Sau 7 ngày bốc cháy, ngày 30/12 bãi rác Cam Ly (Phường 5, TP.Đà Lạt) đã được dập tắt hoàn toàn. Khu vực dân cư gần bãi rác với bán kính 2km không còn bị bao phủ bởi khói bụi như những ngày qua.
Bãi rác Cam Ly phát hỏa vào đêm 22/12. Đơn vị quản lý, vận hành bãi rác là Công ty Cổ phần dịch vụ đô thị Đà Lạt đã triển khai dập lửa nhưng không hiệu quả do chỉ có nhóm công nhân điều khiển 1 xe bồn chở nước vào cứu hỏa, ống nước lại nhỏ…
Bởi tốc độ xử lý quá chậm nên đám lan rộng ra nhiều vị trí dẫn đến mất kiểm soát. Khói đen và mùi hôi từ bãi rác Cam Ly theo gió thổi vào khu vực nội ô Đà Lạt, gây ô nhiễm môi trường trên diện rộng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân ở nhiều khu vực suốt 5 ngày.
Đến ngày 28/12, lực lượng chữa cháy được tăng cường lên tới khoảng 90 người với lực lượng chủ công là Cảnh sát PCCC Công an Lâm Đồng. Mười mấy xe chữa cháy, xe tải chở đất, xe bồn chở nước, xe máy đào, máy ủi đã được đưa vào hiện trường để dập lửa.
Lực lượng này đã “lội” vào bãi rác đang cháy nham nhở, bốc mùi hôi thối nồng nặc để xới tung rác ở các điểm cháy, điểm nghi cháy ngầm; phun nước trên diện rộng, kết hợp đổ đất lấp, ngăn không cho lửa phát tán…
Sau hơn 2 ngày huy động tổng lực tập trung cứu hỏa, đám cháy kéo dài suốt 7 ngày qua trên diện tích lên đến mấy héc ta đã bị dập tắt.
Được biết, theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ thì bãi rác Cam Ly có tên trong danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, cần sớm đóng cửa. Thế nhưng đã 16 năm trôi qua mà bãi rác này vẫn phải tiếp tục “gồng” phần lớn lượng rác của toàn thành phố.
Vào tháng 8/2019, sau đợt mưa lớn kéo dài, núi rác Cam Ly đã bị sạt lở, đổ ập xuống thung lũng. Vệt rác kéo dài cả cây số đã chôn vùi vườn tược của nhiều hộ dân canh tác phía dưới và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có chủ trương đóng cửa bãi rác Cam Ly; tìm địa điểm mới làm nơi tập kết, xử lý rác của TP.Đà Lạt để tránh tình trạng gây ô nhiễm môi trường.
Theo Tiền phong đưa tin, lãnh đạo địa phương cho biết, theo Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì vị trí quy hoạch mới khu xử lý chất thải rắn cho TP.Đà Lạt là xã Xuân Trường với diện tích 50 ha.
Thanh Lam (T/h)