Tháo gỡ khó khăn trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi

Hoàng Linh|03/11/2023 09:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Hệ thống thủy lợi giữ vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp; phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, bảo đảm an ninh nguồn nước. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong khai thác công trình thủy lợi hiện nay là những quy định liên quan còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn.

Ngày 2/11, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy khai thác đa mục tiêu, phát huy tối đa tiềm năng, giá trị công trình thủy lợi.

cong-trinh-thuy-loi-1.jpg
Ngoài nhiệm vụ tưới tiêu, đảm bảo nước sinh hoạt,... nhiều công trình thủy lợi hiện trở thành điểm du lịch, tham quan thu hút du khách. Ảnh: Báo NNVN

Các đại biểu cho rằng, hệ thống thủy lợi giữ vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, cải tạo môi trường sinh thái, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, bảo đảm an ninh nguồn nước. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong khai thác công trình thủy lợi hiện nay là những quy định liên quan còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn.

Cụ thể, việc thực thi Luật Thủy lợi và các quy định trong quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi ở nhiều địa phương chưa triệt để, toàn diện, dẫn đến nhiều chính sách, quy định chưa được thực thi đầy đủ, nhiều hành vi vi phạm, xâm hại công trình thuỷ lợi chưa được xử lý kịp thời, đúng mức.

Theo Cục Thủy lợi, cả nước hiện có 6.750 đập, hồ chứa thủy lợi có dung tích trữ từ 50 nghìn m3 hoặc chiều cao đập từ 5m trở lên; 19.416 trạm bơm, 27.754 cống; 16.057 đập tạm và 291.000km kênh mương các loại. Hằng năm, các công trình thủy lợi tưới cho khoảng 7,26 triệu ha trồng lúa.

Theo tổng hợp, tổng số lao động của các đơn vị khai thác công trình thủy lợi là gần 27.000 người. Hầu hết lao động đã qua đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, chỉ còn lại một số ít chưa qua lớp đào tạo quản lý khai thác.

Đến nay, cả nước có 101 đơn vị khai thác công trình thủy lợi, trong đó có 85 công ty TNHH MTV, sáu ban, bảy trung tâm và ba chi cục thủy lợi làm nhiệm vụ quản lý, khai thác các công trình thủy lợi vừa và lớn do nhà nước đầu tư xây dựng.

Tại hội nghị, Phó Cục trưởng Thủy lợi Nguyễn Hồng Khanh cho rằng: “Các quy định liên quan tới quản lý, khai thác công trình thủy lợi hiện nay còn những bất cập, chưa phù hợp thực tiễn. Một số quy định của Luật Thủy lợi về tổ chức khai thác còn hạn chế; việc thực thi Luật Thủy lợi và các quy định trong quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi ở nhiều địa phương chưa triệt để, toàn diện, dẫn đến nhiều chính sách, quy định chưa được thực thi đầy đủ. Do đó nhiều hành vi vi phạm, xâm hại công trình thuỷ lợi chưa được xử lý kịp thời, đúng mức”.

Bên cạnh đó, sau hơn 5 năm triển khai thực hiện chính sách giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi nhưng kết quả đạt được rất hạn chế, quy định chưa phù hợp, thủ tục rườm rà. Trong đó, một số địa phương như: Lai Châu, Vĩnh Phúc, Ninh Thuận, Gia Lai, Bình Dương, Long An... xây dựng phương án giá từ năm 2019 nhưng đến nay chưa được ban hành, thủ tục hành chính phức tạp. Cơ quan chức năng quá chậm trễ trong việc ban hành - Phó Cục trưởng Thủy lợi Nguyễn Hồng Khanh cho biết thêm.

Ngoài ra, quy định về quản lý tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi nói riêng và quản lý tài sản công nói chung chưa rõ ràng, thống nhất với quy định về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Do đó chưa tạo điều kiện để doanh nghiệp liên doanh, liên kết khai thác, sử dụng tài sản công hiệu quả.

Mặt khác, tình hình tài chính hiện nay của các đơn vị khai thác thủy lợi rất khó khăn. Nguồn thu chủ yếu từ ngân sách Trung ương cấp hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi với mức hỗ trợ được quy định từ năm 2012 đến nay không thay đổi.

Việc này dẫn tới một số tồn tại cho hoạt động của đơn vị khai thác như: Các đơn vị phải ưu tiên bảo đảm nội dung chi cần thiết, cấp bách nên công trình không được bảo trì kịp thời.

Theo kết quả điều tra, bình quân hiện nay, các công trình thuỷ lợi đã được đầu tư xây dựng mới phát huy được khoảng 80% năng lực thiết kế. Còn nhiều hệ thống công trình thủy lợi chưa được khép kín, hoàn thiện, dẫn đến hiệu quả của công trình thủy lợi đầu mối chưa cao.

Hơn nữa, nhiều công trình thủy lợi được đầu tư từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước, trong quá trình vận hành, khai thác không đủ kinh phí để bảo trì, sửa chữa nâng cấp nên luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

cong-trinh-thuy-loi.png
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đồng cảm, chia sẻ với những người đang ngày đêm chung sức cho các công trình thủy lợi. Ảnh: Báo NNVN

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng các công ty hiện nay gặp phải thách thức chính. Thứ nhất, là những ràng buộc về thể chế, trong đó có Luật Thủy lợi, Luật giá, các Nghị định liên quan như 96, 32, 114...

Theo Thứ trưởng, Bộ NN-PTNT vừa ban hành văn bản đề nghị địa phương đánh giá tổng kết Luật Thủy lợi nhằm nâng cao năng lực, củng cố hoạt động, đáp ứng kịp các yêu cầu thị trường. "Chúng tôi mong muốn có thể chuyển đổi hoạt động từ phục vụ sang dịch vụ, để ổn định đời sống cán bộ thủy nông", ông nói.

Việc tăng tỷ lệ dịch vụ thủy lợi trong khai thác công trình còn giúp các công ty thu hút thêm nguồn lực xã hội hóa, đầu tư vào kết cấu hạ tầng thủy lợi; đồng thời giảm tác động từ những thay đổi của chính sách.

Một điểm "trói" nữa là cơ chế xác định giá. Hiện nhiều công ty khai thác thủy lợi vẫn đang loay hoay về vấn đề này. Do nhiều trở lực, trong đó có Nghị định 96, nên nhiều công ty hiện nợ lương cán bộ, công nhân viên.

Thách thức thứ hai được Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nêu, là phương thức đặt hàng, đấu thầu cho các công ty. Trước đây, đa số họ được giao nhiệm vụ theo kiểu "bao cấp". Nhưng trong cơ chế hiện tại, nếu muốn bứt phá từ phục vụ sang dịch vụ và nâng cao năng lực, thì hầu hết đều vướng Nghị định 32

Thứ ba là về kết cấu hạ tầng. Do đặc điểm các công trình thủy lợi luôn cần chi phí bảo dưỡng, duy tu lớn nên phần lớn ngân sách đều được dành cho hoạt động này. Việc nâng cấp, hướng đến tối ưu và sử dụng đa mục đích chưa thể giải quyết trong ngày một ngày hai.

Điểm nghẽn thứ tư là về quản lý an toàn hồ đập. Lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhìn nhận, đây là vấn đề tương đối nhạy cảm với người dân, nhất là khi có các thông tin liên quan tới vỡ đê, vỡ đập sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý cộng đồng. Nhằm đảm bảo nhiệm vụ này, năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 36 về đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập. Rõ ràng, an toàn hồ đập đã, đang và sẽ luôn là thách thức cho ngành thủy lợi.

Cuối cùng là các vấn đề liên quan tới chế độ, chính sách cho người lao động. Vừa qua, rất nhiều cán bộ thủy nông đã xin nghỉ vì tình trạng nợ lương, thu nhập thấp xảy ra triền miên. "Chúng ta cần đặt mình vào vị trí những người quanh năm nằm cô đơn giữa công trình thủy lợi, để thấu hiểu tâm tư của họ", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Bài liên quan
  • Phát huy vai trò các công trình thủy lợi tại Sơn La
    Hệ thống các công trình thủy lợi trong tỉnh hiện còn nhỏ lẻ, chưa được xây dựng hoàn chỉnh. Ngành chức năng của tỉnh Sơn La đã tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình, đặc biệt trong mùa mưa bão, phát huy vai trò điều tiết nước phục vụ sản xuất, tưới tiêu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Tháo gỡ khó khăn trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.