(Moitruong.net.vn) – Dù UBND tỉnh Bình Định đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác, vận chuyển đất trái phép, nhưng tình trạng vi phạm vẫn diễn ra tràn lan, lộn xộn.
Nạn khai thác cát trên sông Côn làm thay đổi dòng chảy
Hoạt động khai thác, vận chuyển đất – cả “chính danh” lẫn tự phát – đã và đang diễn ra nhiều nơi với mức độ ngày càng tăng. Nhưng dường như chính quyền các địa phương chưa thật sự sâu sát trong việc kiểm tra, giám sát. Không ít lần người dân địa phương, dư luận đặt câu hỏi, liệu có “sân sau” nào “đỡ” thì việc khai thác trái phép diễn ra tràn lan, ngang nhiên đến như vậy?
Việc dư luận đặt vấn đề không phải không có cơ sở, bởi rất nhiều trường hợp, khi PV liên hệ với địa phương để phản ảnh hoạt động khai thác đất trái phép, hầu hết lãnh đạo (cấp xã, huyện) hoặc tỏ ra bất ngờ, hoặc cho rằng khó kiểm tra, xử lý vì các đối tượng lén lút hoạt động. Hầu hết đều khẳng định sẽ kiểm tra, xử lý tình trạng tận thu khoáng sản, nhưng xử lý đến đâu, ở mức độ thế nào thì không thấy câu trả lời cụ thể.
Thậm chí, dù văn bản UBND tỉnh đã nêu rõ,để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép thì Chủ tịch UBND cấp xã, huyện phải chịu trách nhiệm. Cũng đã có rất nhiều tổ công tác từ huyện đến tỉnh về thanh tra, kiểm tra thực tế nơi vi phạm.
Thông tin trên báo TNMT, ông Huỳnh Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở TN-MT Bình Định cho rằng: Việc nhận thức chưa đầy đủ trách nhiệm, vai trò trong quản lý hoạt động khai thác khoáng sản từ cấp cơ sở. Chính quyền một số nơi có tâm lý “trông chờ” hoặc “ỷ lại” việc quản lý, kiểm tra là trách nhiệm của Sở TN-MT. Công tác phát hiện, kiểm tra sự việc còn chậm, một số nơi còn đùn đẩy trách nhiệm. Trong khi lực lượng Thanh tra Sở TN-MT mỏng, địa bàn hoạt động nạn khai khoáng trái phép rộng nên. Đối tượng khai thác thường cử người theo dõi lực lượng kiểm tra, khi xuất quân đi thì họ nhanh chóng thu dọn công vụ vi phạm, di chuyển đi nơi khác. Đây là những nguyên nhân cơ bản tạo điều kiện cho nạn khai thác đất, cát trái phép diễn ra.
Theo ông Tạ Công Thượng, Trưởng phòng TN-MT huyện Phù Cát, hiện nay, tổ công tác của phòng đang phối hợp với các địa phương củng cố, hoàn tất hồ sơ để xử phạt hành chính một vài vụ khai thác đất, cát trái phép. Tuy vậy, nhìn chung công tác kiểm tra, xử lý gặp không ít khó khăn, trở ngại. Số vụ vi phạm phát hiện ít hơn so với thực tế”.
Từ năm 2017, cấp phép khai thác cát chỉ có thời hạn 2 năm
Đây là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu về chủ trương sắp tới của tỉnh nhằm hạn chế tình trạng khai thác thác khoáng sản trái phép, tận thu trên địa bàn tỉnh.
Lòng sông Lại Giang lồi lõm, biến dạng sau thời gian nạn cát tặc tung hoành
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu xác nhận: “Bốn con sông lớn của tỉnh là Hà Thanh, sông Côn, sông Lại Giang và La Tinh đều xảy ra rải rác tình trạng khai thác cát trái phép. Tuần rồi, tôi đã trực tiếp đi kiểm tra tại huyện Phù Mỹ và huyện Phù Cát. Đây là 2 địa phương mà tôi nhận không ít phản ảnh của người dân về việc khai thác cát trái phép. Đặc biệt, tại huyện Phù Mỹ, 3 xã Mỹ Hiệp, Mỹ An và Mỹ Tài là nơi để xảy ra hiện tượng khai thác trái phép tương đối nhiều. Tôi đã chỉ đạo Chủ tịch UBND huyện phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với chủ tịch UBND của 3 xã vì để xảy ra việc khai thác cát trái phép mà không xử lý, hoặc không báo cáo kịp thời cho cấp trên để có hướng chỉ đạo xử lý kịp thời”.
“Để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm trước, còn cơ quan chức năng của huyện, của tỉnh cũng phải tăng cường kiểm tra, giám sát. Bộ phận nào lơ là sẽ bị xử lý. Cá nhân hoặc doanh nghiệp nào khai thác trái phép phải xử lý kiên quyết theo quy định pháp luật. Các giấy phép khai thác cát được cấp phép trước đây có thời gian cho khai thác tương đối dài. Vì vậy, từ năm 2017 trở đi, giấy phép khai thác chỉ cho phép khai thác trong thời hạn 2 năm”, ông Châu cho biết.
“Hiện đang vào mùa cao điểm xây dựng, nhu cầu cát xây dựng rất lớn, nên tình trạng khai thác cát trái phép trong thời gian tới sẽ còn diễn ra. Để ngăn chặn, giải quyết kịp thời hiện trạng này, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã yêu cầu Công an tỉnh vào cuộc điều tra, truy quét, xử lý các đối tượng vi phạm. Đối với tình trạng khai thác đất sét trái phép, UBND tỉnh đã chỉ đạo chính quyền các địa phương, ngành chức năng có liên quan vào cuộc, khẩn trương kiểm tra, có biện pháp ngăn chặn, xử lý. Địa phương nào để xảy ra khai thác đất, cát thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh”, ông Châu nhấn mạnh.
Vấn đề làm sao hạn chế nạn khai thác cát ảnh hưởng đến công trình thủy lợi, ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Công ty TNHH Công trình thủy lợi Bình Định, kiến nghị: “Đối với các đập lớn và đã bị xói sâu gồm đập Lại Giang, Văn Phong, Lão Tâm, Bình Thạnh, Bảy Yển, Thạch Đề, Thạnh Hòa 1, Cây Gai, Cây Ké, Văn Mối và Thông Chín thì thượng lưu khai thác cát phải cách đập ít nhất 3 km, hạ lưu phải cách đập ít nhất 5 km. Đối với các đập nhỏ, ít bị xói mòn hơn như đạp Thạnh Hòa II, An Thuận, Đập Cát, Nha Phu, Hạ Bạc, Cây Bứa, Thuận Hạt, Tháp Mão, Đồng Lợi, thì: Thượng lưu phải cách đập ít nhất 2 km, hạ lưu phải cách đập ít nhất 4 km”.
Hoàng Nguyên