Thông tin trên được thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến hôm 9/9 về việc triển khai dự án sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân và sơ kết 6 tháng thực hiện dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Theo Thứ trưởng Công an Nguyễn Duy Ngọc, dự án Sản xuất, cấp, quản lý Căn cước công dân (CCCD) và dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGDC) có ý nghĩa quan trọng trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, góp phần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Toàn lực lượng Công an từ Trung ương đến cơ sở đã có nhiều nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn đảm bảo tiến độ, lộ trình trong việc triển khai, thực hiện hai dự án.
Cấp 50 triệu thẻ căn cước công dân trước 1-7-2021
Bộ Công an đã hoàn thành việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với việc triển khai thực hiện hai dự án, đồng thời có kế hoạch, lộ trình cụ thể sửa đổi từng văn bản (gồm 1 Luật, 1 Nghị định, 05 Thông tư thuộc trách nhiệm của Bộ Công an), đồng thời, chủ động nghiên cứu, chuẩn bị trước nhiều nội dung liên quan đến hai dự án, xác định tư duy chỉ đạo lồng ghép hai dự án ngay từ đầu để đảm bảo đồng bộ, tiết kiệm, chống lãng phí.
Ngày 3/9/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án CCCD, là cơ sở để lực lượng Công an khẩn trương triển khai thực hiện song song cùng với dự án CSDLQGDC.
Điểm nổi bật của dự án căn cước công dân là sẽ thay đổi cách thu thập vân tay. Dự kiến ngày 1/11, Bộ Công an tổ chức lấy vân tay đồng loạt theo phương thức mới trên toàn quốc.
Tiếp đó, tháng 2/2021, Bộ Công an báo cáo kết quả với Chính phủ, khởi động 2 hệ thống và vận hành thử nghiệm. Tháng 7/2021, hai dự án trên sẽ hoạt động.
Theo Bộ Công an, lực lượng chức năng ở các địa phương phải xác định việc cấp khoảng 50 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip cần hoàn thành trước ngày 1/7/2021.
Thiếu tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, cho biết dự án căn cước công dân gắn chip có chi phí ước tính 2.800 tỷ đồng.
Thẻ gắn chíp điện tử có tính bảo mật cao, tốc độ xử lý nhanh hơn và tích hợp các tiện ích, nhiều trường dữ liệu công dân như bằng lái xe, bảo hiểm hay ngân hàng. Căn cước công dân mới cũng được thiết kế mở, tích hợp nhiều công nghệ nhận dạng hiện đại.
Bộ Công an nhấn mạnh trong thời gian chờ cấp thẻ căn cước công dân gắn chip, người dân vẫn sử dụng chứng minh nhân dân hay căn cước công dân mã vạch cho đến khi hết thời hiệu (chứng minh nhân dân 9 số thì bắt buộc phải cấp, đổi mới).
Mai Anh