Bình Thuận tổ chức họp báo về việc lấy hơn 600 ha rừng làm hồ Ka Pét

Mai Hạ|07/09/2023 16:17
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Trước nhiều thông tin trái chiều xung quanh việc khai thác, chuyển đối hơn 600 ha đất rừng để làm hồ chứa nước Ka Pét ở huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận đã chính thức tổ chức họp báo vào chiều nay, ngày 7/9.

binh-thuan.jpg
Tỉnh Bình Thuận tổ chức họp báo thông tin về chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam. Ảnh: Báo Lao Động

Ông Dương Văn An - Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận - chủ trì buổi họp báo. Đồng chủ trì có ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận.

Buổi họp báo còn có đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Bình Thuận, Ban Tuyên giáo, Sở Thông tin và Truyền thông cùng nhiều sở ban, ngành liên quan.

Ngoài ra còn có lãnh đạo xã Mỹ Thạnh, Hàm Cần, các ban quản lý rừng phòng hộ Sông Móng - Ka Pét, Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông liên quan đến diện tích rừng dự kiến khai thác để thực hiện dự án.

Mở đầu buổi họp báo, ông Dương Văn An chia sẻ dự án hồ chứa nước Ka Pét có từ năm 1995, được Bộ NN&PTNT khảo sát, quy hoạch ở vị trí này. Năm 2013, Bình Thuận vẫn giữ hồ Ka Pét khi phê duyệt quy hoạch thủy lợi thời kỳ 2010-2020, tầm nhìn đến 2030.

5 năm sau, Bộ NN&PTNT tiếp tục đưa hồ Ka Pét vào quy hoạch tổng thể thủy lợi vùng Đông Nam Bộ giai đoạn đến 2030, định hướng 2050.

Tháng 7, Thủ tướng phê duyệt quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, trong đó có hồ Ka Pét.

Như vậy hồ Ka Pét được tỉnh và Trung ương có quy hoạch từ rất sớm. Dự án đã được Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu năm 2019. Tháng 6 vừa qua, Quốc hội phê duyệt điều chỉnh tại Nghị quyết 101, chấp thuận tăng vốn dự án thêm hơn 200 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương.

Bí thư Dương Văn An cũng chia sẻ thêm tỉnh Bình Thuận là một trong những địa phương khô hạn với lượng mưa hàng năm thấp nhất cả nước. Tình trạng khô hạn dẫn đến nhiều vùng đất bị hoang hóa, sản xuất nông nghiệp khó khăn, hiệu quả thấp; không chỉ thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt cũng thiếu, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân.

7-hc-bt-bt.png
Ông Dương Văn An - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận chia sẻ một số thông tin về dự án Hồ chứa nước Ka Pét

Trong nhiều năm qua, tỉnh Bình Thuận đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu xây dựng hệ thống công trình thủy lợi với tổng dung tích thiết kế hơn 362 triệu m3. Tuy nhiên với nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất dự báo đến năm 2030 lên đến hơn 1.169 triệu m3/năm, tổng dung tích thiết kế của các hồ nêu trên chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu.

Mặt khác, các hồ thủy lợi lớn của tỉnh chủ yếu nằm ở khu vực phía Bắc; khu vực phía Nam của tỉnh chỉ có những hồ chứa nhỏ, nên nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất thiếu trầm trọng, một số khu vực phải ngưng sản xuất nông nghiệp có thời hạn. Nhu cầu đầu tư hệ thống hồ chứa nước để giữ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân cần được ưu tiên. Hồ Ka Pét là một trong những dự án thủy lợi được người dân trong tỉnh mong đợi từ nhiều năm qua.

Ông Dương Văn An cho biết, có đi khảo sát vào mùa khô mới thấy nỗi khổ của người dân khi những cánh đồng khô cỏ cháy, ruộng đồng nứt nẻ, cừu trâu chết khát...

"Giữ rừng cũng cho dân, giữ nước cũng cho dân. Dự án này có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ nước cho dân. Nước tăng độ ẩm cho hệ sinh thái, tăng lượng nước ngầm, điều tiết nước giữa mùa mưa và mùa khô", ông An nói để nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của dự án hồ chứa nước Ka Pét.

Bí thư tỉnh khẳng định dự án được đánh giá, khảo sát, nghiên cứu kỹ về tác động môi trường rất kỹ và cẩn thận.

“Mình nói một chiều về rừng thì tội bao nhiêu người dân chịu cảnh khô hạn. Việc gì có lợi cho dân, khó mấy cũng quyết tâm làm. Việc gì có hại cho dân dù việc nhỏ cũng không làm”, ông An nói.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nói thêm: “Làm lãnh đạo nếu ngại va chạm dư luận xã hội, gió chiều nào theo chiều ấy, đẽo cày giữa đường thì dễ quá. Làm ở đây không phải làm bất chấp, không phải làm không có khoa học, làm theo kiểu phá hoại. Tỉnh sẵn sàng tiếp thu ý kiến của nhà khoa học, báo chí, nếu có gì bất cập, bất hợp lý ảnh hưởng môi trường, phá hệ sinh thái đến mức nặng nề, không thể khắc phục, tỉnh sẽ sẵn sàng điều chỉnh, không bảo thủ. Tỉnh xác định, việc đúng thì quyết tâm làm, sai thì chỉnh sửa, tiếp thu, không bảo thủ".

