Bão tan, vùng núi Bắc Bộ và Thanh Hóa nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất

Hà My|23/07/2024 17:14
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Bão số 2 đang suy yếu và tan dần nhưng mưa do hoàn lưu bão gây ra rất lớn, nhiều khu vực ở Bắc Bộ có to đến rất to. Vùng núi Bắc Bộ và Thanh Hóa nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Theo Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, chiều nay (23/7), áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ cơn bão số 2) đã suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực các tỉnh Lạng Sơn - Quảng Ninh. Vị trí vùng áp thấp vào lúc 13giờ khoảng 21,5 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ).

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi Bắc Bộ và Thanh Hóa

Theo dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây suy yếu và tan dần. Do ảnh hưởng hoàn lưu bão, khu vực Bắc Bộ có mưa rất to, lượng mưa có nơi trên 300mm. Gió mạnh và sóng lớn ở các các vùng biển phía Nam còn phức tạp.

23-bao-tan.gif
Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia dự báo bão số 2 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới sau đó tan dần

Từ ngày 23/7 đến hết ngày 24/7, khu vực Bắc bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến ở Đông Bắc bộ và Thanh Hoá từ 70-150mm, có nơi trên 300mm, ở Tây Bắc bộ và Nghệ An từ 50-100mm, có nơi trên 200mm. Trên các sông ở Bắc Bộ và Thanh Hóa có khả năng xuất hiện một đợt lũ, với biên độ lũ lên trên các sông từ 2-5m.

Theo dự báo của Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông thuộc tỉnh Quảng Ninh, Hà Nam, Ninh Bình và cửa sông ven biển có khả năng lên mức báo động 2, đỉnh lũ trên các sông tại tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Phú Thọ và thượng lưu sông Thái Bình lên mức báo động 1-báo động 2, đỉnh lũ thượng lưu sông Mã, sông Bưởi lên mức báo động 1. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, khu đô thị tại khu vực đồng bằng và trung du Bắc bộ. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi Bắc Bộ và Thanh Hóa.

Quảng Ninh đang tập trung khắc phục hậu quả bão số 2

Theo thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh, bão số 2 đã gây ra trên địa bàn TP Hạ Long 3 điểm sạt lở, 3 điểm đập ngầm tràn bị ngập, cùng hàng loạt cây xanh bị ngã đổ. Mưa bão cũng gây hư hỏng một số cây trồng, hoa màu, ảnh hưởng đến một số công trình xây dựng, công trình giao thông. Tại phường Bãi Cháy (TP Hạ Long), mưa bão gây sạt lở, sập một công trình phụ của nhà dân tại tổ 4, khu 7.

23-bao-tan-1.jpg
Cảnh sát đường thủy tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ ngư dân tránh bão số 2

TP Hạ Long đã huy động lực lượng tại chỗ khơi thông dòng chảy, gia cố các điểm xung yếu và chủ động chuẩn bị các vật tư, phương tiện để xử lý các khu vực bị ảnh hưởng khác, đồng thời giải phóng các điểm sạt lở, cây cố bị gãy đổ, tu sửa hệ thống biển báo trên các tuyến đường để giao thông ổn định trở lại. Lực lượng chức năng địa phương cũng hỗ trợ di chuyển người và tài sản của các hộ dân trong khu vực sạt lở và nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.

Tại huyện miền núi Ba Chẽ, mưa vẫn tiếp tục diễn ra. Hiện tại, có 2 điểm sạt lở tại Km13 và Km14 thuộc tuyến đường Tân Tiến-Lang Cang-Khe Nà-Xóm Mới. Bên cạnh đó, các tuyến đường xã, cầu tràn thấp trên địa bàn xã Đồn Đạc đã bắt đầu bị ngập, trong đó 2 ngầm tràn là Khe Pụt và Thành Công đã ngập sâu, nhiều tuyến đường dân sinh khác cũng đã úng lụt gây khó khăn cho sinh hoạt của người dân.

Lãnh đạo huyện Ba Chẽ đang lập các đoàn công tác, có mặt kiểm tra và chỉ đạo tại các khu vực trọng điểm ảnh hưởng trên địa bàn, trước mặt tập trung khôi phục giao thông và chủ động phòng ngừa những diễn biến bất lợi tiếp theo.

Tương tự trên địa bàn thị xã Quảng Yên mưa vẫn tiếp tục, hầu hết các tuyến giao thông đang bị ngập nước và nhiều cây bị đổ, tại xã Cẩm La có khoảng hơn 30ha diện tích lúa mới gieo sạ bị úng lụt. Hiện chính quyền địa phương đang chỉ đạo các đơn vị khẩn trương huy động lực lượng và phương tiện phục hồi giao thông và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả.

Cũng trong ngày 23/7, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Bộ trưởng Bộ Lê Minh Hoan dẫn đầu đã kiểm tra công tác phòng, chống bão số 2 tại TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh).

Sau khi kiểm tra thực tế, Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu TP Móng Cái tiếp tục tập trung, không chủ quan lơ là, theo dõi sát diễn biến mưa do áp thấp nhiệt đới sau bão gây ra; duy trì chế độ trực và thông tin, báo cáo từ cơ sở để chủ động, kịp thời xử lý các tình huống phát sinh, mục tiêu cao nhất đặt ra là đảm bảo an toàn về tính mạng và hạn chế thấp nhất thiệt hại tài sản cho người dân.

Đồng thời, tiếp tục triển khai các phương án phòng tránh, di chuyển dân ở những nơi có nguy cơ ngập lụt, sạt lở; chủ động kiểm tra, bố trí lực lượng quản lý vận hành, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn các hồ chứa trong trường hợp mưa lớn kéo dài; theo dõi chặt chẽ lưu lượng nước trên sông Ka Long, đặc biệt là trong khoảng thời gian chiều tối nay và những ngày tiếp theo khi nước triều dâng.

Trước đó, vào sáng cùng ngày 23/7, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh đã trực tiếp dẫn đầu đoàn công tác, kiểm tra tại điểm dân cư có nguy cơ sạt lở tại tổ 2, khu 7A, phường Hồng Hải (TP Hạ Long).

Tại đây, người đứng đầu tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu TP Hạ Long thực hiện di dời triệt để 17 hộ dân còn sinh sống tại khu vực này đến nơi an toàn và có phương án tái định cư các hộ dân này trên tinh thần bảo đảm an toàn và an sinh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bão tan, vùng núi Bắc Bộ và Thanh Hóa nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất