Bảo tồn đa dạng sinh học trong hoạt động du lịch ở Việt Nam hiện nay

Theo ThS. Đặng Hoàng Sơn (|26/06/2016 09:02
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

Đa dạng sinh học còn là nơi cung cấp, lưu giữ nguồn gen của nhiều loài sinh vật quý hiếm, nhiều hệ sinh thái đại diện, hoặc đặc thù là nguồn tài nguyên du lịch quan trọng thúc đẩy các hoạt động du lịch vì mục đích nghiên cứu khoa học môi trường sinh thái.

1. Mối quan hệ giữa hoạt động du lịch và bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam.

1. Hoạt động du lịch.

Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, giải trí, nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định, còn hoạt động du lịch là hoạt động của khách du lịch, tổ chức, cá nhân du lịch, cộng đồng dân cư và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến du lịch. Hoạt động du lịch thường hướng tới các khu du lịch, điểm du lịch. Khu du lịch là nơi có tài nguyên du lịch hấp dẫn (tài nguyên du lịch là cảnh quan thiên nhiên, yếu tố tự nhiên, di tích lịch sử – văn hoá, công trình lao động sáng tạo của con người và các giá trị nhân văn khác có thể được sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch, là yếu tố cơ bản để hình thành các khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch, đô thị du lịch) với ưu thế về tài nguyên du lịch tự nhiên, được quy hoạch, đầu tư phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch, đem lại hiệu quả về kinh tế – xã hội và môi trường, điểm du lịch là nơi có tài nguyên du lịch hấp dẫn, phục vụ nhu cầu tham quan của khách du lịch.

1.2.Bảo tồn đa dạng sinh học

Đa dạng sinh học là sự phong phú về gen, loài sinh vật và hệ sinh thái trong tự nhiên. Bảo tồn đa dạng sinh học là việc bảo vệ sự phong phú của các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, đặc thù hoặc đại diện; bảo vệ môi trường sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của loài hoang dã, cảnh quan môi trường, nét đẹp độc đáo của tự nhiên; nuôi, trồng, chăm sóc loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; lưu giữ và bảo quản lâu dài các mẫu vật di truyền. Quá trình bảo tồn đa dạng sinh học có nhiều hoạt động khác nhau nhưng hoạt động bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên là có vai trò quan trọng nhất đối với hoạt động du lịch. (Hệ sinh thái là quần xã sinh vật và các yếu tố phi sinh vật của một khu vực địa lý nhất định, có tác động qua lại và trao đổi vật chất với nhau ; còn hệ sinh thái tự nhiên là hệ sinh thái hình thành, phát triển theo quy luật tự nhiên, vẫn còn giữ được các nét hoang sơ ).

1.3. Tác động qua lại giữa hoạt động du lịch và bảo tồn đa dạng sinh học.

a) Tác động của đa dạng sinh học, bảo tồn đa dạng sinh học đối với hoạt động du lịch.

Đa dạng sinh học, bảo tồn đa dạng sinh học có vai trò tích cực đối với hoạt động du lịch, bởi lẽ đa dạng sinh học cung cấp các nguồn tài nguyên du lịch, thu hút khách du lịch,góp phần phát triển hoạt động du lịch, ngành du lịch. Đa dạng sinh học là yếu tố cơ bản để hình thành nên các khu bảo tồn thiên nhiên như vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài- sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan với những giá trị thiên nhiên đặc biệt  như cảnh quan đẹp,môi trường trong lành… Đa dạng sinh học còn là nơi cung cấp, lưu giữ nguồn gen của nhiều loài sinh vật quý hiếm, nhiều hệ sinh thái đại diện, hoặc đặc thù là nguồn tài nguyên du lịch quan trọng thúc đẩy các hoạt động du lịch vì mục đích nghiên cứu khoa học môi trường sinh thái. Đa dạng sinh học cung cấp nguồn thực phẩm tự nhiên quý hiếm, có giá trị cao về mặt ẩm thực, là nguồn tài nguyên du lịch hấp dẫn đối với nhiều du khách có nhu cầu du lịch ẩm thực. Đa dạng sinh học cung cấp nguồn dược liệu quý hiếm phục vụ chữa bệnh, chính điều này đã thúc đẩy nhiều du khách đến tham quan du lịch ở những khu vực có nguồn dược liệu quý để vừa thỏa mãn nhu cầu tham quan, giải trí vừa thỏa mãn nhu cầu tìm thuốc chữa bệnh. Đa dạng sinh học cung cấp nguyên liệu để sản xuất, chế tác các đồ lưu niệm phục vụ cho ngành du lịch, góp phần thu hút khách du lịch đến với các điểm du lịch, khu du lịch…

