Bạo lực học đường, vấn nạn ám ảnh tuổi thơ

Lê Minh Vân|27/04/2023 18:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Thời gian qua, liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực học đường, có những vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong xã hội, tác động tiêu cực đến môi trường giáo dục. Dưới đây là quan điểm của tác giả cũng như những chia sẻ “đau đáu” về vấn đề bạo lực học đường.

Những ngày gần đây, khi theo dõi trên báo chí về thông tin một bé gái lớp 10 tự tử do bị “bạo lực học đường”, cá nhân tôi rất chua xót. Cũng bởi, bản thân đã từng là nạn nhân của việc bị bắt nạt học đường nên cực kỳ thấu hiểu và chia sẻ cảm giác đấy. Đến bây giờ
dẫu đã trở thành một người trưởng thành, nhưng mỗi khi nghĩ lại quãng thời gian học cấp 2, bản thân tôi vẫn còn ám ảnh sâu sắc.

Chia sẻ một số trải nghiệm thực tế từ bản thân mình, tôi nhận thấy suốt 4 năm học cấp 2 là khoảng thời gian không mấy vui vẻ, thậm chí có thể gọi là ký ức tuổi thơ tồi tệ nhất của cuộc đời mình. Bản thân tôi đã từng bị đánh, bị nói xấu thậm chí cô lập, chỉ vì học
giỏi hơn, không chịu làm bài tập hay cho các bạn chép bài của mình. Và vì một lý do giản đơn hơn là bản thân vốn là học sinh từ nơi xa chuyển đến.

Bản thân vẫn còn nhớ mỗi lần đi học về sẽ bị chặn lại ở cổng trường, bị một số bạn ra sức dọa nạt, đánh đập… Tất cả những điều này khiến tâm lý một đứa nhỏ như tôi cảm thấy cực kỳ bất an và sợ sệt. Thời gian đầu, bản thân đã cố gắng chịu đựng, dù không thỏa hiệp. Tuy nhiên, trước áp lực ngày một lớn, bản thân vẫn phải đồng ý các điều kiện do đám bạn bắt nạt đặt ra.

bao-luc-hoc-duong.jpg
Bạo lực học đường, vấn nạn ám ảnh tuổi thơ

Dù tuân theo vô điều kiện nhưng tôi vẫn bị đánh. Từ thực tế vô lí khiến tôi hiểu rằng mình thỏa hiệp hay không vẫn sẽ bị đánh và cô lập. Thậm chí, mức độ còn ngày một trầm trọng hơn khi bản thân liên tục bị đánh nhiều hơn, đau hơn. Tôi nhớ có một lần bản thân
bị ném cái ghế ngồi chào cờ hàng tuần chảy cả máu đầu nhưng bản thân vẫn vô cùng cứng đầu và lì lợm.

Đến năm lớp 8, sau gần 2 năm đối diện với vô số ám ảnh, tôi đã quyết định không chịu đựng âm thầm được nữa nên đã tìm cách trò chuyện cùng bố mẹ tớ chuyện bản thân bị bắt nạt trên lớp nên bất an, không muốn đến lớp nữa. Bố tôi vì xót con gái cũng vào trường làm việc với thầy cô và phụ huynh các bạn. Tuy nhiên, điều này cũng chẳng ích lợi gì vì kể từ sau đó, bản thân vẫn bị bắt nạt và cô lập tiếp tục. Bạn bè nhìn thấy việc tôi đang dựa vào bố mẹ, nên lại nghĩ ra nhiều cách để bắt nạt hơn. Đến một thời điểm nọ, do “tức nước vỡ bờ”, tôi đã vùng lên đánh lại, tự vệ cho mình. Thế mà lại hiệu quả, đám bạn bắt nạt tôi cảm thấy ngại rồi tránh xa và không gây sự với tôi nữa. Tôi cũng mở lòng mình hơn, gắn kết với nhiều bạn hơn trong lớp. Áp lực tâm lý dẫu vẫn còn nhưng đã được giải tỏa đi ít nhiều.

Bây giờ, khi ngẫm lại bản thân tôi cảm thấy mình dù bị bạo lực học đường nhưng may mắn hơn rất nhiều so với các bạn trẻ ngày nay. Cũng bởi, tại thời điểm chúng tôi sống, việc tiếp cận các thiết bị điện tử và mạng xã hội không hề dễ dàng như bây giờ. Cũng chính do đó mà thế hệ chúng tôi cũng không được tiếp nhận những thông tin tiêu cực tràn lan, gây tác hại đến quá trình phát triển tâm lý cho tuổi mới lớn như hiện nay.

Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO), trong một nghiên cứu gần đây, cũng định nghĩa bạo lực học đường trong phạm vi rộng hơn nhiều, bao gồm: bạo lực lời nói, bạo lực thân thể, bạo lực xã hội, bạo lực trên mạng. Trung tâm Nghiên cứu Pew tại Mỹ đã tiến hành thống kê
và ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng cứ ba thanh thiếu niên Mỹ thì sẽ có hai người từng bị bắt nạt trên mạng. Từ thực tế ở nước ngoài, chúng ta nên có một góc nhìn trực diện hơn về bạo lực học đường tại Việt Nam. Chắc nhiều bạn đọc cũng đồng tình với tôi về tính
chất “hai lưỡi” của mạng xã hội. Giới trẻ tiếp xúc nhiều với mạng xã hội vừa tiếp nhận được nhiều thông tin bổ ích nhưng cũng vừa chịu ảnh hưởng lớn, gây tác hại đến thói quen và hành vi. Đó cũng là lí do dẫn đến tính chất nghiêm trọng hơn của vấn nạn bạo lực học đường.

Bạo lực học đường ngày nay không chỉ đơn thuần là đánh nhau, xô xát trong phạm vi lớp học mà còn diễn ra qua lời nói (verbal), tẩy chay và bắt nạt trên mạng. Điển hình như việc các em ra sức xúc phạm, miệt thị, đặt biệt danh khiếm nhã, xa lánh, cô lập, tung tin
đồn thất thiệt, hay lập các group nói xấu, chế ảnh, xâm phạm quyền riêng tư nạn nhân. Hệ quả của việc này gây ảnh hưởng vô cùng xấu đến tâm lý của nạn nhân, khiến các em xấu hổ, tủi nhục, dẫn đến trầm cảm chứ không đơn thuần là những tác động thể xác nữa. Rất
nhiều em học sinh bị bắt nạt dù chưa bao giờ tìm thấy một vết thương nào nhưng vẫn rất đau khổ và cô đơn.

Bên cạnh đó, guồng quay cuộc sống bộn bề dẫn đến việc thiếu chia sẻ, thấu hiểu giữa bố mẹ với các con cũng là một nguyên nhân lớn khiến các bạn trẻ khó thoát ra khỏi tình trạng bị bạo lực học đường. Là mẹ của hai con đang tuổi vị thành niên, bản thân tôi đã đọc qua khá nhiều cuốn sách về cách dạy con. Tuy nhiên, cuốn sách khiến tôi ấn tượng nhất và khắc sâu mạnh mẽ nhất là cuốn "Dạy con trong chánh niệm". Từ bài học từ quyển sách này, tôi hiểu ra bố mẹ có thể trở thành điểm tựa tinh thần cho con, để cho con có thể tin tưởng mà trút hết tâm tư suy nghĩ, đặc biệt là những cảm giác khó chịu và khó khăn của trẻ khi ở trường. Nhưng thay vì trực tiếp giải quyết mọi vấn đề cho con, bố mẹ hãy dũng cảm để con tự quyết định và tự chủ xử lý, giải quyết vấn đề. Bởi vì khi bố mẹ chủ động xử lý, bạn bè sẽ thấy con đang dựa vào bố mẹ. Đằng sau lưng bố mẹ, các bạn sẽ
nghĩ ra cách để bắt nạt con hơn. Do đó, các vụ việc sẽ khó được giải quyết hơn.

Với các em được gia đình hỗ trợ quá nhiều, bản lĩnh và khả năng xử lý vấn đề của các em lâu dần sẽ kém. Khi xảy ra những vụ việc khó xử lý, các em sẽ cảm thấy bất lực, mệt mỏi và khó chịu. Thậm chí, khi áp lực tâm lý quá lớn, các em sẽ khó điều chỉnh cũng như
kiểm soát được cảm xúc và hành vi của mình dẫn đến những hành động nông nổi, bồng bột và hoàn toàn có thể có các câu chuyện đau lòng xảy ra. Chúng ta rất cảm thông và thương các con nhưng bố mẹ rất cần dũng cảm để các con tự xử lý. Các con cần tự xử tất cả những vấn đề dù nhỏ xíu thì các con sẽ mạnh mẽ hơn. Các vấn đề kể cả các công việc nhà, các trách nhiệm cá nhân đến các khó khăn như bài tập khó, kì thi,…. mỗi lần con vượt qua được, bản lĩnh của con sẽ được nâng cao. Đến khi gặp các khó khăn như bị bắt nạt hay cô lập, con sẽ vượt qua dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, trước khi chúng ta lo xử lý, ứng phó với bạo lực học đường, các bậc bố mẹ cũng cần giáo dục con cách sống hòa đồng với bạn bè, tỏ rõ trách nhiệm trong chính cuộc sống của bản thân. Trẻ em nên được học cách chia sẻ, cảm thông và tôn trọng bạn. Nếu con có biểu hiện hay tính cách gì xấu, khó ưa, chúng ta cần có cách xử lý để con thay đổi, hòa hợp với mọi người. Con có nhiều bạn bè thì cũng ít nguy cơ bị bắt nạt hơn là khi con sống cô độc, ít bạn bè và hạn chế giao tiếp. Trong nhà trường, bên cạnh các chuyên đề bàn luận về bắt nạt học đường, nhà trường cần tạo thêm nhiều các hoạt động để học sinh đỡ nhàm chán, làm nảy sinh ra các tâm trạng và hành vi xấu.

Trên đây là một chút quan điểm và chia sẻ của một người đã trải qua "Bạo lực học đường" và tâm sự của một người mẹ. Rất mong sự chia sẻ và đón nhận quan điểm của mọi người.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bạo lực học đường, vấn nạn ám ảnh tuổi thơ