Hiện nay, toàn tỉnh Sơn La có 2.697 công trình thủy lợi, 110 hồ chứa, 1.149 đập xây; 94 công trình phai rọ thép; 1.035 phai, đập chưa được kiên cố (phai tạm); 5 công trình tưới cây trồng cạn; 190 công trình cửa lấy nước; 3 công trình tiêu thoát lũ; 6 trạm bơm nhỏ; 3.022 km mương dẫn nước, phục vụ tưới tiêu cho hơn 34.718 ha đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản.
Ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên quản lý, khai thác công trình thủy lợi Sơn La, cho hay: Hệ thống các công trình thủy lợi trong tỉnh hiện còn nhỏ lẻ, chưa được xây dựng hoàn chỉnh; còn nhiều đầu mối phai tạm, mương đất; nhiều công trình đầu tư lâu năm xuống cấp. Trên cơ sở khảo sát, đánh giá thực trạng các công trình, công ty đã lập danh mục, xây dựng dự toán kinh phí bảo trì các công trình thủy lợi với tổng số vốn khoảng 215 tỷ đồng.
Căn cứ Quyết định số 952/QĐ-UBND ngày 5/6/2023 của UBND tỉnh, Công ty TNHH Một thành viên quản lý, khai thác công trình thủy lợi Sơn La đã lập danh sách 162 công trình thủy lợi cần được bảo trì, sửa chữa thường xuyên. Đến hết tháng 8, đã khảo sát, thiết kế lập dự toán được 60 công trình; hoàn thành thi công bảo trì 18 công trình; đang tiếp tục triển khai 2 công trình. Phê duyệt báo cáo kỹ thuật được 5 công trình vốn lúa nước, 2 công trình vốn lũ bão.
Bà Bạc Cầm Thị Xiêng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phù Yên, thông tin: Huyện có gần 250 công trình thủy lợi, gồm 3 hồ thủy lợi lớn chứa nước là hồ Suối Chiếu, hồ bản Lềm và hồ Suối Hòm, cùng 236 công trình thủy lợi các loại và 290km mương dẫn nước phục vụ sản xuất. Phòng đã tham mưu với UBND huyện chỉ đạo, giao các tổ thủy nông cơ sở thường xuyên kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình thủy lợi. Đồng thời, từ năm 2022 đến nay, huy động nhân dân đóng góp 15.000 ngày công lao động tham gia làm thủy lợi, tu sửa hơn 120 km mương dẫn nước, vét gần 10.000 m3 đất, đá; phát dọn cỏ trên 80 km mương dẫn nước, góp phần bảo đảm lượng nước cung cấp cho các khu sản xuất.
Bên cạnh đó, trong thời điểm mưa lũ, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức trực ban, cử cán bộ thường trực tại công trình; vận hành thử cửa van, thiết bị phục vụ xả lũ của các hồ chứa, bố trí đủ vật tư, thiết bị dự phòng, bảo đảm kịp thời sửa chữa, thay thế khi có sự cố vận hành, sẵn sàng xử lý sự cố theo phương châm “4 tại chỗ”. Thường xuyên cập nhật tình trạng các hồ chứa, mực nước hồ lên trang thông tin điện tử của Tổng cục Thủy lợi. Phân công trực, vận hành công trình đảm bảo theo quy định; tại các đập, hồ chứa bố trí cán bộ, công nhân trực 24/24 giờ, tăng cường tuần tra, kiểm tra trong mùa mưa lũ.
Ông Cầm Bun Păn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, cho biết: Trên cơ sở báo cáo rà soát, đánh giá của các đơn vị chuyên môn, Chi cục tham mưu với Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các địa phương tổ chức các cuộc tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy lợi và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thủy lợi, cũng như chính sách quản lý, khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi đến nhân dân. Những tháng cuối năm, Chi cục phối hợp các địa phương thường xuyên kiểm tra các công trình thủy lợi, nhất là sau mỗi đợt mưa lũ, đảm bảo cấp nước phục vụ sản xuất, đời sống trong điều kiện thời tiết bình thường cũng như khi có thiên tai xảy ra.
Với sự chủ động của đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi, cùng sự vào cuộc tích cực của các địa phương trong tỉnh về việc bảo trì, tu sửa, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi, kịp thời phát hiện và khắc phục những hư hỏng trong quá trình vận hành công trình, góp phần phát huy tối đa công năng các công trình cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân.