc công ty Formosa Taffeta Việt Nam hoạt động nhiều năm xả khí thải, nước thải không qua xử lý ra môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Tỉnh Long An đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra và phát hiện nhiều vi phạm.

VIDEO: Công ty Formosa Việt Nam xả thải “bức tử” môi trường

Vi phạm về môi trường

Trước đó Tạp chí điện tử Môi trường và cuộc sống đăng bài: “Long An – Bài 1: Công ty Formosa Việt Nam xả thải “bức tử” môi trường, người dân kêu cứu”.

Ngay sáng ngày 09/7, sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An (sở TN&MT) đã phối hợp với UBND huyện Bến Lức, UBND xã Nhựt Chánh tiến hành kiểm tra hiện trạng thực tế việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với công ty TNHH Formosa Taffeta Việt Nam (viết tắt là công ty Formosa Việt Nam) hoạt động gây ô nhiễm môi trường theo phản ánh của Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống, địa chỉ: ấp 1, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

Công ty Formosa Taffeta Việt Nam bị người dân tố cáo hoạt động gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống cũng như sức khỏe của người dân

Tại biên bản kiểm tra cho thấy, công ty đã xây dựng và hoàn thành xưởng nhuộm từ tháng 02/2019 và đang tiến hành lắp đặt 01 dây chuyền nhuộm hoàn tất sản phẩm vải, công ty chưa gửi kế hoạch vận hành thử nghiệm về Sở TN&MT.

Về khí thải, công ty có 02 lò hơi công suất mỗi lò là 15 tấn hơi/ giờ sử dụng nguyên liệu là than, ngoài ra công ty cũng đang lắp đặt 01 lò hơi với công suất 25 tấn hơi/ giờ nhưng công ty chưa có văn bản báo cáo sở TN&MT. Thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra ghi nhận khí thải phát sinh từ 02 lò hơi đang hoạt động thải ra môi trường qua ống khói cao 36m có màu đen giống như báo Môi trường và Cuộc sống phản ánh là đúng thực tế.

Ngoài ra về quản lý chất thải nguy hại đối với công ty Formosa Việt Nam: bùn thải phát sinh từ hệ thống xử lý nước thải lưu giữ trong kho với khối lượng khoảng 150 tấn, kho có mái che, có gờ nhưng chưa được che kín xung quanh, chưa gắn mã số chất thải nguy hại. Thời điểm kiểm tra, khu vực lưu chứa bùn có phát sinh mùi hôi phát tán ra môi trường xung quanh.

Về phía công ty công ty Formosa Việt Nam đã thừa nhận việc xả khói đen là đúng nguyên nhân do 02 hệ thống lò hơi bị hỏng ống đối lưu và nhiều lần thực hiện cải tạo khắc phục nhưng đến nay kết quả chưa đảm bảo theo quy định.

Những làn khói đen xì thường xuyên thối vào nhà dân khiến cuộc sống của hộ rất bí bách

Với những sai phạm của công ty Formosa Việt Nam, đoàn kiểm tra đã yêu cầu công ty phải thường xuyên đo đạc khí thải phát sinh từ quá trình hoạt động lò hơi nhằm xử lý khí thải phát sinh đạt quy định; yêu cầu tạm ngưng hoạt động xưởng nhuộm mới xây dựng và đang lắp 01 dây chuyền nhuộm và hoàn tất các sản phẩm vải, đồng thời gửi kế hoạch vận hành thử nghiệm và lập thủ tục xác nhận hoàn thành công trình biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành gửi về Sở TNMT xác nhận trước khi đưa xưởng nhuộm đi vào hoạt động.

Tiến hành bố trí khu vực lưu giữ chất thải nguy hại và lưu giữ chất thải nguy hại trong các bao bì hoặc thiết bị lưu chứa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý (gắn biển dấu hiệu cảnh báo theo tiêu chuẩn Việt Nam 6707:2009 về chất thải nguy hại – Dấu hiệu cảnh báo, phòng ngừa) theo quy định tại Phụ lục 2 (A) ban hành kèm theo Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT. Nhằm hạn chế mùi hôi phát tán ra môi trường xung quanh ảnh hưởng đến người dân xung quanh.

Căn cứ những tồn tại vi phạm của công ty Formosa Việt Nam, Đoàn kiểm tra đã báo cáo Lãnh đạo Sở đề xuất hướng xử lý nghiêm đối với công ty theo đúng quy định của pháp luật.

Đưa vào danh sách thanh tra năm 2019 và sẽ xử lý nghiêm

Như thường lệ, sau khi tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – moitruong.net.vn thông tin các đơn vị hoạt động gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh, trong đó có công ty Formosa Việt Nam. Lãnh đạo tỉnh Long An đã kịp thời và tiếp thu thông tin phản ánh của Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống và chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra thông tin của Quý báo đã nêu.

Ngày 16/7/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Văn Cần đã kí ban hành văn bản số: 3663/UBND-VHXH về việc kiểm tra làm rõ thông tin báo chí phản ánh về hoạt động gây ô nhiễm môi trường của công ty Formosa gửi; Sở Tài nguyên và Môi trường; Công an tỉnh; UBND huyện Bến Lức.

Chủ tịch UBND tỉnh Long An ký văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý Công ty Formosa Việt Nam

Trong đó, giao sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND huyện Bến Lức và các đơn vị liên quan kiểm tra, làm rõ thông tin báo chí phản ánh, giải quyết vụ việc theo thẩm quyền và thông tin đến cơ quan báo chí biết. Chậm nhất ngày 31/7/2019 báo cáo UBND tỉnh kết quả.

Nhằm giám sát chặt chẽ việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của công ty Formosa Việt Nam. Qua xem xét công văn số 258/STNMT-QLMT ngày 16/7/2019 của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc báo cáo công tác bảo vệ môi trường của công ty Formosa Việt Nam.

Ngày 30/7/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Văn Cần tiếp tục ký và ban hành văn bản số 3951/UBND-VHXH về việc giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của công ty Formosa Việt Nam gửi  Sở Tài nguyên và Môi trường; Công an tỉnh; UBND huyện Bến Lức. Trong đó, giao sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các ngành chức năng liên quan tiếp tục giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của công ty Formosa Việt Nam; kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; đồng thời chủ động cung cấp thông tin kết quả kiểm tra, xử lý đến cơ quan báo chí biết và báo cáo UBND tỉnh kết quả.

Chủ tịch UBND tỉnh Long An chỉ đạo các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường của Công ty Formosa

Làm việc với PV Môi trường và Cuộc sống – moitruong.net.vn, ông Võ Minh Thành – Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường Long An cho biết: “Ngay sau khi tiếp nhận thông tin của quý báo, lãnh đạo tỉnh Long An đã kịp thời chỉ đạo sở TN&MT cùng các cơ quan chức năng vào cuộc tiến hành kiểm tra. Qua kiểm tra sơ bộ đoàn kiểm tra đã phát hiện tại 02 lò hơi xả khí thải có màu đen đúng như tòa soạn Môi trường và Cuộc sống thông tin, công ty quản lý chất thải nguy hại, kho chứa bùn thải chưa che chắn kín đáo có phát tán mùi hôi ra xung quanh, chưa gắn bảng biểu cảnh báo theo quy định. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lấy mẫu và lập hồ sơ để xử lý theo quy định khi có kết quả xử lý, Sở sẽ gửi tới tòa soạn để thông tin tới người dân.

Ông Võ Minh Thành – Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường Long An cho biết: “Những thông tin mà toà soạn Moitruong.net.vn thông tin về công ty Formosa gây ô nhiễm là hoàn toàn đúng”

Ông Thành tiếp tục thông tin, trong thời gian tới, Sở TN&MT sẽ phối hợp với địa phương tăng cường giám sát công tác bảo vệ môi trường đối với công ty Formosa Việt Nam. Riêng đối với 02 lò hơi, Sở TNMT sẽ kiểm tra chất lượng khí thải phát sinh phải đảm bảo quy chuẩn trước khi đi vào hoạt động.

Ngoài ra, ngày 23/11/2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quyết định số 3549/QĐ-BTNMT đưa công ty Formosa Việt Nam vào danh sách thanh tra năm 2019. Sở TN&MT sẽ phối hợp theo yêu cầu của Bộ để tăng cường giám sát công tác bảo vệ môi trường đối với đơn vị này. Trong thời gian tới, rất mong Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống đồng hành, hỗ trợ, gắn kết cùng tỉnh Long An và Sở TN&MT trong công tác tuyên truyền, phản biện về các đơn vị gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn, để tỉnh Long An nắm bắt kịp thời và xử lý theo quy định.

Dư luận và người dân nơi đây cho rằng, với những vi phạm của công ty Formosa Việt Nam, công ty có nghiêm túc khắc phục những sai phạm và UBND tỉnh Long An có ban hành quyết định xử phạt nghiêm về môi trường của công ty Formosa Việt Nam hay không?

Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin

Hải Phong – Minh Khuê

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Tỉnh Long An chỉ đạo kiểm tra và phát hiện công ty Formosa Taffeta Việt Nam nhiều tồn tại về môi trường