Bên cạnh sự tác động tích cực của đa dạng sinh học và bảo tồn đa dạng sinh học đối với hoạt động du lịch như đã phân tích nêu trên, thì đa dạng sinh học  và bảo tồn đa dạng sinh học cũng có những tác động tiêu cực nhất định đối với hoạt động du lịch. Điều này thể hiện ở chỗ nếu bảo tồn đa dạng sinh học được thực hiện không tốt sẽ dẫn tới nhiều yếu tố tạo nên đa dạng sinh học bị suy giảm làm mất đi các nguồn tài nguyên du lịch, giảm sức hút đối với khách du lịch, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả kinh tế của ngành du lịch. Mặt khác, việc bảo tồn đa dạng sinh học nếu được thực hiện một cách quá chặt chẽ, mang tính cực đoan chỉ chú trọng tới vấn đề bảo vệ môi trường mà không kết hợp với phát triển kinh tế (trong đó có kinh tế du lịch), thì điều đó cũng sẽ tác động tiêu cực tới hoạt động du lịch, làm giảm hiệu quả kinh tế của ngành du lịch. Ví dụ ở các khu bảo tồn thiên nhiên nếu nhà nước vì mục đích bảo vệ quá nghiêm ngặt các loài đông, thực vật nên cấm mọi hoạt động du lịch ở đây thì sẽ tác động tiêu cực tới lĩnh vực du lịch hoặc khi lập, phê duyệt quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học không có sự kết hợp hài hòa với hoạt động du lịch, loại bỏ vấn đề phát triển du lịch ra khỏi quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, thì cũng dẫn tới kìm hãm hoạt động du lịch.

b) Tác động của hoạt động du lịch đến đa dạng sinh học. Hoạt động du lịch có thể tác động tích cực hoặc tiêu cực tới bảo tồn đa dạng sinh học. Thực tế ở Việt Nam trong thời gian qua thì hoạt động du lịch thường tác động tiêu cực nhiều hơn là tích cực tới bảo tồn đa dạng sinh học, sự tác động tiêu cực này được thể hiện ở các nội dung sau:

– Hoạt động du lịch có thể làm suy giảm, nghèo kiệt một số tài nguyên thiên nhiên, gây mất cân bằng sinh thái, suy giảm đa dạng sinh học, làm giảm hiệu quả hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học. Đặc biệt, hoạt động du lịch ẩm thực, hoạt động du lịch với mục đích giải trí, săn bắn là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới suy giảm, tuyệt chủng một số loài động vật quỷ hiếm…

– Hoạt động du lịch có thể xả thải vào môi trường nhiều loại chất thải khác nhau, từ chất thải sinh hoạt cho tới chất thải từ các phương tiện giao thông vận tải phục vụ du lịch đã gây ra ảnh hưởng xấu tới môi trường nói chung, ảnh hưởng xấu tới đa dạng sinh học nói riêng. Bởi lẽ, những loại chất thải này có thể làm giảm vẻ đẹp của một số khu bảo tồn cảnh quan và hạn chế sự phát triển của một số loài sinh vật cần bảo tồn.

