Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam thống nhất nhiều nội dung quan trọng đầu nhiệm kỳ

Minh Trang|13/04/2023 10:29
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI, ngày 12/4, tại Khánh Hòa, Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị lần thứ 3 để họp, thống nhất nhiều nội dung quan trọng đầu nhiệm kỳ.

Sáng 13/4, tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội, công tác thi đua khen thưởng năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023 trong toàn thể các cấp Hội.

Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội, công tác thi đua khen thưởng năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023 có sự tham gia của gần 700 đại biểu, khách mời là các đồng chí đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, lãnh đạo các cấp Hội Nhà báo và các cơ quan báo chí trong cả nước.

Hội Nhà báo Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, với 23.700 hội viên sinh hoạt tại 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 20 Liên chi hội và 218 Chi hội trực thuộc.

Tổ chức Hội có mặt tại hầu hết các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương và báo chí các bộ, ngành, đoàn thể. Hội Nhà báo Việt Nam đại diện cho những người làm công tác báo chí, thực hiện chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà báo trong tác nghiệp; bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ, lòng say mê nghề nghiệp cho hội viên; định hướng, giám sát việc tuân thủ chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Luật báo chí và Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.

Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội, công tác thi đua khen thưởng năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023 trong toàn thể các cấp Hội, với những nội dung chính: Biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến, nhân tố mới trong hoạt động của các cấp Hội Nhà báo Việt Nam; Nâng cao nhận thức, năng lực của các cấp Hội trong quản lý, chỉ đạo báo chí và hoạt động Hội; Hướng dẫn các cấp Hội triển khai công tác hỗ trợ báo chí chất lượng cao năm 2023; Trưng bày chuyên đề 80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam.

hoi-nha-bao-viet-nam-1.jpg
Toàn cảnh Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam lần khóa XI

Trước đó, chiều 12/4, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI.

Điều hành Hội nghị gồm có các đồng chí: Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Đức Lợi, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía Nam.

Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã trình bày Dự thảo báo cáo về kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành trong 15 tháng nhận nhiệm vụ kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay và dự kiến một số nội dung chính cần thảo luận, thống nhất trong Ban Chấp hành.

Theo đó, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, thực hiện chủ trương của Đảng đoàn, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam đã phát huy tinh thần trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo lĩnh vực, đơn vị được phân công phụ trách và các nhiệm vụ khác được giao; góp phần quan trọng hỗ trợ các cấp Hội đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị và kế hoạch hoạt động từ đầu nhiệm kỳ đến nay với những kết quả đáng khích lệ.

15 tháng sau Đại hội XI, hoạt động các cấp Hội trong cả nước có nhiều chuyển biến tích cực, đi vào chiều sâu, góp phần nâng cao hơn nữa vị trí, vai trò, hiệu quả tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp của người làm báo.

Dự thảo báo cáo cũng đặt ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm cho năm 2023. Theo đó, sẽ xây dựng Dự thảo Đề án, lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định giao nhiệm vụ gắn với dự toán kinh phí được giao; Hướng dẫn các cấp Hội triển khai Điều lệ Hội khóa XI và công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Điều lệ Hội, Chương trình công tác toàn khóa; Xây dựng Đề án thành lập Viện nghiên cứu báo chí và truyền thông có tính liên kết chặt chẽ với các cơ sở đào tạo báo chí và cơ quan báo chí trong nước và quốc tế; Chỉ đạo sơ kết 1 năm triển khai Phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” tại 3 khu vực (Bắc, Trung, Nam); Giao Cơ quan Trung ương Hội tham mưu, đề xuất có hình thức tôn vinh xứng đáng đối với các nhà báo liệt sĩ qua các thời kỳ…

Các đại biểu tham dự đều nhất trí cao với Dự thảo báo cáo kết quả công tác của Ban Chấp hành năm 2022 và quý I năm 2023, các nhiệm vụ thời gian tới, thể hiện sự đoàn kết, tâm huyết, trí tuệ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

Đặc biệt, Hội nghị hết sức sôi nổi với nhiều ý kiến đóng góp nhằm tháo gỡ những khó khăn của các cấp Hội địa phương, đề xuất các giải pháp trong một số vấn đề còn tồn tại của hoạt động công tác Hội thời gian tới.

Theo đó, các ý kiến tập trung tháo gỡ khó khăn về biên chế và cơ cấu tổ chức của các cấp Hội Nhà báo địa phương; Vấn đề bất cập trong sinh hoạt hội viên là phóng viên cơ quan thường trú tại địa phương, Các vấn đề trong công tác bồi dưỡng nghiệp vụ; Bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp; Thảo luận về đề nghị điều chỉnh chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, một số đơn vị trực thuộc Cơ quan Trung ương Hội…

Một nhiệm vụ quan trọng của Hội nghị là làm quy trình bổ sung các đồng chí vào Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam. Theo đó, với tinh thần trách nhiệm cao, các đồng chí trong Ban Chấp hành đã bỏ phiếu nhất trí cao với Đề án bổ sung 5 đồng chí vào Ban Chấp hành và 3 đồng chí vào Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam.

