Bảo vệ môi trường trong quản lý, vận hành hồ chứa quặng đuôi

Hoàng Anh|23/10/2022 12:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Ngày 21/10/2022, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Cục ATMT) phối hợp với Sở Công Thương Lào Cai, Viện Khoa học và Công nghệ mỏ - Luyện kim và các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo Bảo vệ môi trường trong quản lý vận hành các hồ chứa quặng đuôi trong hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản.

Theo thống kê, cả nước có khoảng 120 hồ chứa quặng đuôi đang hoạt động trên địa bàn 16/63 tỉnh, thành phố. Phần lớn các hồ, đập chứa quặng đuôi nằm trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc, như: Yên Bái, Bắc Kạn, Hà Giang, Lào Cai.

Các hồ chứa có dung tích đa dạng từ vài chục nghìn đến hàng triệu m3, tuỳ thuộc vào công suất khai thác mỏ. Trên cả nước hiện có 10 hồ có dung tích trên 1 triệu m3; 38% các đập khảo sát được xây dựng bằng đất, 32% sử dụng kết hợp vật liệu đất, đá, bê tông, số lượng các đập xây bằng bê tông và đá hộc chỉ chiếm tương ứng 5% và 3%; 20/120 đập chắn được nâng chiều cao nhưng 70% đập được nâng chiều cao không lập phương án thiết kế, các trường hợp còn lại đều do chủ đầu tư tự lập và phê duyệt; 39% doanh nghiệp không lập kế hoạch vận hành, bảo trì đập và hồ chứa trong quá trình sản xuất.

hoi-thao.jpg
Toàn cảnh Hội thảo

Do chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế hồ, đập chứa quặng đuôi nên hầu hết hồ, đập hiện tại được thiết kế, xây dựng vận dụng các quy định đối với hồ, đập chứa nước. Thực tế cho thấy, quá trình vận hành hồ, đập chứa quặng đuôi gây ra nhiều sự cố về an toàn và môi trường (mặc dù đều được xây dựng theo đúng thiết kế được phê duyệt ban đầu). Khi xảy ra sự cố thì doanh nghiệp, cơ quan quản lý đều bị động, không rõ trách nhiệm quản lý thuộc về cơ quan nào và không có phương án chủ động ứng phó sự cố kịp thời.

Để tăng cường năng lực về bảo vệ môi trường nói chung và công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hồ chứa quặng đuôi nói riêng, ngày 30/11/2020, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 41/2020/TT-BCT quy định về quản lý vận hành hồ chứa quặng đuôi trong hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 01/02/2021.

Ông Đinh Văn Tôn - Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp cho biết, trên thực tế đã xảy ra nhiều sự cố liên quan đến hồ chứa quặng đuôi. Trong khi đó chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về quản lý an toàn các hồ chứa quặng đuôi, từ lựa chọn vị trí, thiết kế, xây dựng, vận hành đến cải tạo, phục hồi môi trường các hồ thải.

Bên cạnh đó, các quy định pháp luật hiện tại (bao gồm Luật Bảo vệ môi trường 2014, Nghị định 40/2019/NĐCP, Thông tư 26/2016/TT-BCT, Báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án) mới chỉ quy định chung chung ở khâu thiết kế, xây dựng ban đầu (Khoản 2, Điều 52a, Nghị định 40). Nghị định 98/2017/NĐ-CP thì lĩnh vực công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương. Vì vậy, việc xây dựng Thông tư 41/2020/TT-BCT rất cần thiết, để đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn và công tác quản lý nhà nước vận hành an toàn hồ chứa quặng đuôi trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản.

Tham luận về “Quản lý môi trường trong hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản” bên cạnh đưa ra hiện trạng và giải pháp quản lý môi trường trong hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản, ThS. Nguyễn Thị Lài – Viện Khoa học và Công nghệ mỏ - Luyện kim đồng thời đưa ra đề xuất về các giải pháp tái sử dụng chất thải mỏ Việt Nam dựa trên căn cứ đặc tính của từng loại chất thải mỏ (thông thường, nguy hại, có nguy cơ nguy hại) bao gồm Tái sử dụng nước thải, chất thải rắn…quay trở lại sản xuất, qua đó tiết kiệm tài nguyên giảm lượng thải ra môi trường.

Trình bày về Thực trạng và các quy định pháp luật cũng như kinh nghiệm thiết kế hồ đập chứa quặng đuôi trong hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản, ThS Nguyễn Thị Thu, Viện Khoa học và Công nghệ mỏ - Luyện kim giới thiệu chia sẻ kinh nghiệm trong thiết kế hồ chứa quặng đuôi, về các mô hình công trình hồ thải trong thực tiễn.

Ông Đào Duy Anh Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Mỏ - Luyện kim trong khai thác và chế biến khoáng sản có nhiều loại hình khoáng sản khác nhau và theo đó quặng đuôi cũng khác nhau và được phân ra là chất thải thông thường, nguy hại hay có khả năng sinh ra chất thải nguy hại.

Theo ông Đào Duy Anh cần căn cứ vào các đặc điểm phân loại để thiết kế các hồ đập thải và không phải hồ đập nào cũng thực hiện được việc thoát nước, bởi với hồ lưu giữ chất thải nguy hại thì quy định phải có lớp chống thấm ngăn không cho nước thoát ra ngoài gây ảnh hướng đến môi trường …

Bên cạnh trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý vận hành hồ thải, chia sẻ giải đáp các vướng mắc trong thực hiện Thông tư 41, tại Hội thảo đa số các đại biểu đều quan tâm và đề xuất sớm ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn về hồ thải để thuận tiện cho doanh nghiệp cũng như công tác quản lý giám sát vận hành hồ, qua đó giảm thiểu các nguy cơ sảy ra sự cố, mất an toàn…

Kết luận hội thảo đại diện Cục ATMT cho biết sẽ tổng hợp các ý kiến báo cáo lãnh đạo Bộ Công Thương đồng thời kiến nghị Bộ chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện nhằm sớm ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn để có cơ sở áp dụng…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bảo vệ môi trường trong quản lý, vận hành hồ chứa quặng đuôi