– Hoạt động du lịch là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc xuất hiện các loài ngoại lai xâm hại, làm mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng xấu tới hiệu quả công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Như chúng ta đã biết loài ngoại lai xâm hại là loài ngoại lai lấn chiếm nơi sinh sống, hoặc gây hại đối với các loài sinh vật bản địa, làm mất cân bằng sinh thái tại nơi chúng xuất hiện và phát triển. Những loài ngoại lai này thường xuất hiện ở nơi mới do khách du lịch đem đến trong hoạt động du lịch. Ví dụ như việc xuất hiện rùa tai đỏ, cá hổ pirana ở Việt Nam trong thời gian qua.

– Hoạt động du lịch dẫn tới việc xây dựng, phát triển các khu vui chơi, giải trí, các khách sạn, nhà hàng… tại các khu du lịch sinh thái (nhất là các khu bảo tồn) đã dẫn tới việc phá hủy cảnh quan thiên nhiên, làm giảm chất lượng môi trường sống của nhiều loài sinh vật, thu hẹp diện tích khu vực sinh sống của nhiều loài động vật quý hiếm dẫn tới tác động tiêu cực tới đa dạng sinh học và bảo tồn đa dạng sinh học.

– Bên cạnh những tác động tiêu cực nêu trên thì hoạt động du lịch cũng có tác động tích cực nhất định tới đa dạng sinh học và bảo tồn đa dạng sinh học. Điều này thể hiện ở chỗ nhờ có hoạt động du lịch mà các khu bảo tồn đa dạng sinh học, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học có thể phát huy các lợi thế, các tiềm năng về mặt kinh tế, qua đó thúc đẩy hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học ngày càng được thực hiện một cách tự giác hơn và mang tính xã hội hóa hơn. Mặt khác, nhờ có hoạt động du lịch mà nhà nước và các tổ chức cá nhân liên quan có thêm các nguồn kinh phí để đầu tư cho bảo tồn đa dạng sinh học, giúp cho hoạt động này được thực hiện một cách hiệu quả hơn.

2. Pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam hiện nay.

Nội dụng của pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam rất phong phú, điều chỉnh  nhiều quan hệ xã hội khác nhau liên quan tới bảo tồn đa dạng sinh học. Tuy nhiên, trong phạm vi chuyên đề này việc tiếp cận bảo tồn đa dạng sinh học được đặt  trong mối quan hệ với hoạt động du lịch nên chúng tôi  chỉ phân tích, đánh giá các quy định pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học có vai trò quan trọng đối với hoạt động du lịch.

2.1.  Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học

Để ngăn chặn các hành vi gây hại tới đa dạng sinh học, bảo tồn đa dạng sinh học được hiệu quả, Luật đa dạng sinh học 2008 đã quy định các hành vi bị nghiêm cấm ( điều 7 Luật đa dạng sinh học 2008 ) như : Săn bắt, đánh bắt, khai thác loài hoang dã trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn; Xây dựng công trình, nhà ở trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn; Săn bắt, đánh bắt, khai thác bộ phận cơ thể, giết, tiêu thụ, vận chuyển, mua, bán trái phép loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; quảng cáo, tiếp thị, tiêu thụ trái phép sản phẩm có nguồn gốc từ loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; Nhập khẩu, phát triển loài ngoại lai xâm hại… Với quy định này, Luật Đa dạng sinh học năm 2008 đã đặt ra ranh giới rõ ràng để ngăn chặn các hành vi gây tổn hại tới tài nguyên đa dạng sinh học. Các tổ chức, cá nhân phải tuân thủ các điều cấm nói trên để góp phần bảo tồn đa dạng sinh học trong mọi hoạt động, trong đó có hoạt động du lịch.

2.2  Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên

Trong quá trình bảo tồn đa dạng sinh học, nhà nước đã thành lập và quản lý các khu bảo tồn nhằm phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên, qua đó góp phần phát triển kinh tế xã hội nói chung, góp phần phát triển kinh tế du lịch nói riêng. Theo quy định của Luật Đa dạng sinh học năm 2008 thì khu bảo tồn bao gồm: Vườn quốc gia; Khu dự trữ thiên nhiên; Khu bảo tồn loài – sinh cảnh; Khu bảo vệ cảnh quan (Điều 16 Luật Đa dạng sinh học năm 2008). Việc thành lập và quản lý các khu bảo tồn  cùng với việc bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật quý hiếm (xem Điều 41, 42 Luật Đa dạng sinh học năm 2008) vừa có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, vừa góp phần hình thành nên các khu du lịch, các điểm du lịch với hệ sinh thái, cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn thu hút khách du lịch đến tham quan, giải trí. Đây chính là một sự kết hợp hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học với phát triển kinh tế du lịch.