5 nhân sự tham gia Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam gồm ông Trần Thanh Lâm – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Nguyễn Thanh Lâm – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, bà Đỗ Thị Thu Hằng – Trưởng ban Nghiệp vụ, bà Vũ Thị Hà – Trưởng Ban Ban Công tác Hội cùng thuộc Hội Nhà báo Việt Nam và ông Lê Trần Nguyên Huy – Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Nhà báo và Công luận.

Kết luận Hội nghị, đồng chí Lê Quốc Minh - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, trong cuộc họp hôm nay đã thực hiện được một số công việc rất quan trọng. Đầu tiên là đã làm quy trình bổ sung các đồng chí tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ với kết quả bỏ phiếu đồng thuận gần như tuyệt đối. Hội nghị cũng đã có ý kiến về một số kết quả công tác năm 2022 và định hướng năm 2023; Thảo luận, bổ sung điều chỉnh một số định hướng công tác mà Ban tổ chức đã chuẩn bị, phù hợp với định hướng chung trong thời gian tới.

Đồng chí Lê Quốc Minh cho rằng, trong thời gian qua, hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam đang có nhiều chuyển biến tích cực. Đạt được kết quả đó là bởi có sự thống nhất trong lãnh đạo của Đảng đoàn, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành và quan trọng hơn hết là hoạt động tích cực của các Hội Nhà báo địa phương, Liên chi hội, Chi hội.

Với một số bản quy định, dự thảo, đồng chí Lê Quốc Minh đề nghị các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành chủ động, tập trung trí tuệ, tâm huyết đóng góp thêm bằng văn bản để các quy định đó sớm được ban hành. Ngoài ra, trong công tác khác, Hội Nhà báo Việt Nam xin tiếp thu ý kiến đóng góp của Bộ Thông tin và Truyền thông, Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương về việc bổ sung thêm một số vấn đề cần lưu tâm trong hoạt động Hội.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cũng lưu ý về một số vấn đề thảo luận tại Hội nghị, như việc định hướng bổ sung chức năng, nhiệm vụ và thay đổi tên của một số đơn vị như Nhà Văn hoá và Cổng thông tin điện tử, về cơ bản Ban Chấp hành thống nhất chủ trương, tuy nhiên phải có những quyết định tên gọi sao cho phù hợp, chức năng, làm sao không chồng chéo với các đơn vị trong Hội Nhà báo Việt Nam. Về nhân sự và kinh phí, Thường trực Hội sẽ rà soát lại và đưa ra phương án hợp lý, không nhất thiết phải vội vàng đưa ra một bộ máy cồng kềnh, không khả thi…

Với một số vấn đề cần triển khai thời gian tới, đồng chí Lê Quốc Minh nhấn mạnh rằng, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức báo chí là một trong những vấn đề rất quan trọng đã được trao đổi, thảo luận tại Hội nghị.

"Thời gian qua, sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam trong công tác quản lý và xử lý vi phạm đã ngày càng chặt chẽ. Vai trò của Hội Nhà báo Việt Nam trong vấn đề thúc đẩy đạo đức nghề nghiệp và hoạt động của Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức người làm báo Việt Nam cần được tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa. Chúng tôi mong muốn, ở cấp độ Hội Nhà báo địa phương, Liên chi hội, Chi hội chủ động đẩy mạnh hoạt động về đạo đức, kỷ luật hơn nữa để phòng tránh các sai phạm trong hoạt động nghề nghiệp. Rất mong các đồng chí trong Ban Chấp hành cũng chia sẻ cùng với lãnh đạo Hội để chúng ta coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Công việc thời gian tới rất nhiều, đòi hỏi sự vào cuộc của Đảng đoàn, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành làm sao lan tỏa các định hướng này xuống từng Hội Nhà báo địa phương, Liên chi hội, Chi hội…”, đồng chí Lê Quốc Minh nhấn mạnh.

hoi-nha-bao-viet-nam-2.jpg
Ông Lê Quốc Minh trao quyết định của Ban Bí thư cho ông Trần Thanh Lâm và ông Nguyễn Thanh Lâm

Cùng ngày, ông Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã thông báo về việc Ban Bí thư chỉ định nhân sự tham gia Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2020 - 2025 gồm ông Trần Thanh Lâm - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam thống nhất nhiều nội dung quan trọng đầu nhiệm kỳ