Bình Thuận: Đường tránh QL 55 xuống cấp và nguy cơ thất thoát tài sản Nhà nước từ việc làm của Sở Giao thông vận tải

14/06/2020 12:19
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Tuyến đường tránh Quốc lộ 55 đoạn qua thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân, Bình Thuận xuống cấp nghiêm trọng khiến người dân và các phương tiện đi lại hết sức khó khăn, người dân mong muốn các cơ quan chức năng sớm khắc phục tình trạng xuống cấp và phải làm rõ, xử lý nghiêm sai phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Như chúng tôi đã đưa tin, ngày 1/4/2020, UBND tỉnh Bình Thuận có Quyết định số 793/QĐ-UBND về việc thanh tra chất lượng tuyến đường tránh Quốc lộ 55 đoạn qua thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân và việc quản lý, sử dụng chi phí quản lý dự án của các dự án do Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư giai đoạn 2013 – 2016.

Thời hạn thanh tra là 45 ngày, kể từ ngày công bố quyết định thanh tra. Đoàn thanh tra do ông Trần Văn Hải – Chánh Thanh tra tỉnh Bình Thuận làm Trưởng đoàn.

Hiện tại, theo nguồn tin của phóng viên, Trưởng đoàn Thanh tra đã có báo cáo kết quả thanh tra gửi UBND tỉnh Bình Thuận về việc quản lý, sử dụng chi phí quản lý dự án của các dự án do Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư giai đoạn 2013 – 2016. Ông Phạm Văn Nam thời còn làm Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bình Thuận ký văn bản ”đòi” phần trăm chi phí quản lý dự án

Tuy nhiên, báo cáo có nhiều điểm áp dụng quy định pháp luật không thống nhất. Đơn cử như việc xác định Trung tâm quản lý dự án và tư vấn xây dựng công trình giao thông (gọi tắt là Trung tâm, nay đổi tên là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông) là Ban Quản lý dự án nhóm 2 theo Thông tư số 05/2014/TT-BTC ngày 6/1/2014 của Bộ Tài chính nhưng lại áp dụng quy định về quản lý, sử dụng chi phí quản lý dự án của Ban Quản lý dự án nhóm 1 để làm căn cứ cho việc phân chia, trích tỷ lệ chi phí quản lý dự án giữa Sở Giao thông vận tải và Trung tâm… dẫn đến sai lệch kết quả thanh tra, các thành viên trong Đoàn có ý kiến khác nhau về kết quả thanh tra.

Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản yêu cầu Trưởng đoàn Thanh tra làm rõ nhiều vấn đề như cơ sở pháp lý của việc Sở Giao thông vận tải đặt ra tỷ lệ phân chia (15% cho Sở, 85% cho Trung tâm) và yêu cầu Trung tâm trích nộp về Sở khoản chi phí quản lý dự án; việc sử dụng khoản chi phí quản lý dự án này có đúng với các quy định, chế độ, tiêu chuẩn, định mức, quyết định phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền và có phục vụ cho hoạt động quản lý dự án…

Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu Trưởng đoàn Thanh tra lấy ý kiến của hai cơ quan chuyên ngành về quản lý tài chính và theo dõi thi hành pháp luật là Sở Tài chính và Sở Tư pháp.

Theo nguồn tin được biết, Sở Tài chính và Sở Tư pháp cũng đã có văn bản nêu rõ, theo Quyết định số 3613/QĐ-CTUBND ngày 14/10/2005 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và mối quan hệ công tác của Trung tâm thì Trung tâm là đơn vị sự nghiệp có thu, tự chủ và tự chịu trách nhiệm về tài chính, tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng… giúp Giám đốc Sở Giao thông vận tải tổ chức tự hiện quản lý các dự án đầu tư xây dựng giao thông của tỉnh.

Đối chiếu Quyết định số 3613/QĐ-CTUBND nêu trên với quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 3 và Mục 2 Chương II Thông tư số 05/2014/TT-BTC ngày 06/1/2014 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ thì Trung tâm là Ban Quản lý dự án nhóm 2; theo Khoản 3 Điều 3 Thông tư số 05/2014/TT-BTC thì Ban Quản lý dự án nhóm 2 thực hiện việc lập dự toán, quyết toán thu chi theo quy định tại Mục 2 Chương II Thông tư này. Tại Mục 2 Chương II Thông tư số 05/2014/TT-BTC không có quy định việc phân chia, trích nộp khoản chi phí quản lý dự án của Ban Quản lý dự án nhóm 2 cho chủ đầu tư.

