Bình Định: Hồi sinh vùng đất khát nhờ kênh tưới Thượng Sơn

Như Đồng|11/10/2021 11:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, yếu tố quyết định, quan trọng bậc nhất để hình thành nền sản xuất nông nghiệp phải kể đến nguồn nước. Nỗi khắc khoải của những diện tích đất nông nghiệp thường xuyên bị thiếu nước tưới trong mùa khô giờ như được thổi vào sức sống mới khi có kênh tưới Thượng Sơn đi qua.

Nhờ có kênh tưới nhiều vùng đất khô cằn, hoang hóa ở huyện Tây Sơn (Bình Định) như được hồi sinh

Chưa có năm nào vụ hè thu ở xã Tây Giang (huyện Tây Sơn, Bình Định) tưng bừng như năm nay, nông dân ra đồng sản xuất đầy tự tin chứ không còn vẻ thấp thỏm như trước đây. Bởi, đất Tây Giang có nhiều vùng sản xuất nông nghiệp không chủ động nước tưới, vào vụ hè thu có hàng chục ha đất phải bỏ hoang, vùng nào có nước gieo sạ thì cuối vụ cũng bị thiếu nước, năng suất rất bấp bênh. Thế nhưng từ khi kênh tưới Thượng Sơn đi ngang qua, vùng đất Tây Giang như được hồi sinh.

Theo ông Trần Đình Thọ, Giám đốc HTXNN Thượng Giang (xã Tây Giang), kênh tưới Thượng Sơn dẫn nước từ Nhà máy Thủy điện An Khê-Ka Nát ngang qua xã Bình Tường về đến xã Vĩnh An, đi ngang xã Tây Giang. Nhờ kênh tưới này mà hàng chục ha đất nông nghiệp ở HTXNN Thượng Giang xưa nay được nông dân mệnh danh là “vùng đất chết” giờ được hồi sinh.

“Trên địa bàn HTXNN Thượng Giang có 140ha diện tích canh tác lúa và 140ha sản xuất cây màu hàng năm. Trước đây, vào mùa khô do không có nước tưới nên mỗi năm HTX chỉ sản xuất được 120ha lúa, nhưng chỉ chắc ăn vụ đông xuân, chứ vụ hè thu thì hầu hết phó mặc cho trời. Năm nào có mưa thì nông dân còn có lúa ăn, năm nào hạn gắt thì nông dân ngậm ngùi cắt rạ về cho bò ăn. Đó là chưa kể nỗi khổ của bà con có ruộng bỏ hoang, lúa ăn không giáp hạt vì mỗi năm chỉ làm được 1 vụ đông xuân. Thế nhưng từ khi có kênh tưới Thượng Sơn đi qua, toàn bộ diện tích sản xuất nông nghiệp của HTX đều được cung cấp nước đầy đủ cả 2 vụ/năm”, ông Trần Định Thọ chia sẻ.

Ông Thọ phấn khởi cho biết thêm: Khi đã chủ động nước tưới, nông dân Thượng Giang còn tận dụng cả những diện tích đất gò đồi trồng đậu phộng (lạc). Riêng vụ hè thu 2021 vừa qua, nông dân Thượng Giang sản xuất được 40ha đậu phộng. “Vụ hè thu này năng suất đậu phộng cho đạt 3 tạ hạt tươi/sào (500m2), với giá bán hiện nay 12.000đ/kg hạt tươi, vị chi nông dân thu được 3,6 triệu đồng/sào/vụ, so với làm lúa lợi nhuận tăng hơn gấp đôi. Năm đầu tiên trồng đậu phộng mà thành quả đạt cao như vậy chắc chắn những năm sau diện tích cây đậu phộng trên địa bàn sẽ còn tăng cao”, ông Thọ cho hay.

Cây lúa và hoa màu, cây ăn quả được hưởng lợi từ kênh tưới Thượng Sơn

Cụ Trần Trung Tân (82 tuổi) ở thôn Thượng Giang 2 (xã Tây Giang), chia sẻ: “Trước đây, trong vụ hè thu ruộng của tôi chỉ ăn nước trời và nước của các hồ đầu nguồn. Thế nhưng để có nước dẫn vào ruộng, tôi phải thức trắng đêm mà nhiều khi không lấy được nước. Bởi, nước chưa chảy đến ruộng thì đã bị rò rỉ hết dọc đường, có năm phải bỏ đất hoang. Nhưng từ khi có kênh tưới Thượng Sơn, tôi cũng như nông dân ở đây không còn phải vất vả đi lấy nước nữa, sống cả đời nay tôi mới thấy được nguồn nước dồi dào như thế này”.

Không chỉ có cây lúa và cây màu hưởng lợi từ kênh tưới Thượng Sơn, đến cả cây ăn quả của nông dân cũng có nước tưới đầy đủ. Nông dân Nguyễn Ngọc Ánh ở thôn Thượng Gang 1 (xã Tây Giang), cho biết: “Hiện vườn cây của tôi có 350 cây thanh long và 200 cây quýt đường. Những năm trước đây, mùa khô năm nào tôi cũng vất vả bơm nước tưới cho vườn cây để chúng khỏi chết héo, nhưng cơ cực lắm mới có vẫn nước tưới. Cây ăn quả mà không được tưới nước đầy đủ sẽ bị ảnh hưởng ảnh hưởng đến năng suất. Từ khi kênh tưới Thượng Sơn đi vào hoạt động, gia đình tôi đỡ tốn chi phí bơm nước tưới cho vườn cây mà năng suất còn được đảm bảo”.

“Hệ thống kênh tưới Thượng Sơn có tổng mức đầu tư 432 tỷ đồng từ nguồn vốn vay Cơ quan Phát triển Pháp và vốn đối ứng của tỉnh Bình Định. Quy mô công trình gồm đập dâng đầu mối và 63km kênh, lấy nước từ kênh xả của thủy điện An Khê-Ka Nát phục vụ tưới cho 3.632ha đất sản xuất nông nghiệp của 7 xã, thị trấn phía Nam sông Kôn thuộc huyện Tây Sơn, gồm: Tây Xuân, Tây Phú, Tây Giang, Bình Tường, Tây Thuận, Bình Nghi, Vĩnh An và thị trấn Phú Phong. Sau khi hoàn thành giai đoạn 1 của dự án gồm 17km kênh chính và 22km kênh nhánh, đảm bảo cấp đủ nước tưới cho 1.768ha đất canh tác, Công ty TNHH Khai thác công trình Thủy lợi Bình Định, đơn vị được giao quản lý, khai thác kênh tưới Thượng Sơn, đã ký hợp đồng cung cấp nước tưới cho 505ha canh tác tại các xã Tây Thuận, Tây Giang, Bình Tường và Tây Phú”.

Như Đồng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: Hồi sinh vùng đất khát nhờ kênh tưới Thượng Sơn