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An khẳng định vai trò quan trọng của hồ chứa nước Ka Pét trong việc cấp nước tưới cho khoảng 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam; cấp nước thô với khoảng 2,63 triệu m²/năm cho Khu công nghiệp Hàm Kiệm II và tạo nguồn nước thô để phục vụ sinh hoạt của 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam, TP Phan Thiết.

Hồ Ka Pét còn có vai trò phòng chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực huyện Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận; tăng dòng chảy trong mùa khô, góp phần cải thiện môi trường sinh thái vùng hạ du, nhất là đoạn qua TP Phan Thiết, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ của địa phương.

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, dự án hồ chứa nước Ka Pét là dự án quan trọng quốc gia, được Quốc hội quyết định và quyết định điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 93/2019/QH14 ngày 26/11/2020 và Nghị quyết 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023. Quy mô hồ Ka Pét gồm hồ điều tiết dung tích toàn bộ Wtb = 51,21 triệu m³, dung tích hữu ích Whi = 47,41 triệu m³, dung tích chết Wc = 3,8 triệu m³; hệ thống kênh và các công trình phụ trợ khác.

Tổng mức đầu tư và nguồn vốn của dự án là 874,089 tỉ đồng, gồm ngân sách trung ương 519,927 tỉ đồng và ngân sách địa phương 354,162 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2019 đến hến năm 2025.

Liên quan thông tin về khu rừng hơn 600 ha sẽ được khai thác, chuyển đổi để làm dự án hồ chứa nước Ka Pét, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận đã thông tin về diện tích các loại rừng sẽ khai thác.

Cụ thể, tổng diện tích đất dự án là 697,73 ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp là 679,72 ha (đất có rừng 619,58 ha, gồm: rừng đặc dụng 137,95 ha; rừng phòng hộ 0,51 ha; rừng sản xuất 440,4 ha, đất nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 40,72 ha và đất không có rừng 60,14 ha); diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 18,01 ha.

Tổng diện tích phải trồng rừng thay thế theo Điều 21 Luật Lâm nghiệp là 1.844,54 ha. UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Quyết định 3263/QĐ-UBND ngày 30/12/2020 về việc phê duyệt phương án trồng rừng thay thế (đợt I) với diện tích 434,22 ha (cho 144,74 ha rừng tự nhiên).

Đối với phần diện tích cần trồng rừng thay thế còn lại (1.410,32 ha), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận đang rà soát để mở rộng thêm vị trí trồng rừng thay thế bổ sung, đảm bảo diện tích trồng rừng thay thế của dự án.

Theo báo cáo ngày 10/6/2023 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đã có 77 lượt đại biểu Quốc hội góp ý tại tổ và 11 lượt ý kiến góp ý tại hội trường về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét.

Ngoài Khu bảo tồn thiên nhiên núi Ông và Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Koú, các đại biểu cho rằng nên gắn việc trồng rừng thay thế với tạo việc làm cho người dân địa phương, có thể trồng rừng thay thế trên diện tích quy hoạch rừng sản xuất...

7-hc-bt.jpg
Cây rừng bên trong dự án

Theo ông Nguyễn Thanh Vũ, Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận, buổi họp báo tập trung thông tin liên quan đến việc đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét tại huyện Hàm Thuận Nam. Đồng thời, các sở, ban ngành liên quan sẽ trả lời những vấn đề được phóng viên quan tâm xoay quanh dự án.

Hồ Ka Pét được tỉnh và Trung ương có quy hoạch từ rất sớm. Tỉnh Bình Thuận đã lập dự án thực hiện từ năm 2010 nhưng không có vốn nên kéo dài. Dự án được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV (tháng 5/2019). 

Ban đầu, tổng diện tích sử dụng đất của dự án gần 694ha ở huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Trong đó có khoảng 680ha rừng, bao gồm rừng đặc dụng 162,55ha, rừng phòng hộ 0,91ha, rừng sản xuất 471,09ha, rừng nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng 45,85ha. Còn lại là diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 12,9ha.

Đến tháng 5/2023, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chính phủ trình tờ trình về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án này. Trong các nội dung điều chỉnh, diện tích sử dụng đất của dự án lên gần 698ha (tăng gần 4,5ha so với phê duyệt ban đầu). Trong đó, đất có rừng khoảng 620ha (giảm 60,83ha) gồm đất rừng đặc dụng là 137,95ha (giảm 24,6ha), đất rừng phòng hộ là 0,51ha (giảm 0,4ha), đất rừng sản xuất là 440,4ha (giảm 30,69ha), đất nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 40,72ha (giảm 5,13ha).

Đồng thời đất không có rừng tăng 60,14ha và diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 18,01ha (tăng 5,13ha).

Diện tích trồng rừng thay thế của dự án trên 1.800ha với tổng chi phí gần 177 tỷ đồng. Tỉnh dự kiến hoàn thành trồng rừng thay thế vào năm 2025 - cùng thời điểm kết thúc dự án xây hồ. Dự kiến đến quý 2/2024, dự án mới có thể khởi công và hoàn thành sau một năm rưỡi để cấp nước cho dân.

Bài liên quan

(1) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Thuận tổ chức họp báo về việc lấy hơn 600 ha rừng làm hồ Ka Pét