Bảo vệ môi trường không phải là nghiên cứu ra một công trình, mà chính là từ những hành động nhỏ của mỗi người trong cuộc sống

09/01/2018 02:29
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Tác phẩm đạt giải nhất cá nhân Cuộc thi Biến đổi khí hậu với Cuộc sống năm 2017

(Moitruong.net.vn) – “Cuộc thi “Biến đổi khí hậu với cuộc sống” là một cuộc thi thực sự ý nghĩa và thiết thực, mang đậm tính nhân văn. Điều đó thể hiện qua chính tính chất của cuộc thi, những hành động tuyên truyền bảo vệ môi trường thông qua các buổi Gala phát động và những chuyến thiện nguyện sẻ chia khó khăn với những gia đình chịu ảnh hưởng của thiên tai hay các em học sinh ở miền núi còn khó khăn” đó là chia sẻ của bạn Cung Thị Hồng Nhung, sinh viên -Trường Đại học Vinh. Sinh viên đạt giải nhất cá nhân Cuộc thi “Biến đổi khí hậu với cuộc sống” chủ đề “Lũ lụt, hạn hán và hành động của chúng ta” năm 2017.

>>>

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc, ông Hồ Ngọc Hải – Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam trao giải nhất cá nhân cho bạn Cung Thị Hồng Nhung

Sau buổi lễ trao giải cuộc thi “Biến đổi khí hậu với cuộc sống” chủ đề “Lũ lụt, hạn hán và hành động của chúng ta” năm 2017, được tổ chức ngày 24/12/2017 tại Hội trường lớn Bộ Tài nguyên và Môi trường. Chúng tôi đã dịp gặp lại bạn Cung Thị Hồng Nhung, sinh viên đạt giải nhất cá nhân để lắng nghe những chia sẻ, tâm sự của bạn về cuộc thi cùng với những khó khăn, thách thức khi bạn thực hiện tác phẩm dự thi “Mỗi con người – Một hành động – Một nhận thức”.

Biết đến Cuộc thi thông qua trang web của đoàn trường Đại học Vinh, sau đó là đến trang  diễn đàn của khoa Địa lí- QLTN. Khi tìm hiểu về Cuộc thi bạn biết đây là một sân chơi bổ ích cho sinh viên, nhất là với chủ đề của cuộc thi liên quan đến chuyên ngành bạn đang theo học. Mong muốn có thể áp dụng được những kiến thức trên giấy vào thực tế, bằng những giải pháp thiết thực có tính áp dụng cao trong thực tiễn đã thôi thúc bạn tìm hiểu về cuộc thi và tham gia. Bên cạnh đó, chứng kiến những đau thương mất mát của gia đình cũng như người dân Nghệ An do dự tàn ác của bão lũ trong cơn bão số 10, cũng là một phần lý do để bạn tham gia cuộc thi.

Ông Hồ Ngọc Hải – Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, ông Nguyễn Văn Toàn – Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống chụp ảnh lưu niệm cùng Top 10 tác phẩm xuất sắc vào vòng chung kết Cuộc thi “Biến đổi khí hậu với cuộc sống”

Là sinh viên khoa địa, trực tiếp được học và biết về sự thay đổi hiện nay của trái đất do Biến đổi khí hậu (BĐKH). Theo đó, khi biết về cuộc thi, bạn đã ý thức được tính cấp thiết, tính nóng bỏng của BĐKH, đơn cử là thiên tai diễn ra ngày càng nhiều, trái quy luật với nhiều hình thái, với những biểu hiện khác nhau khiến chúng ta không thể dự đoán trước diễn biến, hậu quả khủng khiếp sẽ diễn ra như thế nào cho các vùng miền ở nước ta. Tiếp đến là vấn đề bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH ở nước ta mọi người chưa thực sự quan tâm, vẫn còn hời hợt, nhận thức về BĐKH còn hạn chế. 

Khi đưa ra giải pháp khắc phục sạt lở đất ở các tỉnh miền núi gồm:

Tiến hành khảo sát, đo đạc, lập bản đồ khoanh vùng các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, những nơi có địa chât không ổn định ở các tỉnh miền núi (sử dụng công nghệ Gis – Viễn thám để tiến hành).

