Bộ trưởng Bộ TN&MT: Cần có chương trình mục tiêu quốc gia xử lý "dòng sông chết"

Minh Lâm|06/11/2023 16:32
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh cho rằng cần phải có một chương trình mục tiêu quốc gia để xử lý các dòng sông chết, ô nhiễm các dòng sông và xử lý môi trường về rác thải, nước thải nói chung.

bo-tai-nguyen-moi-truong.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn chiều ngày 6/11. Ảnh: Gia Hân

Chiều ngày 6/11, Quốc hội (QH) tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch QH Vương Đình Huệ, QH tiếp tục tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề kinh tế ngành thuộc các lĩnh vực: Công thương; nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT); giao thông vận tải (GTVT); xây dựng; tài nguyên và môi trường (TN&MT).

Khai thác khoáng sản trái phép có cán bộ địa phương "bảo vệ"

Trả lời tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Đặng Quốc Khánh cho hay Việt Nam là một trong 6 quốc gia chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu, Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long chịu ảnh hưởng với địa chất yếu, vùng Tây Nguyên địa chất lát cắt, mưa lũ tạo ra sạt lở nguy hiểm.

Vì vậy Bộ tăng cường khả năng cảnh báo thiên tai, ban hành đề án về khả năng dự báo, phối hợp địa phương để có bản đồ sạt lở, quy hoạch di dời dân cư, dự báo sạt lở tránh ảnh hưởng dân cư. Đề xuất các dự án công trình và phi công trình.

Ông nói thêm, vừa qua Thủ tướng đã đi thị sát vùng Đồng bằng sông Cửu Long và có chỉ đạo để trình Quốc hội các dự án bờ, kè. Các dự án của ODA với 16 dự án có quy mô gần 2 tỉ USD. Dự án các chương trình mục tiêu quốc gia để chống sạt lở.

Tuy nhiên, với khu vực miền núi và vùng sâu vùng xa rất khó khăn trong lựa chọn di dời dân cư. Vì vậy, việc lựa chọn nơi phát triển kinh tế là rất quan trọng. Gắn với đó là giải pháp phi công trình, đề nghị các địa phương có cây bản địa, trồng thêm cây xanh chống sạt lở…

Về chống khai thác khoáng sản trái phép, ông Khánh nói Chính phủ đã chỉ đạo tập trung trong cấp phép, kiểm tra giám sát khoáng sản và vật liệu công trình xây dựng. Về khoáng sản trái phép, ông nói địa phương có vai trò rất lớn trong kiểm tra, giám sát.

"Khoáng sản trên địa bàn, khai thác chở bằng ô tô. Nhưng sau các vụ án vụ việc xảy ra có vấn đề liên quan đến cán bộ địa phương, có hệ thống bảo vệ việc này. Thời gian tới Bộ TN&MT phối hợp địa phương để kiểm tra giám sát chặt chẽ việc này", ông Khánh nói.

Cần có chương trình mục tiêu quốc gia xử lý "dòng sông chết"

Trước hai câu hỏi về xử lý ô nhiễm tại các khu vực hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải và sông Cầu (Bắc Giang), Bộ trưởng TN&MT cho biết để giải quyết triệt để tình trạng này phải mất rất nhiều nguồn lực xử lý từ hệ thống thu gom. Kể cả với việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải, các đơn vị cũng cần nguồn lực để vận hành nhà máy.

Theo ông Khánh, Bộ TN&MT đã báo cáo với Chính phủ, đề xuất cấp có thẩm quyền cần phải có một chương trình mục tiêu quốc gia để xử lý các dòng sông chết, ô nhiễm các dòng sông và xử lý môi trường về rác thải, nước thải nói chung.

Giải pháp thứ hai là có cơ chế chính sách để có nguồn lực xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp xử lý nước thải, rác thải; gắn vào đó là cơ chế của những doanh nghiệp xả thải thì phải có đóng góp.

Cùng với đó là công tác tuyên truyền vận động người dân, tổ chức để đảm bảo lượng rác thải nằm trong ngưỡng xử lý được.

Bộ trưởng cho rằng cần tăng cường công tác quan trắc, kể cả ở hệ thống Bắc Hưng Hải và sông Cầu. Hiện nay, Bộ đã tăng cường quan trắc với các Sở TN&MT để kịp thời kiểm tra, giám sát việc xả thải.

"Để xử lý thì phải có thời gian, nguồn lực. Hiện nay, chúng ta còn có một việc là các làng nghề truyền thống. Cần có quy hoạch để di chuyển làng nghề thì mới xử lý được dứt điểm. Việc này cũng cần ngân sách thực hiện”, Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh nói.

Triển khai thí điểm, vận hành thực hiện sớm nội dung về tín chỉ carbon

Trả lời câu hỏi của đại biểu liên quan đến tín chỉ carbon, Bộ trưởng cho biết, để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng "0", Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo quyết liệt các nội dung này. Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ ban hành thị trường carbon; Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo ban hành các nghị định liên quan đến quản lý và liên quan đến thực hiện phát thải ròng và nguyên tắc, nguyên lý công bằng đối với tiếp cận toàn cầu.

Người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, thực tế, thị trường carbon là công cụ hữu hiệu để giúp các quốc gia thực hiện mục tiêu, với vai trò của Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với các bộ, ngành sẽ hoàn thiện thể chế và chuẩn bị năng lực chuyên môn, hạ tầng và các điều kiện thiết yếu; triển khai thí điểm, vận hành để thực hiện sớm nội dung về tín chỉ carbon.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Bộ TN&MT: Cần có chương trình mục tiêu quốc gia xử lý "dòng sông chết"