Báo động tình trạng ô nhiễm trên các sông ở Đông Nam Á

Minh Trang (T/h)|16/12/2019 01:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Các nguồn nước tự nhiên ở Đông Nam Á đang chịu áp lực mạnh mẽ vì sự gia tăng dân số, đô thị hóa và biến đổi khí hậu, gây nên tình trạng ô nhiễm nặng nề.

Theo một bài viết trên The ASEAN Post, tình trạng ô nhiễm trên các con sông ở Đông Nam Á đã bắt nguồn từ nhiều thế kỷ trước.

Rác thải ngập trên sông Marilao ở Bulacan, phía bắc Manila, Philippines. Ảnh: AFP

Sự phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh chóng đã dẫn đến suy thoái và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, bao gồm cả nguồn nước và các dịch vụ hệ sinh thái liên quan. Nhiều con sông trong khu vực bị ô nhiễm nặng bởi chất thải sinh hoạt, công nghiệp và nông nghiệp, khiến chỉ số chất lượng nước (WQI) rơi xuống mức không an toàn.

Đông Nam Á hiện có những con sông ô nhiễm đến mức báo động như sông Marilao chảy qua Metro Manila ở Philippines, sông Citarum chảy qua tỉnh Tây Java của Indonesia, sông Irrawady ở Myanmar, Chao Phraya ở Thái Lan và Kinabatangan ở Malaysia. Có thể dễ dàng tìm thấy các loại rác thải nguy hại, không thể tái chế như chai nhựa, dép cao su cùng nhiều rác thải sinh hoạt khác trôi nổi trên những con sông này, gây ô nhiễm nghiêm trọng đến nguồn nước trên sông.

Trước thực trạng đó, một số chính phủ trong khu vực đã xem xét vấn đề một cách nghiêm túc. Ví dụ, chính phủ Malaysia dự định biến các con sông ở thủ đô nước này thành địa điểm du lịch thu hút vào năm 2020, thông qua kế hoạch làm sạch dòng sông theo dự án “River of Life” (ROL). Dự án làm sạch 110km đường sông này hiện đã hoàn thành 86% và sẽ sớm đạt chỉ tiêu an toàn cho mục đích giải trí.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để giải quyết vấn đề này và thúc đẩy cách tiếp cận hiệu quả cho phát triển đô thị bền vững trong khu vực, các nhà hoạch định chính sách cần phối hợp với khu vực tư nhân và các nhà tài trợ quốc tế áp dụng cách tiếp cận tổng hợp để bảo vệ các vùng nước ở đô thị, bao gồm phát triển các khung pháp lý liên quan và cơ chế thực thi.

Đồng thời, cũng cần bắt đầu các nghiên cứu toàn diện về định giá các lợi ích liên quan đến nguồn nước. Giá trị tiền tệ của việc cải thiện chất lượng nước là một biến số hữu ích trong phân tích lợi ích chi phí của các chính sách liên quan đến chất lượng nước trong cả khu vực công cộng và tư nhân.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, nhận thức cộng đồng phải được thúc đẩy thông qua các chiến dịch tuyên truyền và giáo dục, cũng như các chương trình tiếp cận cộng đồng.

Minh Trang (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo động tình trạng ô nhiễm trên các sông ở Đông Nam Á