Bảo vệ môi trường để phát triển du lịch bền vững tại Tuyên Quang

Minh Anh (t/h)|21/12/2019 04:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) chú trọng phát triển du lịch bền vững góp phần bảo vệ môi trường, ngược lại bảo vệ môi trường cũng là nền tảng để phát triển du lịch.

Trong những năm qua, hoạt động du lịch của Tuyên Quang đã có sự chuyển biển tích cực. Lượng khách du lịch đến Tuyên Quang ngày càng tăng; hoạt động du lịch phát triển đã tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần gìn giữ và bảo vệ cảnh quan môi trường, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Lâm Bình là huyện miền núi, vùng sâu vùng xa của tỉnh Tuyên Quang, điều kiện phát triển kinh tế rất khó khăn. Tuy nhiên thời gian gần đây huyện đã có cách làm hay nhằm thay đổi cuộc sống nơi đây, đó là chú trọng phát triển du lịch đi liền với bảo vệ môi trường. Lâm Bình là một trong những huyện có độ che phủ rừng đạt trên 75%. Vùng lòng hồ Thủy điện Tuyên Quang rộng trên 8.000 ha. Lòng hồ với nhiều đảo nằm rải rác tạo nên khung cảnh thơ mộng và huyền bí hơn, vào mùa đông khi sương buông phủ mỗi sớm mai, nơi đây còn là nơi sinh sống, nuôi trồng của nhiều loài cá đặc sản, Lâm Bình được thiên nhiên ban tặng cho nhiều danh thắng đẹp.

Phát triển du lịch bền vững Tuyên Quang

Du khách đến đây được mãn nhãn ngắm nhìn 99 ngọn núi Thượng Lâm huyền thoại, nơi được coi là Vịnh Hạ Long cạn giữa đại ngàn. Phong cảnh, núi non Khuôn Hà, Lăng Can, Bình An, Thổ Bình, Hồng Quang, Xuân Lập, Phúc Yên; hòn Cọc Vài, Núi Đổ. Những con đèo uốn lượn quanh co giữa núi non trùng điệp.

Đặc biệt hơn nữa Lâm Bình mới phát hiện một quần thể hang động rộng lớn, nguyên sơ, hầu như chưa có dấu chân con người. Mỗi danh thắng nơi đây đều mang vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ, kỳ vĩ và chứa đựng những sự tích, huyền thoại gắn với sinh hoạt đời sống lâu đời của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Nhằm phát triển du lịch bền vững, thời gian qua, huyện Lâm Bình đã tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đảm bảo hài hòa với môi trường, không phá vỡ cảnh quan thiên nhiên.

Để thu hút khách du lịch, ngoài nghiên cứu, đầu tư thu hút các doanh nghiệp, Lâm Bình đã phát triển các loại hình du lịch như du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và nông nghiệp. Trong đó, huyện đã xây dựng các mô hình tham quan; khuyến khích người dân trồng, khai thác dịch vụ như homestay ở Lăng Can, Thượng Lâm, Khuôn Hà; thu hút du khách với những nông sản đặc trưng như rau bò khai, rau ngót rừng, trang trại lợn đen, lợn tên lửa…

Các địa phương, đơn vị trên địa bàn huyện đã đa dạng hóa cách tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức người dân. Tiêu biểu như: Lồng ghép qua các cuộc họp thôn, bản, lớp tập huấn, tuyên truyền qua loa phát thanh; vận động các đoàn thể vào cuộc hưởng ứng dọn dẹp vệ sinh môi trường để tạo ra phong trào lan tỏa trên địa bàn. Ông Chẩu Minh Vỹ, chủ homestay Anh Thế, thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can nói: “Nhiều năm nay du lịch phát triển đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Gia đình tôi hiện vừa làm nông nghiệp, vừa phát triển mô hình homestay, hàng năm đón hàng trăm lượt khách du lịch tới nghỉ dưỡng, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Thời gian qua, chúng tôi thường xuyên được tuyên truyền về bảo vệ môi trường. Được tuyên truyền, bản thân tôi luôn có ý thức phải giữ gìn vệ sinh môi trường, bên cạnh đó vận động bà con cùng tham gia dọn dẹp đường làng, ngõ xóm, tạo cảnh quan đẹp, môi trường sạch sẽ để thu hút khách du lịch”.

Với lượng khách du lịch lưu trú tại địa phương lên đến hơn 38.000 lượt khách/tháng, việc hạn chế rác thải nhựa từ hoạt động du lịch là điều hết sức cần thiết. Những năm qua, huyện đã xây dựng những tua du lịch “sạch”, nói không với rác thải nhựa để nâng cao chất lượng du lịch. Cụ thể là tại các điểm du lịch cộng đồng, du khách được sử dụng các dụng cụ sinh hoạt có nguồn gốc thiên nhiên từ tre, nứa, guột… Bà Triệu Thị Xướng, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm chia sẻ, việc sử dụng cốc làm từ tre, túi đan bằng nứa, bằng vải của bà con trong thôn, thay cho những vật dụng bằng nhựa và túi ni lông đã giúp cho du khách được trải nhiệm cuộc sống thực tế của đồng bào dân tộc Tày xưa. Không những thế còn góp phần giúp cho địa phương giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường và nâng cao chất lượng du lịch tại địa phương.

Ngoài ra, huyện còn phát triển du lịch mặt hồ, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng cùng với những lễ hội truyền thống như Lễ hội Lồng Tông của dân tộc Tày, lễ hội Nhảy Lửa của dân tộc Pà Thẻn… Trong quá trình phát triển du lịch bền vững, huyện Lâm Bình luôn xác định phải làm tốt công tác bảo vệ môi trường. Do đó, huyện đã ban hành quy chế về quản lý giá cả dịch vụ, bảo vệ môi trường, tổ chức hoạt động văn hóa tại các điểm tham quan du lịch trên địa bàn huyện, xây dựng hệ thống biển chỉ dẫn, quy định cụ thể về công tác vệ sinh môi trường tại các điểm tham quan du lịch và chế tài xử lý làm cơ sở cho việc xử lý vi phạm.

Bên cạnh đó, việc phát triển du lịch cần gắn chặt với bảo vệ môi trường vì du lịch dù ở hình thức nào cũng khai thác tối đa các cảnh quan, tài nguyên môi trường tự nhiên. Du lịch ngày càng phát triển đồng nghĩa với sự tác động đến môi trường ngày càng lớn. Nếu khai thác tốt, có biện pháp phục hồi, tái tạo tài nguyên sẽ nâng cao chất lượng du lịch, tạo sự thu hút, hấp dẫn du khách tới các điểm du lịch, thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Ngược lại, nếu khai thác không hợp lý, không cân nhắc bảo vệ môi trường sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. Như phá vỡ cân bằng sinh thái, giảm sút chất lượng du lịch cũng như chất lượng môi trường.

Minh Anh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bảo vệ môi trường để phát triển du lịch bền vững tại Tuyên Quang
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.