Theo hãng tin Reuters ngày 6-8 đưa tin hạn hán đã đẩy mực nước trong một con đập ở miền trung Thái Lan xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua, những gì còn lại của ngôi chùa Wat Nong Bua Yai bị nhấn chìm trong quá trình xây dựng đập cách đây 20 năm, đã xuất hiện trở lại trên mặt đất khô.
Reuters không cung cấp thông tin chi tiết về con đập này nhưng qua tra cứu, có vẻ con đập có tên là Pa Sak Jolasid thuộc tỉnh Lopburi. Đập có dung tích 960 triệu m3 và hoạt động từ 1999 đến nay.
Theo Reuters, lượng nước trong đập chỉ còn khoảng 3%, đủ để cho phép các tín đồ Phật giáo, bao gồm các nhà sư cùng cả những người hiếu kỳ đến xem và bày tỏ lòng tôn kính trước bức tượng Phật không đầu cao 4m của chùa Wat Nong Bua Yai.
Người dân đến thăm tàn tích còn sót lại của chùa Wat Nong Bua Yai khi mực nước đập xuống thấp vì hạn hán tại Thái Lan – Ảnh: REUTERS
Ngôi chùa có nhiều chỗ sụp đổ, nằm trên mặt đất khô cằn nứt nẻ. Có thể dễ dàng nhìn thấy xác cá chết cùng hoa và nhang đèn của khách thập phương để lại. “Bình thường ngôi chùa chìm dưới nước. Vào mùa mưa bạn không thể thấy gì” – Somchai Ornchawiang (67 tuổi), một trong những người đến tham quan chùa, chia sẻ.
Ông Somchai thấy tiếc khi ngôi chùa bị nhận chìm trong đập chứa nước của tỉnh Lopburi. Tuy nhiên hiện ông thấy lo lắng về tác động của hạn hán đối với nông dân Thái Lan hơn.
Con đập, có sức chứa 960 triệu mét khối, thường dùng để tưới tiêu cho hơn 526.000ha đất nông nghiệp ở 4 tỉnh của Thái Lan. Tuy nhiên hạn hán đã khiến nguồn nước cạn kiệt và chỉ có thể đủ tưới cho 1.214ha đất nông nghiệp của tỉnh Lopburi.
Đài Khí tượng Thái Lan cho biết nước này đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vòng một thập kỷ qua. Mực nước tại các con đập trên toàn quốc đang giảm rất thấp so với mức trung bình hằng tháng.
Yotin Lopnikorn (38 tuổi), trưởng làng Nong Bua gần ngôi chùa, nhớ lại thời trẻ từng đến chùa chơi cùng bạn bè trước khi người dân buộc phải rời đi vì xây đập. “Khi còn trẻ, tôi luôn cùng bạn bè đến nơi có các tác phẩm điêu khắc voi trước cửa chính của chùa để chơi ở đó” – Yotin nhớ lại.
Vào thời điểm đó, ngôi chùa là trung tâm của cộng đồng, là nơi tiến hành các nghi lễ, lễ hội và các hoạt động giáo dục bên cạnh chức năng là một sân chơi cho trẻ con.
“Bây giờ tôi nghĩ rằng chúng tôi cần phải lưu giữ lại nơi này” – Yotin chia sẻ.
Hương Quỳnh (T/h)