Khi đã tìm được những nơi khoanh vùng nguy hiểm có nguy cơ sạt lở vơi các mức độ khác nhau thì tiến hành lập bản đồ sử dụng đất với mục đích bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ và phát triển hệ thống thảm thực vật. Ví dụ những cánh rừng nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở đất thì cần phải bảo vệ, nghiêm cấm việc chặt phá.

Sửa bề mặt mái dốc (tức là làm thay đổi hình dạng bên ngoài của mái dốc) với mục đích đưa nó về trạng thái cân bằng (trạng thái ổn định) để hạn chế khả năng trượt. Có hai cách thực hiện: Làm nhẹ tải trọng phần trên của mái dốc như hạ thấp mái dốc, làm thoải mái dốc, tạo nhiều bậc thang theo sườn dốc.

Xây dựng hệ thống các rãnh thoát nước ở các độ cao khác nhau. Ðối với một số điểm trượt lớn, phức tạp, việc xây dựng bao gồm rãnh đỉnh, rãnh dọc, bậc nước, máng dốc nước và cống thoát nước cần được kiên cố hóa

Xây dựng hệ thống cảnh báo lũ quét, lũ bùn đá, trượt lở dựa trên cơ sở nghiên cứu về địa chất, địa hình và khí tượng (lượng mưa)…để kịp thời phát hiện, thông báo và có những phương án di dời dân cư tránh những thiệt hại đáng tiếc về người như trận sạt lở vừa qua.

Tuyên truyền, thay đổi phong tục xây nhà sát các dãy núi cao, có nguy cơ sạt lở đối với đồng bào dân tộc thiểu số, có các chính sách định canh định cư cho họ,và lưu ý là khi thực hiện định canh định cư cần gắn liền với nơi sản xuất, gắn liền với kê sinh nhai của họ tránh trường hợp bỏ ra hàng tỉ đồng xây nhà sau đó lại không ở do ảnh hưởng tới kế sinh nhai và nơi sản xuất kinh tế chính.

Để đưa ra những giải pháp có tính thiết thực và áp dụng vào thực tiễn, bạn Nhung đã phải cân nhắc rất nhiều về hiệu quả của giải pháp. Theo đó, bạn đã phải tìm hiểu về quá trình hoạt động của sạt lở đất khi địa chất bên trong không ổn định, chịu tác động mạnh mẽ của ngoại lực đặc biệt là mưa lớn trong 1 khoảng thời gian khi không có bề mặt thảm thực vật che chắn và có khả năng giữ đất bằng các thực nghiệm nhỏ. Kết hợp với phần mềm Mapinfow – phần mềm đo đạc và khoanh vùng bản đồ mà bạn đang được học và tổng hợp các thông tin thời sự liên quan đến định canh định cư cho người dân.

Bạn Nhung chụp ảnh lưu niệm cùng BTC Cuộc thi và các bạn sinh viên TOP 10 ra nhận giải thưởng tại Ga Hà Nội

Với những giải pháp đưa ra, bạn thực sự vui mừng khi được BTC cuộc thi đánh giá cao và khả năng áp dụng được thực tiễn cao. Đó là chính là thành công mà bạn mong muốn thông qua cuộc thi có thể góp một phần sức lực của tuổi trẻ vào việc hạn chế ảnh hưởng của BĐKH, trực tiếp là tình trạng sạt lở đất đang gây ra cho người dân vùng núi Việt Nam.

“Mỗi người phải thật sự có ý thức, trách nhiệm đối với môi trường, đừng nghĩ rằng bảo vệ môi trường là phải nghiên cứu ra một công trình, một máy móc hiện đại nào đó hay đó là việc của các chuyên gia, các kỹ sư hay của pháp luật mà đơn giản bằng chính những hành động nhỏ nhặt và cụ thể hàng ngày như bạn ăn xong một gói bánh mì, một túi kẹo bạn không vứt nó xuống lề phố, xuống phòng học 1 cách vô ý thức mà bạn biết gom lại bỏ nó vào sọt rác một cách nhân văn là đã góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta” chính là những thông điệp thông qua cuộc thi mà bạn Cung Thị Hồng Nhung muốn gửi gắm đến tất cả mọi người trong xã hội.

Hướng Dương

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bảo vệ môi trường không phải là nghiên cứu ra một công trình, mà chính là từ những hành động nhỏ của mỗi người trong cuộc sống
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.