2.3. Thành lập, quản lý cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học.

Cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học được thành lập nhằm mục đích bảo tồn đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái, bao gồm: (1) Cơ sở nuôi, trồng loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; (2) Cơ sở cứu hộ loài hoang dã; (3) Cơ sở lưu giữ giống cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật và nấm đặc hữu, nguy cấp, quý, hiếm có giá trị đặc biệt về khoa học, y tế, kinh tế, sinh thái, cảnh quan, môi trường hoặc văn hóa – lịch sử; (4) Cơ sở lưu giữ, bảo quản nguồn gen và mẫu vật di truyền (xem Điều 42 Luật Đa dạng sinh học năm 2008). Cùng với việc quy định về điều kiện thành lập, quản lý cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học cũng như quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân quản lý cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học thì Luật Đa dạng sinh học năm 2008 còn quy định về bảo vệ giống cây trồng, vật nuôi đặc hữu hoặc có giá trị, đang bị đe dọa tuyệt chủng (xem Điều 48 Luật Đa dạng sinh học năm 2008). Những quy định này vừa góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, vừa góp phần hình thành nên các điểm du lịch hấp dẫn, đặc biệt với việc quy định các quyền, nghĩa vụ cho người quản lý cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học trong đó tạo điều kiện cho họ có thể khai thác một cách hợp lý các lợi ích kinh tế từ cơ sở bảo tồn đã thúc đẩy các tổ chức, cá nhân kết hợp hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học với phát triển kinh tế (trong đó có kinh tế du lịch) để nâng cao thu nhập cho mình.

2.4. Kiểm soát loài ngoại lai xâm hại.

Một trong những tác động của hoạt động du lịch tới bảo tồn đa dạng sinh học đó là việc khách du lịch có thể phát tán một số loài ngoại lai xâm lại vào môi trường bản địa, gây ảnh hưởng xấu tới đa dạng sinh học. Pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học đã có những quy định nhằm kiểm soát, hạn chế, loại trừ các loài ngoại lai xâm hại vào môi trường Việt Nam với những nội dung cụ thể như:

– Điều tra và lập Danh mục loài ngoại lai xâm hại (Điều 50 Luật Đa dạng sinh học năm 2008);

– Kiểm soát việc nhập khẩu loài ngoại lai xâm hại, sự xâm nhập từ bên ngoài của loài ngoại lai (Điều 51 Luật đa dạng sinh học năm 2008);

– Kiểm soát việc nuôi trồng loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại (Điều 52 Luật Đa dạng sinh học năm 2008);

– Kiểm soát sự lây lan, phát triển của loài ngoại lai xâm hại (Điều 53 Luật Đa dạng sinh học năm 2008);

– Công khai thông tin về loài ngoại lai xâm hại (Điều 54 Luật Đa dạng sinh học năm 2008).

Những quy định  này không chỉ kiểm soát được sự xâm lấn của loài ngoại lai xâm hại vào môi trường bản địa từ nhiều nguồn khác nhau (trong đó có nguồn từ khách du lịch), mà còn kiểm soát được các hoạt động nuôi trồng, phát triển các loài ngoại lai xâm hại (đặc biệt ở một số điểm du lịch có thể nuôi trồng, phát triển loài ngoại lai xâm hại  thỏa mãn sự tò mò hiếu kỳ của khách du lịch). Qua đó, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học nói chung, bảo tồn đa dạng sinh học trong lĩnh vực du lịch nói riêng.

