Biến đổi khí hậu: Hàng trăm tuần lộc chết đói ở Bắc cực

Ngọc Ánh (T/h)|31/07/2019 03:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Hơn 200 con tuần lộc đã chết đồng loạt vì đói tại quần đảo Svalbard ở vùng Bắc Cực, thuộc lãnh thổ Na Uy nguyên nhân là biến đổi khí hậu.

Các nhà nghiên cứu của Viện Địa Cực Na Uy (NPI) đã tìm thấy rất nhiều xác của các loài động vật hoang dã trên các đảo vùng Bắc cực trong mùa hè này. Họ cho biết trong 40 năm theo dõi số lượng động vật, chưa bao giờ xảy ra hiện tượng “chết hàng loạt” như thế này.

Trưởng dự án Ashild Onvik Pedersen phát biểu trên truyền hình Na Uy (NRK): “Thật đáng sợ trước cảnh động vật chết hàng loạt như thế này. Đây là một ví dụ cho thấy biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến tự nhiên như thế nào. Thật đáng buồn!”

Theo trang Gulf News, ba nhà nghiên cứu từ Viện Địa cực Na Uy cho biết thảm họa “quy mô lớn chưa từng có” này là do biến đổi khí hậu đẩy loài tuần lộc vào tình trạng thiếu thức ăn nghiêm trọng, dẫn đến chết đói.

Các nhà khoa học phát hiện xác tuần lộc chết – Ảnh: NORSK POLARINSTITUTT

Nhà nghiên cứu Ashild Onvik Pedersen cho biết mưa lớn tại Svalbard hồi tháng 12-2018 đã khiến các loài động vật gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thức ăn. Tuần lộc thường gặm cỏ ở mọi nơi tại Svalbard và vào mùa đông loài động vật này thường đào bới tìm thức ăn tại vùng lãnh nguyên, chúng có thể đào xuyên tuyết nhưng không thể đào xuyên băng.

Báo cáo của Cơ quan quản lý Đại đương và Khí quyển cho biết, số lượng các loài tuần lộc đã giảm 56% chỉ trong hai thập kỷ gần đây. Nguyên nhân một phần là do thiếu thức ăn, ngoài ra mùa hè ấm lên còn có thể tăng nguy cơ nhiễm bệnh của các loài động vật nơi đây do ruồi và ký sinh trùng phát triển.

Nhiệt độ trung bình ở Longyearbyen đã tăng 3,7 độ C tính từ năm 1900, gấp hơn 3 lần so với nhiệt độ tăng trung bình của thế giới (khoảng 1 độ C).

Vào năm 2016, lối vào hầm lưu trữ hạt giống Doomsday – nơi lưu giữ hầu hết các loại hạt giống trên thế giới, đã bị ngập do mưa lớn.

Nhà nghiên cứu này cho biết tuần lộc là động vật ăn cỏ tại các vùng Bắc Cực. Nếu loài này biến mất, không đi kiếm ăn, không giẫm đạp lên các vùng cỏ và không thải ra phân hữu cơ cho các khu vực xung quanh thì khung cảnh sẽ hoàn toàn biến đổi.

Ngọc Ánh (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Biến đổi khí hậu: Hàng trăm tuần lộc chết đói ở Bắc cực