Bộ Công Thương nêu 2 kịch bản đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho năm 2023

Nguyên Lâm|22/11/2022 18:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Trước nhu cầu thực tế của nền kinh tế, với mục tiêu đảm bảo nguồn cung xăng dầu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng cần phải có phương án 2 để chủ động trong mọi tình huống.

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên vừa chủ trì cuộc họp bàn về kế hoạch phân giao tổng nguồn xăng dầu và sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu

Trong bối cảnh nguồn cung của thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, từ bài học điều hành, quản lý xăng dầu vừa qua, lãnh đạo Bộ Công thương cho rằng, cần phải có cách tiếp cận nhanh và thích ứng hơn, sửa đổi bổ sung chính sách kịp thời và sát hơn với thị trường.

Về phân giao tổng nguồn xăng dầu năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu việc phân giao cần dựa trên con số thực hiện của năm 2022 và tính toán trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đạt 6,5% trở lên. Như vậy, con số phân giao năm 2023 tăng khoảng 10% so với số thực hiện của năm 2022.

Trước nhu cầu thực tế của nền kinh tế, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng cần phải có phương án 2 để chủ động trong mọi tình huống, tăng hơn 15% so với số thực hiện của năm 2022.

xang-dau.jpg
Bộ Công Thương mở cuộc họp ngày 21/11 về nguồn cung xăng dầu 2023. Ảnh: Bộ Công Thương

Về phía doanh nghiệp, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), đề xuất cần bổ sung thêm nên có sự phân giao theo quý, tháng để kiểm soát việc tổ chức, tiến độ thực hiện. Lãnh đạo Petrolimex cho rằng các thương nhân đầu mối phải bình đẳng, đã là thương nhân đầu mối thì trách nhiệm như nhau. Đồng thời, nhất trí với phương án kế hoạch phân giao tăng thêm 10% và 15% theo các kịch bản tương ứng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng cho biết trước đây việc phân giao tổng nguồn xăng dầu được thực hiện cho cả năm. Vào từng tháng, quý, 6 tháng, Bộ Công Thương đều có rà soát để nắm tình hình, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

Theo ông Đỗ Thắng Hải, năm 2023, Bộ Công Thương sẽ thực hiện phân giao theo quý, tháng, nhưng việc phân giao là bước đầu, Bộ không cứng nhắc mà linh hoạt theo thực tế. Kế hoạch phân giao sản lượng cả năm cho các doanh nghiệp được phân bổ chi tiết tới từng tháng, quý là cơ sở cho việc bảo đảm nguồn cung và công tác thanh tra, kiểm tra của các lực lượng chức năng.

Từ các ý kiến đóng góp tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đưa ra 2 kịch bản dự kiến về phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023. Kịch bản 1, tỉ lệ tăng trưởng 10% so với năm 2022, tương đương 25,9 triệu m3, tấn; kịch bản 2 tăng trưởng 15%, tương đương 26,76 triệu m3, tấn.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, sản lượng này phải được phân bổ từng tháng, quý. Mỗi tháng quý căn cứ vào số liệu thực hiện trên phần mềm quản lý sẽ áp dụng từ 1/1/2023 để có điều chỉnh phù hợp.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh việc phân giao này phải căn cứ kế hoạch sản xuất của nhà máy trong nước, nhất là kế hoạch duy tu bảo dưỡng định kỳ để có sự điều chỉnh kịp thời. Bộ trưởng cũng đề nghị các doanh nghiệp đầu mối thường xuyên báo cáo phản ánh những chi phí thực tế phát sinh để cập nhật với Bộ Tài chính.

Liên quan đến quản lý xăng dầu, đại diện Bộ Công Thương cho biết, ngày 21/11 đã gửi Thủ tướng Chính phủ Tờ trình đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Trong đó, nêu cụ thể về đối tượng, phương thức và thời gian lấy ý kiến.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ Công Thương nêu 2 kịch bản đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho năm 2023