Với tốc độ suy giảm chóng mặt như hiện nay, hành tinh xanh sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ khó lường bởi rừng lâu nay vẫn được coi là vũ khí mạnh nhất chống lại biến đổi khí hậu và tình trạng mất đa dạng sinh học.
Cho dù một loạt biện pháp bảo vệ rừng ở cấp độ quốc gia và quốc tế đã được triển khai, tốc độ suy giảm rừng vẫn giữ nguyên kể từ đầu thế kỷ. 5 quốc gia có diện tích rừng nguyên sinh mất đi nhiều nhất thế giới là Brazil (13.500km2), Congo (4.800km2), Indonesia (3.400km2), Colombia (1.800km2) và Bolivia (1.500km2). 2016 là năm có tốc độ rừng suy giảm lớn nhất, chủ yếu do hiện tượng El Nino và cháy rừng không được kiểm soát ở Brazil và Indonesia. Đó là chưa kể các nguyên nhân khác, trong đó có việc phát triển ngành chăn nuôi và trồng trọt thiếu bền vững.
Theo các nhà khoa học, cứ mỗi phút, diện tích rừng tương đương với 30 sân bóng đá bị mất đi. Đáng lo ngại, khoảng 1/3 diện tích rừng bị phá hủy là rừng nhiệt đới nguyên sinh – nơi có nhiều loài động vật hoang dã phong phú nhất hành tinh và là nơi hấp thụ nhiều khí CO2 vốn là “thủ phạm” của tình trạng Trái đất nóng lên. William Laurance, một nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu nhiệt đới Smithsonian (STRI) ở Panama cho biết, các khu rừng nhiệt đới bị tàn phá đem đến cho con người nhiều mối lo, trong đó quan ngại lớn nhất là biến đổi khí hậu. Những loài động thực vật sống tại các khu vực có nền nhiệt độ ổn định không thể chịu được việc Trái đất đang ấm dần lên và chỉ cần tăng thêm 2°C nữa, một số loài có khả năng biến mất.
Một chuyên gia khác của STRI, Joseph Wright cũng đồng tình với quan điểm rằng, biến đổi khí hậu là vấn đề lớn với đa dạng sinh học tại các khu vực nhiệt đới. Ông Wright cho biết, đa phần các khu rừng nhiệt đới chỉ có thể tồn tại và phát triển ở nền nhiệt độ trung bình 25°C-26°C. Nhiều khả năng đến cuối thế kỷ này, nhiệt độ tại các khu vực nhiệt đới sẽ tăng thêm tới 3°C. Sự diệt vong của các khu rừng nhiệt đới sẽ là một “bản án tử cho con người” vì thống kê cho thấy, rừng hấp thụ khoảng 30% lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính, với trên 11 tỷ tấn CO2 mỗi năm.
Tuy nhiên, bất chấp những cảnh báo của các nhà khoa học, tốc độ tàn phá rừng vẫn không hề thuyên giảm vì nạn buôn lậu, ý thức và nhận thức yếu kém của nhiều người về môi trường. Trong khi đó, với mỗi héc ta rừng mất đi, con người lại tiến gần hơn tới viễn cảnh khủng khiếp của biến đổi khí hậu và mất cân bằng sinh thái. Đã đến lúc, tất cả các quốc gia, nhất là những nước đang phát triển, vào cuộc một cách nghiêm túc để nâng cao nhận thức cũng như tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng, giữ gìn “lá phổi” của nhân loại.
Minh Thu (T/h)