Đồng thời, theo quy định tại Điều 14 đến Điều 16 Thông tư số 05/2014/TT-BTC thì Ban Quản lý dự án nhóm 2 có thẩm quyền quản lý, sử dụng các khoản thu chi của đơn vị mình (trong đó có khoản chi phí quản lý dự án), không có quy định khoản thu của chủ đầu tư từ chi phí quản lý dự án của Ban Quản lý dự án nhóm 2 và không có quy định khoản chi của Ban Quản lý dự án nhóm 2 trích nộp chi phí quản lý dự án cho chủ đầu tư.

Bên cạnh đó cũng không có văn bản nào của Trung ương và của UBND tỉnh Bình Thuận (bao gồm cả Quyết định số 3613/QĐ-CTUBND ngày 14/10/2005 của Chủ tịch UBND tỉnh) quy định việc phân chia hay trích chi phí quản lý dự án của Trung tâm cho Sở Giao thông vận tải (chủ đầu tư). Vì vậy, việc Sở Giao thông vận tải tự đặt ra tỷ lệ phân chia chi phí quản lý dự án và yêu cầu Trung tâm trích nộp cho Sở quản lý, sử dụng là sai quy định.

Ông Phạm Văn Nam – nguyên Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó Chủ tịch tỉnh Bình Thuận (hiện nay đang giữ chức Bí thư Thị ủy La Gi)

Liên quan đến việc đầu tư xây dựng một số dự án công trình giao thông tại tỉnh Bình Thuận, trong đó có dự án đường Quốc lộ 55, theo tài liệu của phóng viên nắm được, ngày 29/11/2013, ông Phạm Văn Nam – Giám đốc Sở Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Thuận (nay là Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thị ủy La Gi) đã ký văn bản gửi Trung tâm Quản lý dự án và Tư vấn xây dựng công trình giao thông và Ban Quản lý dự án Quốc lộ 55 về việc trích nộp chi phí quản lý dự án do Sở này làm chủ đầu tư.

Theo đó, Sở Giao thông vận tải Bình Thuận đề nghị Trung tâm Quản lý dự án và Tư vấn xây dựng công trình giao thông và Ban Quản lý dự án Quốc lộ 55 trích nộp về Sở này 10% phần chi phí quản lý dự án của từng dự án.

Tuy nhiên, Sở Tài chính đã khẳng định đề nghị của Sở Giao thông vận tải là không đúng với quy định về quản lý, sử dụng chi phí quản lý tại các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.

Theo Sở Tài chính, ngày 15/11/2013, Sở Giao thông vận tải đã có Quyết định số 3549/QĐ-SGTVT về việc phê duyệt dự toán chi phí quản lý dự án năm 2013 của Trung tâm Quản lý dự án và Tư vấn xây dựng công trình giao thông, với tổng dự toán thu-chi là 9,5 tỷ đồng. Trong đó, không có nội dung chi trích nộp 10% cho chủ đầu tư.

Như vậy, việc Sở Giao thông vận tải đề nghị Trung tâm Quản lý dự án và Tư vấn xây dựng công trình giao thông trích nộp 10% phần chi phí quản lý dự án là chưa đúng quy định tại Thông tư số 10/2011/BTC ngày 26/1/2011 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, sử dụng chi phí quản lý tại các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.

Được biết, ngoài dự án tuyến tránh Quốc lộ 55, tại dự án công trình đường ven biển Hòa Thắng – Hòa Phú với tổng dự toán là 998.567.000.000 đồng, trong đó chi phí quản lý dự án là 7.209.407.843 đồng; Sở Giao thông vận tải Bình Thuận cũng đề nghị được trích 15%, tương ứng với số tiền 1.081.411.176 đồng.

Đáng nói, việc sử dụng tiền phần trăm chi phí quản lý dự án như thế nào, có minh bạch hay không cũng là một dấu hỏi lớn đối với Ban giám đốc Sở Giao thông vận tải Bình Thuận thời điểm đó.

Trước sự việc trên, kính đề nghị cơ quan có thẩm quyền tỉnh Bình Thuận làm rõ, xem xét trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức có liên quan để tránh thất thoát tài sản của Nhà nước.

theo Nhóm PV

Tuổi trẻ thủ đô

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Thuận: Đường tránh QL 55 xuống cấp và nguy cơ thất thoát tài sản Nhà nước từ việc làm của Sở Giao thông vận tải