Bệnh nhân tái mắc COVID-19 có nguy cơ nhập viện cao gấp ba lần so với người lần đầu nhiễm bệnh

Lan Anh|16/11/2022 09:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

So với người chỉ mắc COVID-19 một lần, người tái mắc COVID-19 có gấp 3,5 lần nguy cơ mắc các vấn đề về phổi, có gấp 3 lần nguy cơ mắc bệnh tim và nguy cơ bị rối loạn thần kinh cao hơn 60%.

covid-19.jpg
Nghiên cứu mới về COVID-19 chỉ ra, tái mắc bệnh nguy hiểm hơn lần đầu.

Đây là kết quả của nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Y khoa Washington vừa được công bố.

Tiến sĩ Ziyad Al-Aly thuộc Trường Đại học Y khoa Washington ở St. Louis nói: "Tình trạng COVID-19 hồi sinh làm tăng nguy cơ rõ ràng cả ở những người mắc bệnh và nhiễm COVID-19 kéo dài. Điều này đều được thể hiện rõ ở người chưa được tiêm chủng, đã tiêm chủng và đã tiêm mũi tăng cường".

Các chuyên gia tại Ðại học Washington đã đưa ra kết luận trên sau khi phân tích hồ sơ y khoa của hơn 443.500 bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 một lần, gần 41.000 bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 ít nhất 2 lần và 5,3 triệu người chưa từng nhiễm virus này. Ða số đối tượng đều là nam giới và chưa có trường hợp nào mắc COVID-19 từ 5 lần trở lên.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng các mô hình để đánh giá nguy cơ sức khỏe của việc tái nhiễm SARS-CoV-2 trong vòng 30 ngày cho đến 6 tháng sau khi nhiễm SARS-CoV-2 lần đầu tiên. Kết quả phân tích cuối cùng cho thấy những bệnh nhân tái mắc COVID-19 có gấp đôi nguy cơ tử vong và gấp 3 nguy cơ nhập viện so với người chỉ mắc COVID-19 một lần. Họ cũng có nguy cơ cao gặp các vấn đề về phổi, tim, máu, thận, tiểu đường, sức khỏe tâm thần, các rối loạn thần kinh, xương và cơ.

Cụ thể, so với người chỉ mắc COVID-19 một lần, người tái mắc COVID-19 có gấp 3,5 lần nguy cơ mắc các vấn đề về phổi, có gấp 3 lần nguy cơ mắc bệnh tim và nguy cơ bị rối loạn thần kinh cao hơn 60%. Những nguy cơ này xuất hiện rõ nhất trong tháng đầu tiên sau khi tái nhiễm và hiện hữu trong 6 tháng sau đó. Ðáng lo ngại, các nhà nghiên cứu cho biết rủi ro sức khỏe do tái mắc COVID-19 cũng tăng theo số lần nhiễm bệnh, dù là nhiễm biến thể nào trong số Delta, Omicron và BA.5.

Theo các chuyên gia không tham gia vào nghiên cứu, những người trong hồ sơ của Bộ Cựu chiến binh Hoa Kỳ không phản ánh dân số nói chung.

John Moore, giáo sư vi sinh và miễn dịch học tại Đại học Y Weill Cornell ở New York, xác nhận, bệnh nhân tại các cơ sở dữ liệu y tế của Bộ Cựu chiến binh Hoa Kỳ thường là những người lớn tuổi, ốm yếu hơn và chủ yếu là nam giới.

Các nhà nghiên cứu cho biết, rủi ro tích lũy và gánh nặng của việc nhiễm COVID-19 lặp đi lặp lại tăng lên cùng với số lượng người mắc bệnh, ngay cả sau khi tính đến sự khác biệt đối với các biến thể COVID-19 như Delta, Omicron và BA.5.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Celine Gounder, một nhà dịch tễ học về bệnh truyền nhiễm và là tổng biên tập của Kaiser Health News, dường như có một "tác động cố định với bệnh đa nhiễm trùng", với nguy cơ ít tăng lên sau lần nhiễm bệnh thứ hai.

Bà Gounder nói thêm: "Tin tốt là những người càng được bảo vệ bằng khả năng miễn dịch tốt hơn thì nguy cơ mắc một số biến chứng sẽ thấp hơn theo thời gian".

Tuy nhiên, Al-Aly cảnh báo rằng mọi người không nên mất cảnh giác. Ông nói thêm, trước kỳ nghỉ lễ cuối năm đang đến nhanh chóng với các chuyến du lịch và người dân tụ tập trong nhà, "mọi người nên biết rằng việc tái nhiễm mang tới những hậu quả và nên có biện pháp phòng ngừa".

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bệnh nhân tái mắc COVID-19 có nguy cơ nhập viện cao gấp ba lần so với người lần đầu nhiễm bệnh