Bộ Nội vụ đề xuất nguyên tắc đặt tên tỉnh, xã sau sáp nhập
Bộ Nội vụ đề xuất tên đơn vị cấp tỉnh sau sáp nhập được đặt theo tên của một trong các đơn vị trước sắp xếp phù hợp định hướng được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Theo chương trình phiên họp, chiều nay 14/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính (thay thế nghị quyết số 35/2023 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030).
Trước đó, Bộ Nội vụ (cơ quan được giao chủ trì soạn thảo) đã trình dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính 2025.

Mục tiêu đặt ra của dự thảo là thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã thống nhất, đồng bộ với đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp cơ sở, bỏ cấp huyện); bảo đảm hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã trước ngày 30/6/2025.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh quy định tại dự thảo Nghị quyết này là việc nhập tỉnh với tỉnh để hình thành tỉnh mới hoặc nhập tỉnh với thành phố trực thuộc Trung ương để hình thành thành phố trực thuộc Trung ương mới theo định hướng sắp xếp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để giảm số lượng, tăng quy mô đơn vị hành chính, mở rộng không gian phát triển, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Bên cạnh đó, sắp xếp cấp xã là việc thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới cấp xã để giảm số lượng theo tỷ lệ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Quy định này bảo đảm quy mô phù hợp, đáp ứng yêu cầu tổ chức cấp xã gần dân, sát dân, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Theo dự thảo, trường hợp sắp xếp phường với các đơn vị hành chính cùng cấp thì đơn vị hành chính mới hình thành sau sắp xếp là phường; trường hợp sắp xếp xã, thị trấn thì đơn vị hành chính mới hình thành sau sắp xếp là xã.
Về nguyên tắc sắp xếp đơn vị hành chính, dự thảo nêu, việc sắp xếp cấp tỉnh, cấp xã được thực hiện đối với các đơn vị hành chính có diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số chưa đáp ứng tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
Đồng thời, việc sắp xếp các đơn vị này cần căn cứ vào yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa tương đồng; có vị trí địa lý liền kề; có quy mô, tiềm năng, lợi thế và trình độ phát triển kinh tế phù hợp.
Bên cạnh đó, dự thảo còn nêu rõ, việc xây dựng phương án sắp xếp cấp tỉnh, cấp xã phải tính đến các yếu tố về điều kiện tự nhiên, hạ tầng giao thông, sự phân bố và tổ chức các không gian kinh tế nhằm bảo đảm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế của mỗi địa phương, hỗ trợ lẫn nhau để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung.
Việc cân nhắc kỹ các yếu tố về trình độ, năng lực quản lý của cấp ủy, chính quyền địa phương, mức độ chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin của chính quyền địa phương và người dân; bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc tại các địa bàn trọng yếu, khu vực đảo, quần đảo và vùng biên giới cũng là những yếu tố then chốt được coi là nguyên tắc quan trọng khi xây dựng phương án sắp xếp.
Đặc biệt, dự thảo Nghị quyết quy định nguyên tắc sắp xếp đơn vị hành chính cần căn cứ vào việc giữ gìn và phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc của mỗi địa phương, bảo đảm khối đoàn kết gắn bó của cộng đồng dân cư.
Dự thảo cũng đề xuất quy định tên của cấp tỉnh, cấp xã hình thành sau sắp xếp. Theo đó, dự thảo đề xuất tên của cấp tỉnh sau sắp xếp được đặt theo tên của một trong các đơn vị hành chính trước sắp xếp phù hợp với định hướng sắp xếp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bên cạnh đó, việc đặt tên, đổi tên của cấp xã sau sáp nhập được quy định theo hướng tên của cấp xã mới hình thành sau sắp xếp cần dễ đọc, dễ nhớ, ngắn gọn, bảo đảm tính hệ thống, khoa học, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương và được nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ.
Đồng thời, dự thảo Nghị quyết cũng nêu khuyến khích đặt tên cấp xã theo số thứ tự hoặc theo tên của cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin.
Mặt khác, tên của cấp xã mới hình thành sau sắp xếp không được trùng với tên của đơn vị hành chính cùng cấp hiện có trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dự kiến hình thành theo định hướng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.