3. Các giải pháp phát triển, bảo tồn đa dạng sinh học trong lĩnh vực du lịch.

Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá về thực trạng đa dạng sinh học ở Việt Nam, mối quan hệ tác động qua lại giữa hoạt động du lịch và bảo tồn đa dạng sinh học cũng như pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học hiện hành (xét trong mối quan hệ với hoạt động du lịch) có thể đưa ra một số giải pháp để phát triển, bảo tồn đa dạng sinh học trong lĩnh vực du lịch ở Việt Nam như sau

Thứ nhất, tăng cường việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học của cộng đồng nói chung, của khách du lịch nói riêng. Đặc biệt ở những khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch có tài nguyên du lịch là một bộ phận tài nguyên thuộc bảo tồn đa dạng sinh học, thì cần có các biển cảnh báo, các thông báo, pano, apphich, tuyên truyền về các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học trong đó phải phổ biến các hành vi bị nghiêm cấm cũng như các hành vi được khuyến khích trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, mục đích, ý nghĩa của bảo tồn đa dạng sinh học…

Thứ hai, nâng cao ý thức pháp luật về  bảo tồn đa dạng sinh học. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các tổ chức, cá nhân liên quan như Hội bảo vệ môi trường thiên nhiên, Hiệp hội du lịch cần mở các lớp tập huấn về pháp luật bảo tồn đa dạng sinh học cho các hướng dẫn viên du lịch, cộng đồng dân cư ở các khu du lịch sinh thái, Ban quản lý các khu bảo tồn, người quản lý cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học để các đối tượng này nắm vững pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học và có thể vận dụng một cách phù hợp, hiệu quả trong quá trình triển  khai hoạt động du lịch.

Thứ ba, tăng cường sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các hoạt động du lịch có nguy cơ ảnh hưởng tới đa dạng sinh học như các hoạt động du lịch ở các khu bảo tồn thiên nhiên có thể dẫn tới việc khai thác trái phép động, thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm (nhất là săn bắn động vật quý hiếm). Giải pháp này đòi hỏi sự phối hợp giữa UBND cấp xã với lực lượng kiểm lâm, Ban quản lý các khu bảo tồn, người quản lý cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học để có thể phát hiện, ngăn chặn xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học trong lĩnh vực du lịch.

Thứ tư, cần có sự kết hợp hài hòa giữa hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học và hoạt động du lịch, có cơ chế rõ ràng về việc sử dụng nguồn tài chính thu được từ du lịch ở những khu bảo tồn thiên nhiên, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học để một mặt vừa đáp ứng lợi ích kinh tế của các chủ thể quản lý các khu bảo tồn, cơ sở bảo tồn này; mặt khác, đáp ứng được yêu cầu bảo tồn đa dạng sinh học nói chung, sử dụng nguồn tài chính để thúc đẩy bảo tồn đa dạng sinh học ở chính các khu bảo tồn, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học có phục vụ du lịch nói riêng. Cần có cơ chế phát triển các dịch vụ du lịch từ các khu bảo tồn (ví dụ Vườn quốc gia Cúc Phương,Vườn quốc gia Tam Đảo), cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học (các trại nuôi gấu, hổ, đà điểu…), cũng như các địa phương còn nuôi trồng, lưu giữ được các loài động, thực vật quý, hiếm, đặc hữu (ví dụ gà Đông tảo, Hưng Yên, chim Yến ở Đảo Yến Nha Trang, Khánh Hòa…) để những khu vực này phát huy được các tiềm năng kinh tế của đa dạng sinh học, dùng chính lợi ích kinh tế thu được để bảo tồn đa dạng sinh học.

Thứ năm: Xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học nói chung, vi phạm pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học trong lĩnh vực du lịch nói riêng để bảo đảm tính răn đe, ngăn chặn kịp thời các hành vi gây tổn hại tới đa dạng sinh học trong hoạt động du lịch, đồng thời buộc người vi phạm phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả bảo đảm khôi phục lại hiện trạng đa dạng sinh học đã bị xâm hại.

Theo ThS. Đặng Hoàng Sơn (Trường Đại học Luật Hà Nội)

http://khpl.moj.gov.vn


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bảo tồn đa dạng sinh học trong hoạt động du lịch ở Việt Nam hiện nay
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.